Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thủy sản mở nhiều mặt trận, duy trì tăng trưởng trong khó khăn
24 | 04 | 2020
Gặp nhiều khó khăn trong xuất khẩu lẫn tiêu thụ nội địa do dịch Covid-19, ngành thủy sản vẫn đang giữ được đà tăng trưởng khả quan trên nhiều mặt trận.

Giá dầu giảm, biển được mùa

Theo khảo sát của Tổng cục Thủy sản, hiệu quả sản xuất khai thác thủy sản của đa số các sản phẩm hải sản trong 4 tháng đầu năm 2020 của ngư dân vẫn đạt khá, nhất là nhờ giá dầu giảm mạnh thời gian qua.

Giá dầu giảm mạnh so với cuối năm 2019 (giảm 35%) nên ngư dân rất tích cực bám biển sản xuất ở tất cả các vùng biển (nhiên liệu chiếm 50 - 70% chi phí sản xuất, tùy theo từng nghề).

Tại hầu hết các địa phương, chưa xảy ra tình trạng nhiều tàu cá nằm bờ không đi khai thác do ảnh hưởng của dịch Covid-19. 

Các tàu nghề vây, rê cá trích, cá nục, cá cơm đạt hiệu quả khá cao. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận trung bình đạt 50 - 60 triệu đồng/chuyến, một số tàu đạt 100 - 150 triệu đồng/chuyến. Nghề vây, rê cá ngừ (cá ngừ vằn, cá ngừ sọc dưa) lợi nhuận trung bình đạt 30 - 40 triệu đồng/chuyến. Nghề chụp (mực, cá nục), lợi nhuận 25 - 30 triệu đồng/chuyến...

Tình hình thời tiết trên biển trong thời gian 4 tháng đầu năm 2020 tương đối thuận lợi. Quý I là thời điểm cuối vụ cá Bắc năm 2019 - 2020 và tháng 4 là thời gian bắt đầu vụ cá Nam năm 2020 nên ngư trường khai thác chủ yếu của ngư dân tập trung nhiều tại vùng biển khu vực về phía Nam và hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, với các nghề khai thác nhiều là lưới chụp, lưới vây hoặc câu để khai thác cá nổi.

Theo Tổng cục Thủy sản, tổng sản lượng thủy sản khai thác quý 1/2020 đạt 841 nghìn tấn (tăng 1,9% cùng kỳ), trong đó khai thác hải sản đạt 806 nghìn tấn (tăng 2% so với cùng kỳ năm 2019).

Một số đối tượng khai thác chính như cá nổi nhỏ (cá trích, cá cơm, cá nục...) tăng khá. Sản lượng cá ngừ đại dương quí I/2020 đạt 25.160 tấn, tăng 0,02% so cùng kỳ năm 2019.

Sản phẩm chế biến lên ngôi

Cùng với đánh bắt, hoạt động nuôi trồng thủy sản vẫn duy trì được đà tăng trưởng với tổng sản lượng quý I/2020 đạt trên 662 nghìn tấn, tăng khoảng 2,1% so với cùng kỳ năm 2019. Điều này giúp tốc độ tăng trưởng của ngành thủy sản trong quý I/2020 vẫn đạt 2,85% mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn do dịch Covid-19.

Bên cạnh những thuận lợi về sản xuất, hoạt động xuất khẩu thủy hải sản từ đầu năm đến nay cũng chịu nhiều khó khăn. Theo Tổng cục Thủy sản, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong quý I/2020 đạt 1,54 tỉ USD, giảm 14,2% so với cùng kỳ năm 2019.

Trao đổi với NNVN, ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết nghề câu cá ngừ đại dương (cá ngừ vây vàng, có ngừ mắt to) đã bị tác động sâu, giá bán sản phẩm giảm do lượng xuất khẩu giảm mạnh, thua lỗ.

