Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu điều: Nghẽn từ nguyên liệu
16 | 01 | 2020
Việt Nam trong top xuất khẩu điều lớn nhất thế giới nhưng nhiều năm qua vẫn chưa giải quyết rốt ráo được vấn đề nguồn nguyên liệu chế biến.

Trung Quốc đang phải nhập một lượng lớn điều nhân do chính phủ nước này quyết định ngừng nhập khẩu nhiều mặt hàng nông sản từ Mỹ. Thay vì mua điều nhân của Mỹ, nhiều nhà mua hàng của Trung Quốc đã chuyển sang nhập hạt điều của Việt Nam. Trung Quốc đang là một trong ba thị trường nhập khẩu điều lớn nhất của Việt Nam trong năm 2019. Thế nhưng, các nhà xuất khẩu điều của Việt Nam lại có thể vuột mất cơ hội này do thiếu hụt nguồn nguyên liệu thô trong các nhà máy chế biến. 

Ngành công nghiệp chế biến điều trong nước nhiều năm qua vẫn lệ thuộc nguồn cung điều thô nhập khẩu từ nước ngoài, gây thụ động lên kế hoạch sản xuất, chậm tiến độ giao hàng. Ở trong nước, hầu hết doanh nghiệp (DN) nước ngoài nắm quyền phân phối, các nhà sản xuất trong nước thường phải trả trước tới 98% giá trị hợp đồng khi mua bán giao dịch điều thô với đối tác nước ngoài, số tiền còn lại sẽ thanh toán khi lô hàng được giao kiểm tra đúng với hợp đồng ký kết.

Tổng kết công tác thu mua niên vụ 2019, ông Cao Thúc Uy - Giám đốc Công ty điều Cao Phát (Bà Rịa - Vũng Tàu), mong muốn giá bán điều nhân tăng cao hơn, nhưng ông không kỳ vọng giá sẽ đột biến. Vì thế, Cao Phát vẫn tính toán giá mua điều thô dựa trên giá nhân hiện tại để tránh rủi ro trong tương lai. 

Gỡ nút thắt đầu vào, Tập đoàn T&T buộc phải thực hiện những chuyến "ngoại giao con thoi" tới một loạt nước châu Phi với kỳ vọng thu mua được một lượng điều thô lớn, đảm bảo kế hoạch xuất khẩu điều nhân chất lượng cao năm 2019, từng bước tạo dựng chuỗi cung ứng điều thô cho các nhà máy chế biến trong nước.

Thế nhưng, ông Trương Sĩ Bá - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tân Long thuộc Tập đoàn T&T Group cho biết, T&T phải mất hơn 6 tháng mới giành được hợp đồng mua 176.000 tấn điều thô từ nước ngoài. 

Dẫu sao, lượng điều thô T&T nhập về lần này đã góp phần giảm áp lực nguồn cung chế biến trong nước. Theo ông Phạm Văn Công - Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), giá nhập khẩu bình quân 1.360 USD/tấn điều thô trong năm 2019 là mức "dễ chịu" cho các nhà chế biến và trong ngưỡng an toàn dưới 1.450 USD/tấn. Tuy nhiên, ông lo lắng nguồn nguyên liệu nhập khẩu về Việt Nam sẽ giảm trong thời gian tới.

Việt Nam, quốc gia trong top xuất khẩu điều lớn nhất thế giới, trong nhiều năm vẫn chưa giải quyết rốt ráo được vấn đề nguyên liệu chế biến. Số liệu của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho thấy, khối lượng điều thô nhập khẩu trong tháng 11/2019 ước đạt 94.000 tấn với giá trị 130 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị hạt điều nhập khẩu trong 11 tháng đầu năm 2019 ước đạt 1,51 triệu tấn và giá trị 1,99 tỷ USD, tăng 32,5% về khối lượng nhưng giảm 11,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Thị trường nhập khẩu hạt điều lớn nhất trong 10 tháng đầu năm 2019 là Bờ Biển Ngà, chiếm 32,7% thị phần, tăng 39,2% về khối lượng nhưng giảm 6,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.  

Trên thực tế, giá điều thô tác động mạnh đến giá xuất khẩu điều nhân. Số liệu của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho thấy, khối lượng xuất khẩu điều nhân 11 tháng đầu năm 2019 ước khoảng 419.000 tấn, đạt 3,04 tỷ USD, tăng 23,6% so với cùng kỳ năm 2018. Tuy nhiên, thiếu nguyên liệu chế biến đang thách thức mục tiêu xuất khẩu 450.000 tấn điều nhân trong năm 2019, cũng như đảm bảo nhu cầu xuất khẩu và tiêu dùng trong nước dịp năm mới và Tết Nguyên đán.

Tính đến nay, T&T Group đang chiếm hơn 15% tổng số điều thô nhập khẩu vào Việt Nam, đang tiếp tục tìm kiếm nguồn cung điều nguyên liệu mới từ châu Phi. T&T đã ký bản ghi nhớ với đại diện chính phủ Guinea Bissau, quốc gia đứng thứ 5 về sản lượng điều thô trên toàn thế giới, cam kết sẽ nhập khẩu khoảng 150.000-200.000 tấn/năm, tương đương tổng sản lượng hạt điều thô hằng năm của Guinea Bissau.

T&T cũng thỏa thuận với Hội đồng Bông và Điều Bờ Biển Ngà về thu mua điều thô với sản lượng lớn. Thậm chí, T&T còn dự kiến đầu tư xây dựng nhà máy chế biến điều ở Bờ Biển Ngà với công suất chế biến lên tới 50.000 tấn điều thô mỗi năm. Ông Công cho biết, T&T đang theo dõi sát thị trường để điều chỉnh lượng điều thô nhập khẩu sao cho có lợi nhất với các đối tác ở trong nước. 

Tuy nhiên, các kế hoạch tăng sản lượng điều nguyên liệu của T&T cũng vấp phải không ít khó khăn do cục diện thị trường đang thay đổi, một số nước châu Phi bắt đầu tập trung vào chế biến hạt điều. Tại Tanzania, đấu giá mua điều thô nguyên liệu trong mùa vụ mới 2019-2020 quyết liệt hơn nhiều so với mùa vụ trước. T&T một lần nữa trúng thầu hơn 13.600 tấn, chiếm 68% tổng sản lượng mùa điều 2019-2020 của Tanzania, nhưng cũng phải rất nỗ lực mới có thể vượt qua các nhà mua đến từ Ấn Độ, Trung Quốc, Singapore, Kenya, UAE...

Theo các nhà quan sát, T&T thắng thầu so với các nhà thu mua khác là nhờ am hiểu thị trường, điều phối nguồn lực hiệu quả và quan trọng hơn là có chiến lược đầu tư bài bản, trong bối cảnh chính phủ Tanzania ưu tiên hợp tác lâu dài. Dù vậy, với chuỗi cung ứng điều thô ổn định cho nhu cầu trong nước mà T&T đang dần hình thành sẽ góp phần giảm áp lực về nguồn nguyên liệu chế biến. 

Ngành công nghiệp chế biến điều trong nước nhiều năm qua vẫn lệ thuộc nguồn cung điều thô nhập khẩu từ nước ngoài, gây thụ động lên kế hoạch sản xuất, chậm tiến độ giao hàng.

Nguyễn Hoàng
Nguồn: Doanh nhân Sài Gòn



Báo cáo phân tích thị trường