Trong một cuộc gặp với phái đoàn chính phủ từ Ghana tại Phòng Thương mại và Công nghiệp Kanara tại Mangaluru, nguyên chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất hạt điều Karnataka cho biết Ghana đã cấm xuất khẩu điều thô 2 năm trước, có thể nhằm khuyến khích tinh thần doanh nghiệp. Mặc dù Ghana đã dỡ bỏ lệnh cấm sau đó do không thể tự chế biến điều thô, động thái này lại mang đến tín hiệu sai lệch cho các nước nhập khẩu điều thô. Ông thông báo tới phái đoàn Ghana rằng Ấn Độ thu mua khoảng 700.000 tấn điều thô để đáp ứng công suất chế biến khoảng 1,6 triệu tấn. Ghana sản xuất khoảng 75.000 tấn điều thô và Ấn Độ nhập khẩu hơn 50.000 tấn trong đó.
Ấn Độ đang trả mức giá nhập khẩu điều thô cao nhất trên thế giới do tình trạng thiếu điều thô nguyên liệu cho chế biến. “Chúng tôi muốn một chính sách xuất khẩu ổn định. Nếu muốn khuyến khích tinh thần kinh doanh tại Ghana thì hãy có quyết định rõ ràng về xuất khẩu”, ông phát biểu. Cho rằng xuất khẩu không thể đơn thuần bị cấm sau một đêm, ông đề xuất một tỷ lệ nhất định điều thô được tiêu dùng nội địa và tỷ lệ này nên tăng theo hàng năm, phần còn lại để xuất khẩu.
Phản hồi trước đề xuất này, Sarah Adwoa Safo, phó lãnh đạo đảng đa số trong thượng viện Ghana và bộ trưởng phụ trách thu mua công cho biết bà sẽ tiếp thu ý kiến này và chuyển tới các cơ quan chức trách liên quan tại Ghana. Ông Rao cho hay động thái cấm xuất khẩu điều thô của Ghana tạo ra một sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng 2 năm trước. Khẩn thiết kêu gọi sự cần thiết của tự cung tự cấp nguồn cung điều thô nội địa, ông Rao cho rằng các chính phủ liên bang và bang tại Ấn Độ nên khuyến khích trồng điều. Các biện pháp nên được triển khai để tăng sản xuất nội địa lên ít nhất 1,5 triệu tấn vào năm 2025.
Các nguồn tin cho biết ngành hạt điều Ấn Độ rất lo ngại về các chính sách xuất khẩu điều thô của một số nước châu Phi. Phần lớn các nước đều muốn khuyến khích chế biến điều nội địa và một số đang tăng thuế xuất khẩu điều thô, khiến chi phí chế biến tại Ân Độ tăng lên.
Theo The Hindu Business Line