Một số sản phẩm khác như ốc hương, tôm hùm, cá song... cũng khó khăn trong tiêu thụ do đây là sản phẩm chủ yếu xuất khẩu và phục vụ phân khúc cao tại các nhà hàng. 

Tình hình dịch bệnh Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng trên toàn cầu nên việc các nước áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại đã tiếp tục gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

Điều này khiến nhu cầu tiêu thụ thủy sản tại các thị trường giảm mạnh, đặc biệt là các mặt hàng thủy sản có giá cao. Đây là những nguyên nhân bất khả kháng dẫn đến sự sụt giảm về kim ngạch xuất khẩu thủy sản.

Mặc dù vậy, xu hướng tiêu dùng và nhập khẩu thủy sản cũng đã có những thay đổi. Các thị trường xuất khẩu có xu hướng tăng cường nhập khẩu thủy sản đông lạnh, đóng hộp, ăn sẵn tiện dụng, dễ chế biến tại nhà sẽ cao hơn thủy sản tươi sống.

Những sản phẩm thủy sản đóng hộp cũng sẽ được ưa chuộng. Đây là những yếu tố giúp tạo động lực tăng trưởng, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất khẩu thủy sản trong thời gian tới.

Đơn cử như đối với sản phẩm cá ngừ, thời gian qua, trong khi nhóm sản phẩm cá ngừ vây vàng, cá ngừ mắt to (xuất khẩu tươi) bị giảm mạnh, thì các sản phẩm cá ngừ phục vụ chế biến đóng hộp là cá ngừ vằn, cá ngừ sọc dưa vẫn tăng rất mạnh. Điều này giúp tổng sản lượng cá ngừ đánh bắt trong quý I/2020 vẫn tăng so với cùng kỳ năm 2019.

Hỗ trợ và định hướng

Theo Tổng cục Thủy sản, hiện nay, ngư dân vẫn tiếp tục nhận được nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước như ưu đãi thuế, hỗ trợ chi phí nhiên liệu, chính sách vay vốn tín dụng, vốn vay lưu động...

Đối với tàu cá vay vốn đóng mới theo Nghị định 67 và các chủ tàu khác có vay vốn tín dụng/ngân hàng đã được hỗ trợ về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi... theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Vì vậy về cơ bản, chưa cần thiết đề xuất thêm chính sách hỗ trợ cho ngư dân đi khai thác hải sản. Đối với các địa phương có tàu cá hiệu quả sản xuất thấp, Tổng cục Thủy sản sẽ tham mưu cho Bộ NN-PTNT có văn bản khuyến cáo, hướng dẫn ngư dân trong thời gian này có thể nghỉ biển, không đi khai thác, tranh thủ sửa chữa, bảo dưỡng tàu và ngư lưới cụ, góp phần giảm cường lực khai thác trong ngắn hạn, để nguồn lợi thủy sản có thời gian phục hồi.

Sau khi dịch Covid chấm dứt, hoạt động tiêu thụ, xuất khẩu phục hồi thì hiệu quả sản xuất khai thác sẽ cao hơn. Các tàu cá nghỉ biển sẽ đăng ký với chính quyền địa phương để hưởng các chính sách hỗ trợ của nhà nước theo quy định hiện nay.

Tổng cục Thủy sản khuyến cáo các cơ sở chế biến tập trung đẩy mạnh chế biến hải sản (đóng hộp, chế biến sẵn sản phẩm bảo quản đông lạnh, nước mắm, sản phẩm khô, chả cá...).

Các địa phương khuyến cáo, hướng dẫn ngư dân có biện pháp giảm thời gian bảo quản sản phẩm hải sản khai thác trên tàu như giảm bớt thời gian chuyến biển, liên kết với các tàu dịch vụ hoặc tăng cường áp dụng công nghệ bảo quản sản phẩm sau khai thác để kịp thời vận chuyển về bờ, đảm bảo chất lượng, cung cấp các sản phẩm cá tươi, đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường nội địa...

Theo NNVN



Báo cáo phân tích thị trường