Vẫn có những doanh nghiệp "sống tốt" giữa đại dịch
COVID-19 đang diễn biến phức tạp và ảnh hưởng nghiêm trọng tới nhiều ngành hàng xuất khẩu tỉ đô của Việt Nam, trong đó có thể kể đến ngành xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng, năm nay, tăng trưởng xuất khẩu gỗ có thể chỉ bằng 0, thậm chí là âm do hàng loạt các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc gần như đóng băng, với 60 - 80% đơn hàng xuất khẩu gỗ bị cắt, chậm thanh toán và thậm chí hủy đơn hàng.
Tuy nhiên trên thực tế trong khó khăn vẫn có những điểm sáng đáng ghi nhận về sự tăng trưởng vượt trội của doanh nghiệp. Điển hình như câu chuyện của Gỗ Đức Thành (GDT), một trong những doanh nghiệp không những không bị sụt giảm mà đơn hàng còn tăng cao so với cùng kì năm trước khi có dịch.
"Đầu năm 2020 nền kinh tế có nhiều biến động, tình hình dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng đến toàn cầu, các doanh nghiệp trong và ngoài nước phải đối mặt với quá nhiều khó khăn, thách thức nhưng Gỗ Đức Thành vẫn đặt kế hoạch phải tăng trưởng doanh thu lẫn tăng trưởng lợi nhuận cho năm 2020.
Điều đáng mừng là trong mấy tháng đầu năm 2020 vừa qua, Gỗ Đức Thành vẫn nhận được đơn hàng xuất khẩu tăng gần 40% so với cùng kì năm 2019.
Công ty đã nhận nhiều đơn hàng từ khách mới, trong đó dự án Walmart với giá trị không hề nhỏ sẽ sớm kí kết vào đầu quí II năm nay, cùng với nhiều khách hàng lớn tiềm năng khác ở thị trường Mỹ", Gỗ Đức Thành cho biết.
Khảo sát của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) thực hiện cuối tháng 3 vừa qua, với 124 doanh nghiệp ngành gỗ, cho thấy 7% doanh nghiệp đã ngừng hoạt động vì dịch COVID-19.
Bên cạnh đó 51% doanh nghiệp phải thu hẹp qui mô sản xuất, 35% doanh nghiệp mặc dù đang hoạt động bình thường nhưng sẽ tạm ngừng trong thời gian tới và chỉ có 7% doanh nghiệp cho biết vẫn tiếp tục hoạt động bình thường.
Như vậy, trong bối cảnh rất khó khăn của ngành gỗ do COVID-19, nhiều doanh nghiệp đã bị ảnh hưởng nặng nề về khả năng hoạt động và sự tồn tại của chính mình. Tuy nhiên không thể phủ nhận vẫn có những doanh nghiệp đang "sống tốt" khi tiếp tục sản xuất bình thường.
Theo các chuyên gia nguyên nhân đầu tiên là do những doanh nghiệp này có thị trường khá rộng, khi thị trường này bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh thì doanh nghiệp vẫn bán được hàng sang thị trường khác.
Thứ hai là nhờ vào những dòng sản phẩm có độ ổn định cao ở các thị trường trọng điểm. Cụ thể, với nhóm đồ gỗ phòng bếp, phòng tắm và bàn trang điểm hiện đang chiếm khoảng 60% trong tổng cầu của tất cả các loại đồ gỗ trên toàn thế giới. Đây chính là nhóm sản phẩm chiến lược và vẫn có nhu cầu khi dịch bệnh lan tràn ở nhiều thị trường trọng điểm, trong khi các nhóm đồ gỗ khác đã gần như bị mất nhu cầu.
Và thứ ba là việc linh hoạt thay đổi phương thức bán hàng và phát triển thị trường nội địa đã giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn chưa từng thấy, đó là dịch COVID-19.
