Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Ngành NN chuẩn bị hội nhập WTO: Sẽ có một chương trình quốc gia về SPS
03 | 10 | 2007
Ngày 19/12, Bộ NN-PTNT tổ chức hội nghị phổ biến cam kết về nông nghiệp của VN khi gia nhập WTO. Ngoài vấn đề thuế nhập khẩu nông sản phải cắt giảm, lãnh đạo các hiệp hội ngành hàng nông sản cũng quan tâm việc thực thi các biện pháp kiểm dịch động vật, thực vật (SPS).

Thành viên đoàn đàm phán của Chính phủ VN về những vấn đề nông nghiệp, bà Phạm Thị Tước (Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Bộ NN-PTNT) cho biết, việc bãi bỏ các loại trợ cấp xuất khẩu (XK) đối với hàng nông sản đã được tính toán từ trước nên ít có tác động. Cam kết cắt giảm thuế nhập khẩu nông sản ảnh hưởng nhiều tới một số ngành hàng lợi thế so sánh ít như mía đường, sữa, bông, chăn nuôi. Trong đó, nông sản chế biến chịu sức ép nhiều hơn so với nông sản thô.

Đối thủ chính của ngành mía đường là các nhà sản xuất đường Thái Lan, trong khi ngành rau quả dự báo bị hàng Trung Quốc và Thái Lan cạnh tranh quyết liệt; với sản phẩm chăn nuôi (thịt lợn, thịt bò, sữa) sẽ bị cạnh tranh bởi hàng hoá của Australia, New Zealand và EU). "Tác động của việc gia nhập WTO đến nông nghiệp VN chủ yếu do những khó khăn nội tại, đó là trình độ phát triển thấp, quy mô sản xuất nhỏ (0,7ha/hộ), năng suất và hiệu quả lao động thấp, nhất là chất lượng nông sản hàng hoá không đồng đều"- bà Tước lưu ý.

Vẫn theo bà Phạm Thị Tước, để thích ứng các điều kiện gia nhập WTO, VN cần thay đổi và điều chỉnh một số chính sách nông nghiệp cho phù hợp với cam kết. Đối với các cơ quan quản lý, lập chính sách bà Tước khuyến nghị năm điểm: Điều chỉnh hệ thống chính sách, quy định liên quan nông nghiệp; tăng cường hệ thống chuyên ngành từ TW đến địa phương; xây dựng cơ chế giám sát, cảnh báo khi xảy ra tranh chấp hoặc tình trạng khẩn cấp; đổi mới tư duy lập chính sách theo hướng quan tâm nhiều hơn tới đối tượng hưởng lợi, mức độ ảnh hưởng và quy chế rõ ràng; về cải cách hành chính cần chuyển từ tư duy "quản lý" sang "phục vụ" DN. Đối với DN và nông dân, bà Tước cho rằng cần tăng cường hợp tác, liên kết với nhau trong sản xuất và thương mại thông qua các hiệp hội ngành hàng…

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Vinh (Vụ Hợp tác Quốc tế) lưu ý hai ngành Thú y và Bảo vệ thực vật cần sẵn sàng thực hiện SPS. Khác với các nước cùng trình độ phát triển như VN được hoãn áp dụng các điều khoản SPS trong vòng 5 năm sau khi gia nhập WTO, trong khi VN phải thực hiện SPS ngay năm đầu gia nhập. Chính phủ đã thành lập Văn phòng Thông báo và Hỏi đáp quốc gia về SPS đặt tại Bộ NN-PTNT. Đến nay đã xây dựng quy chế phối hợp giữa các các Bộ, ngành với Văn phòng để đảm bảo hoạt động ngay khi gia nhập WTO.

Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao VN, ông Đoàn Triệu Nhạn kiến nghị Bộ NN-PTNT cần có một chương trình hành động quốc gia về SPS. Vì hiện nay không chỉ thiếu các quy trình, quy chế theo chuẩn mực WTO mà còn bề bộn trong thực hiện những cái đã có. Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật, ông Đàm Quốc Trụ nhận xét, việc xây dựng quy chế đã khó nhưng triển khai còn khó hơn, bởi rất khó hài hoà giữa các nhóm đối tượng. Thêm nữa, nguy cơ dịch hại từ hàng nông sản nhập khẩu vào VN nhiều hơn vì "hàng rào" bảo vệ vừa thấp vừa "thủng lỗ chỗ", trong khi đó xuất khẩu nông sản vào các thị trường tiềm năng như Mỹ, EU, Nhật Bản… tiếp tục khó khăn do các quy trình, quy chuẩn thấp hơn so với các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế.



(Nguồn tin: NNVN)
Báo cáo phân tích thị trường