1. Gần chục năm trước, thế giới bắt đầu bước vào Cuộc cách mạng lần thứ tư, thường gọi là Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư hay Cách mạng công nghiệp 4.0 hoặc Cuộc cách mạng số với việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), tương tác thực tại ảo (AR), mạng xã hội, điện toán đám mây, di động, phân tích dữ liệu lớn (SMAC)... để chuyển hóa toàn bộ thế giới thực thành thế giới số. Nhiều ngành kinh tế - xã hội nước ta, kể cả các dịch vụ công của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương đang từng bước được số hóa.
Hiểu rõ vai trò của khoa học kỹ thuật đối với phát triển đất nước và cơ hội do Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại là rất lớn nếu chúng ta tận dụng tốt, là thời cơ để chúng ta bứt phá, ngày 27/9/2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Trong vài năm qua, mặc dù Chính phủ và các cơ quan chức năng đã rất cố gắng trên nhiều mặt, đặc biệt là tạo hành lang pháp lý, nâng cấp hệ thống đường truyền internet, khuyến khích với nhiều ưu đãi việc chuyển đổi số nhưng việc đưa kinh tế số vào cuộc sống chưa như mong muốn. Nguyên nhân có nhiều nhưng chủ yếu do nguồn vốn của doanh nghiệp hạn hẹp, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao,… và cơ bản nhất là, tư duy chưa vội gì của không ít chủ doanh nghiệp, đơn vị.
2. Từ cuối năm 2019, nhất là những tháng đầu năm 2020, khi dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virut Corona - đại dịch Covid-19 lan tràn gần hết các quốc gia trên thế giới, trên 3,5 triệu người nhiễm, gần 250.000 người tử vong, dấu hiệu hết dịch chưa thể xác định. Nhưng ngay từ giờ, khi đại dịch chưa kết thúc, chúng ta thấy thế giới đã thay đổi trên mọi phương diện: chuyển từ trực tiếp sang trực tuyến, từ offline sang online trong rất nhiều lĩnh vực, từ học tập, hội nghị, khám bệnh,… đến mua bán hàng, thanh toán,… Nền công nghiệp 4.0 phát huy tác dụng vô cùng hữu ích bởi sự tiện dụng, nhanh chóng, thuận lợi.
Thế giới đang thay đổi, nếu không thay đổi, chúng ta sẽ tụt lại phía sau – tụt hậu. Nếu chủ động và tích cực thay đổi với bước đi và phương pháp tiếp cận sáng tạo, phù hợp, tạo ra sự lan tỏa mạnh mẽ đến mọi người, mọi ngành, mọi cấp thì chúng ta không chỉ bắt kịp mà có thể vươn lên nhóm quốc gia top đầu.
3. Với ngành nông nghiệp, cũng từ lâu, Chính phủ, các bộ chức năng và chính quyền các địa phương luôn khuyến cáo người nông dân áp dụng cơ giới hóa, sản xuất sạch, an toàn, truy xuất được nguồn gốc xuất xứ, tăng sản phẩm chế biến, chú ý đến thị trường nội địa, tăng cường liên kết trên cơ sở hài hòa lợi ích, tăng cường xuất khẩu chính ngạch sang thị trường lớn và nhiều thuận lợi (Trung Quốc),… nhưng chuyển biến chưa mạnh.
Nhiều doanh nghiệp đã cùng nhà nông xây dựng cánh đồng mẫu lớn, thực hiện quy trình sản xuất an toàn và tạo dựng chuỗi giá trị hàng hóa. Tuy đạt một số kết quả đáng khích lệ nhưng thẳng thắn nhìn nhận thì chưa đạt yêu cầu tái cơ cấu ngành kinh tế trụ cột, lao động thủ công còn nhiều, áp dụng công nghiệp 4.0 mới ở mô hình.
Đây có lẽ là thời điểm để chúng ta chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế nông nghiệp với sự tham gia của nền tảng kỹ thuật số, đặc biệt là công nghệ thông tin, cơ khí hóa, tự động hóa, công nghiệp chế biến đa dạng,… để vừa tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả đồng vốn, tăng giá trị chuỗi giá trị, giải phóng sức lao động thủ công trong nông nghiệp, tạo thuận lợi cho thương mại điện tử, gắn kết khối liên minh công – nông. Và trở thành “nhà kho lương thực – thực phẩm” của thế giới.
Tất nhiên, phát triển kinh tế số là quá trình lâu dài và phức tạp, nhưng trên tinh thần “không gì là không thể” nếu chúng ta có quyết tâm, nỗ lực và muốn thay đổi. Nghị quyết 52-NQ-TW của Bộ Chính trị đã nêu rất rõ mục tiêu và những chủ trương, chính sách chủ động nhằm đưa đất nước ta vượt lên. Hy vọng, chúng ta nói chung, ngành nông nghiệp nói riêng sẽ tận dụng được cơ hội quý báu này.
Theo Kinh tế nông thôn