Theo đó, với Gỗ Đức Thành, cơ cấu thị trường chủ yếu là xuất khẩu (chiếm đến 82,1%), hệ thống phân phối ở nước ngoài của doanh nghiệp trải rộng khắp 3 châu lục với 50 quốc gia và vũng lãnh thổ, trong đó, châu Á chiếm chủ yếu đến 83%, châu Âu chiếm 15% và châu Mỹ là 2%.
Đáng chú ý, cơ cấu sản phẩm chủ lực của Gỗ Đức Thành chính là những sản phẩm phòng bếp, gia đình, với tỉ trọng đến 66,7% là sản phẩm nhà bếp, 26,5% là hàng gia dụng, 4% là hàng đồ chơi, còn lại bàn ghế trẻ em và các mặt hàng khác.
Ngoài ra khi COVID-19 làm đứt gãy chuỗi cung xuất khẩu gỗ vì các phương thức bán hàng truyền thống tại các thị trường trọng điểm phải dừng hoạt động nhằm đảm bảo giãn cách xã hội, việc bán hàng online là xu hướng trong thương mại toàn cầu và trở thành thế mạnh nói riêng của doanh nghiệp như Gỗ Đức Thành.
Bởi tại thị trường nội địa, bên cạnh hệ thống phân phối là showroom, điểm bán hàng, trung tâm thương mại, doanh nghiệp này còn có mặt ở những kênh bán hàng trực tuyến như winwinshop.com.vn, Lazada, Tiki, Shoppe..., giúp hàng hóa của doanh nghiệp vẫn lưu thông tốt trong thời gian giãn cách xã hội.
Có thể thấy, Gỗ Đức Thành "hội tụ đầy đủ" những chiến lược "tự cứu mình" giữa cơn bão COVID-19. Nguyên nhân chính khiến không ít doanh nghiệp lao đao, thậm chí phá sản chỉ trong khoảng 4 tháng đầu năm 2020, khi dịch bệnh lây lan rộng trên thế giới.
"Vững chân" để vượt qua bão
Dịch bệnh vẫn chưa có hồi kết, tình hình khó khăn của ngành hàng vẫn chưa dự báo được thời điểm nào sẽ dừng, tuy nhiên với hướng đi hiện tại và kết quả đạt được trong thời gian qua, Gỗ Đức Thành vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng khả quan cho năm 2020.
Cụ thể theo kế hoạch tài chính năm 2020 doanh thu xuất khẩu Gỗ Đức Thành hướng đến là gần 323,2 tỉ đồng, tăng 17%; doanh thu nội địa đạt hơn 66 tỉ đồng, tăng 10% và doanh thu dăm bào, phế liệu đạt 5,2 tỉ đồng, tăng 5% so với năm 2019.
"Mặc dù dè dặt đặt mục tiêu tăng trưởng 17% cho doanh thu xuất khẩu tăng cường phát triển thêm khách hàng mới tại Mỹ nhưng nếu chỉ tính riêng đối với nhóm khách mới thì doanh nghiệp này "tự tin" đặt mục tiêu tăng trưởng đến 250% doanh thu khách mới", Gỗ Đức Thành cho biết.
Bởi theo doanh nghiệp này, công ty đã đạt những chứng nhận cần thiết đối với hàng hóa xuất khẩu. Cùng với nguồn lực ổn định, phát triển bền vững và chính sách mở rộng thị trường mới, là những "chìa khóa" giúp Gỗ Đức Thành "nổi bật" giữa lúc khó khăn hiện nay.
Bên cạnh đó, với định hướng năm 2020 sẽ phát triển thị trường và tăng cơ hội kinh doanh. Trong đó, tiếp tục tập trung phát triển mạnh kênh bán hàng online song song các kênh phân phối truyền thống và hiện đại.
Đồng thời Gỗ Đức Thành sẽ mở thêm nhiều điểm bán hàng để hàng hóa đến gần người tiêu dùng hơn, nhận biết thương hiệu sâu rộng hơn và tăng thị phần.
