Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Ngành điều “tỉ đô” vượt khó trong bối cảnh thị trường bất ổn
31 | 12 | 2019
Sau giai đoạn khủng hoảng về nguyên liệu sản xuất, năm 2019 có thể xem là năm bản lề của ngành điều khi các vấn đề về thiếu nguyên liệu, giá nhập khẩu nguyên liệu cao, các tranh chấp thương mại trong xuất - nhập khẩu với các doanh nghiệp quốc tế đã phần nào được giải quyết. Tuy nhiên, năm 2020 được các nhà sản xuất, chế biến điều dự báo là năm khó khăn.

Kim ngạch xuất khẩu đạt 3,6 tỉ USD

Tính hết tháng 11 năm 2019, ngành điều Việt Nam đã xuất khẩu được trên 418.000 tấn nhân điều các loại, tăng gần 16,5% về sản lượng xuất khẩu so năm 2018. Dự kiến kết thúc năm 2019 sẽ xuất trên 450.000 tấn điều nhân vượt kế hoạch, với giá xuất trung bình 7.850 đôla/tấn. Thị trường xuất khẩu chính vẫn là Mỹ chiếm 30%, TQ chiếm 14%, còn lại là các thị trường khác. Bên cạnh đó ngành điều cũng nhập khẩu trên 1,5 triệu tấn điều thô với giá nhập thấp, trung bình chỉ 1.330 đôla/tấn, giảm trên 29% về giá so với cùng kỳ năm ngoái.

“Kim ngạch xuất khẩu đạt 3,6 tỉ đôla cho tất cả các sản phẩm từ điều trong năm 2019. Đây được xem là kỷ lục về giá trị xuất khẩu. Chúng ta cũng thực hiện thương vụ nhập khẩu điều thô lớn nhất trong lịch sử ngành điều thế giới với Tanzania, đạt 176.000 tấn. Việc này giúp chúng ta điều tiết được nguồn cung điều thô, chủ động nguồn nguyên liệu chế biến và vượt chỉ tiêu đề ra" - ông Phạm Văn Công - Chủ tịch Hiệp hội điều Việt Nam (Vinacas) - phấn khởi cho biết.

Việt Nam cũng lần đầu tiên có bộ tiêu chuẩn hạt điều thô, gọi tắt là TCVN 12380 - 2018. Đây là bộ tiêu chuẩn quan trọng trong việc kiểm tra, đánh giá, phân loại chất lượng nguyên liệu điều thô nhập khẩu, nâng tầm thương hiệu của ngành điều Việt Nam.

Hiện tại, ngành điều đang tiếp tục phối hợp với Bộ Khoa học Công nghệ xây dựng tiêu chuẩn hạt điều nhân. Việc hòa giải 4 tranh chấp thương mại có giá trị lớn liên quan tới các tập đoàn trên thế giới, hội đồng hòa giải của Vinacas đang hoạt động rất hiệu quả. Điều này giúp góp phần bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp điều trong nước.

Khó dự báo thị trường năm 2020

Theo ông Nguyễn Đức Thanh - nguyên Chủ tịch Vinacas, kiêm Tổng Giám đốc Tanimex-LA - nhu cầu các loại hạt ăn được trên thế giới đang cho thấy nhiều vấn đề chưa rõ ràng về cung - cầu. Những năm về trước theo nhận định của các nhà kinh tế, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ điều tăng cao khiến gây ra cuộc chiến giành nguyên liệu. Đẩy giá điều thô có lúc lên tới 2.500-2800 đôla/tấn gây khó cho sản xuất. Nhưng hiện tại, phải phân tích kỹ nhu cầu tiêu thụ thật sự hay không?

Hiện nhiều quốc gia xuất khẩu điều thô lớn đang có tình trạng găm hàng làm giá. “Vì sao ta xuất khẩu nhiều thế mà giá bán lại không lên? Đó là do yếu tố đầu cơ, các ông lớn quyết định. Họ cố tình làm giá để ta tăng nhập, để họ bán giá tốt. Nhu cầu sử dụng hạt điều tốt cho sức khỏe là có. Nhưng mà nguồn cung các hạt ăn được (óc chó, hạt dẻ, điều…) đang có chiều hướng vượt cầu, nên phải cẩn trọng trong việc nhập khẩu điều thô. Trong năm 2020 không nên nhập vô tội vạ sẽ gây hệ lụy nghiêm trọng"- ông Thanh phân tích.

Một vấn đề khác trong năm 2020 đó là doanh nghiệp điều trong nước “sức khỏe" tới đâu? Đó là vấn đề đáng được quan tâm khi mục tiêu xuất khẩu nhân điều 4 tỉ đôla trong năm 2020 được đặt ra. Sau cơn bão khủng hoảng năm 2018, rất nhiều doanh nghiệp điều đã phá sản, hoặc buộc phải sát nhập. “Một số ngân hàng quay lưng doanh nghiệp, một số còn lại thì hạn chế tín dụng" - một doanh nghiệp chia sẻ. Cùng quan điểm trên, ông Phạm Văn Công - Chủ tịch Vinacas - nhấn mạnh: “Giai đoạn năm 2017-2018 doanh nghiệp điều Việt Nam phần lớn thua lỗ. Qua năm 2019, phần nào hồi phục nhưng chưa giải quyết được lỗ trước đó, nên tài chính phần lớn khó khăn, cần phải được hỗ trợ từ phía các ngân hàng nhiều hơn. Không có tiền dẫn tới khó hoạch định kế hoạch kinh doanh".

Cũng theo Vinacas các nhà rang, chiên thế giới tại Mỹ và Châu Âu đang tiếp tục áp đặt thêm các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm tra thêm về dư lượng hóa chất đối với sản phẩm điều từ Việt Nam. Còn tại Châu Á, các nước nhập khẩu siết chặt về xuất xứ hàng hóa. Bên cạnh đó là diễn biến phức tạp của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, Mỹ - Ấn, đặc biệt là chính sách liên quan tới bảo hộ của các nước liên quan tới điều thô và điều nhân nên năm 2020 được nhận định là khó dự đoán của ngành điều.

Trịnh Phan Sơn
Nguồn: Báo Lao Động



Báo cáo phân tích thị trường