Tại Winconsin và Ohio, các nông dân đang đổ hàng nghìn lít sữa tươi xuống hồ và các hố. Một nông dân ở Idaho đào rãnh lớn để chôn 500 tấn hành. Tại South Florida - khu vực cung cấp nông sản cho miền Đông nước Mỹ, những chiếc máy đang cày nát những ruộng đậu và bắp cải khiến chúng lẫn vào đất.
Vài tuần sau khi đại dịch bùng phát, người nông dân Mỹ đang phải đối mặt với một tác động nghiêm trọng khác của Covid-19. Họ buộc phải phá hủy hàng triệu tấn nông sản tươi không có đầu ra.
Nhà hàng, khách sạn, trường học đóng cửa khắp nơi đã khiến các nông dân không thể bán được hơn một nửa số nông sản họ làm ra. Ngay cả khi người dân đổ tới các siêu thị và hàng bán lẻ mua đồ ăn để nấu tại nhà, mức tăng này vẫn không thấm vào đâu so với số lương thực cung cấp cho các trường học và doanh nghiệp trước đại dịch.
Lượng nông sản bị đổ bỏ là “đáng kinh ngạc”, theo New York Times. Hợp tác xã sữa lớn nhất Mỹ, Dairy Farmers of America, ước tính các nông dân đã đổ bỏ khoảng 14 triệu lít sữa mỗi ngày. Một nhà máy phải tiêu hủy trung bình 750.000 quả trứng chưa nở mỗi tuần.
Nhiều nông dân cho biết họ đã quyên góp lương thực thừa cho các ngân hàng thực phẩm và chương trình "Meals on Wheels". Tuy nhiên, các tổ chức từ thiện không có đủ thùng lạnh và tình nguyện viên để nhận hết số thực phẩm.
Và chi phí để thu hoạch, xử lý và chuyển thành phẩm tới các ngân hàng thực phẩm đặt tiếp một gánh nặng về tài chính lên vai các nông dân khi họ đã mất một nửa số khách hàng. Xuất khẩu cũng không phải là phương án khả thi vì nhiều đối tác quốc tế của ngành nông sản Mỹ cũng đang vật lộn với đại dịch và biến động tiền tệ khiến xuất khẩu không sinh lời.
“Thật đau lòng”, nông dân Paul Allen - người đã phá hủy những cánh đồng đậu và cải bắp ở nông trại của ông tại South Florida và Georgia - cho biết.
Nghịch lý của việc tiêu hủy
Đây rõ là một nghịch lý, theo New York Times. Việc phá hủy đồ ăn diễn ra trong bối cảnh nhiều người Mỹ đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng về mặt tài chính và hàng triệu người mất việc khiến họ lâm vào cảnh khó khăn để sinh tồn.
Diễn biến đột ngột của dịch bệnh đã đẩy ngành nông nghiệp vào thế khó.
Ngay cả với ông Allen và các nông dân khác, họ không còn lựa chọn nào khác là phải tiếp tục trồng trọt, chăn nuôi với niềm hy vọng nền kinh tế sẽ tốt trở lại vào thời điểm thu hoạch đợt nông sản kế tiếp.
Tuy nhiên, đây cũng là một tương lai không dễ đoán định, vì nếu ngành dịch vụ tiếp tục đóng cửa, thì những cánh đồng xanh mướt mà họ vun trồng sẽ lại tiếp tục bị phá hủy thêm 1 lần nữa.
Shay Myers, một nông dân trồng hành truyền thống 3 đời ở Oregon và Idaho, không còn cách nào để duy trì độ tươi cho nông sản mà anh trồng được. Khách hàng của anh - những nhà hàng ở California và New York, nay đã đóng cửa.
Anh phải đóng hành thành túi nhỏ để bán trong các cửa hiệu tạp hóa. Những nỗ lực đông lạnh hành cũng “như muối bỏ bể” vì anh chỉ có những tủ lạnh có sức chứa giới hạn.
Không còn lựa chọn nào khác, Myers buộc phải đào hố chôn hành và để mặc chúng mục ruỗng dưới những rãnh sâu.
Với những nông dân sản xuất sữa tươi, khó khăn tăng lên gấp bội. Các trường học, quán café đóng cửa khiến các dây chuyền trong nhà máy sữa cũng giảm cường độ sản xuất.
Trước đại dịch, nhà máy của Dairymens ở Cleveland cung cấp cho hãng café Starbucks ba lô hàng sữa mỗi ngày. Giờ đây, Starbucks chỉ mua 1 lô hàng sữa cho mỗi 3 ngày.
Tuy đã nỗ lực thu mua và “giải cứu” sữa cho nông dân, nhưng Dairymens không còn chỗ để chứa sữa. Brian Funk, một nhân viên của Dairymens, tuần trước đã phải gọi điện cho các nông dân thông báo rằng họ sẽ ngừng nhập sữa. Funk nói rằng ông đã phải kìm chế để không rơi nước mắt khi báo tin dữ.
“Chúng tôi sẽ không lấy sữa của ông ngày mai. Chúng tôi đã hết chỗ để chứa”, Funk nói.
Để tránh việc bỏ sữa đi, các nhóm nông dân đã thử mọi cách. Họ thuyết phục các chuỗi bán bánh pizza cho thêm bơ lên các lát bánh. Tuy nhiên, rào cản về hậu cần cũng tạo nên sự khó khăn cho việc cung cấp sữa cho các nhà bán lẻ.
Tại các nơi chế biến sữa, máy móc thường chỉ đóng gói phô mai vụn trong túi lớn cho nhà hàng hoặc đóng các gói sữa nhỏ cho trường học. Để cung cấp cho các nhà bán lẻ, họ phải đầu tư máy móc mới để có thể đóng gói phù hợp. Đây rõ ràng không phải là khoản đầu tư có lợi vào lúc này.
Rào cản vệ hậu cần cũng khiến các nhà máy chế biến gia cầm lâm vào thế khó. Họ thường đưa thẳng gia cầm tới các nhà hàng hơn là các siêu thị và hãng bán lẻ. Việc đầu tư máy móc không phải là một lựa chọn tốt. Chính vì vậy, nhà máy Sanderson Farms đã tiêu hủy 750.000 quả trứng chưa nở rồi gửi tới nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi.
Theo Dân Trí