Số liệu của Gỗ Đức Thành cho biết, doanh thu nội địa năm 2019 của doanh nghiệp tăng tới 9% so với năm 2019, một trong những nguyên nhân là nhờ vào việc mở thêm 1.210 điểm bán hàng, nâng tổng số điểm bán hàng lên hơn 2.400 điểm.
Bên cạnh đó, chiến lược ra mẫu mới theo từng đối tượng khách hàng riêng biệt tiếp tục được duy trì và phát huy song song việc phát triển sản phẩm mới truyền thống.
"Phát triển sản phẩm mới là một trong các chiến lực quan trọng của Gỗ Đức Thành, sản phẩm mới phải phù hợp với nhu cầu, đặc trưng của từng quốc gia, từng khác hàng. Hiện công ty đã có thêm 47 mẫu sản phẩm mới đồng thời đưa thêm các loại gỗ khác vào sản xuất và chào bán cho khách hàng", doanh nghiệp này chia sẻ.
Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores) cho biết trong 15 ngày đầu tháng 4/2020, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chỉ đạt 323 triệu USD, giảm 44% so với cùng kì năm trước và giảm 22,2% so với 15 ngày đầu tháng 3/2020. Trong đó xuất khẩu sản phẩm gỗ đã giảm 33,35% so với cùng kì năm ngoái.
Theo Vifores đây là những con số bước đầu phản ánh tác động của dịch bệnh tới ngành và dự kiến trong tháng 5 và 6, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sẽ còn tiếp tục ảm đạm, mức sụt giảm có thể lên tới trên 50% so với cùng kì năm 2019, đến tháng 5 còn 30% và đến tháng 6, tháng 7 sẽ còn giảm sâu hơn nữa do không có đơn hàng.
Từ câu chuyện của Gỗ Đức Thành và bối cảnh khó khăn chung của ngành gỗ, có thể thấy cùng với việc cơ cấu thị trường, sản phẩm trọng điểm, giải pháp tốt nhất cho ngành chế biến gỗ trong bối cảnh hiện nay, khi mà COVID-19 đang "cản đường" đó là phải dịch chuyển về phương thức bán hàng.
Kênh truyền thống (offline) cần phải thay đổi, nhằm giảm rủi ro trong hội nhập và phù hợp với xu thế thương mại thế giới (online).
Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch HAWA cho rằng về ngắn hạn, các doanh nghiệp cần đảm bảo thể chất cho đội ngũ lao động trong bối cảnh dịch bệnh lây lan, từ đó mới có thể duy trì hoạt động ổn định. Đồng thời, chi tiêu không cần thiết sẽ phải cắt giảm, điển hình là các khoản đầu tư lớn, thậm chí cả chi phí marketing.
"Nếu bắt tay vào công cuộc chuyển đổi ngay từ bây giờ, các doanh nghiệp sẽ cần 3-6 tháng để mở một website bán hàng hoặc phân phối qua một trang thương mại điện tử. Tuy nhiên, việc chuyển đổi số hoàn toàn đòi hỏi lộ trình ít nhất 3 năm", ông Phương dự đoán.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cũng nhận định rằng đại dịch COVID-19 cho thấy sức chống chịu của thị trường nội địa cao hơn rất nhiều so với thị trường xuất khẩu. Do đó, ưu tiên phát triển thị trường nội địa sẽ là một trong những chiến lược giúp ngành gỗ bứt phá, phát triển bền vững…
Thêm vào đó, ngành gỗ cần hình thành và đẩy mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp, xây dựng chuỗi cung trong nước, phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ.
Bởi tác động của dịch bệnh COVID-19 cho thấy chuỗi cung ứng xuất khẩu đồ gỗ hiện nay của Việt Nam chưa tốt, phụ thuộc một phần nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu, đặc biệt từ Trung Quốc.
"Cần đẩy mạnh phát triển nguồn nguyên liệu gỗ lớn sản xuất trong nước. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần đẩy mạnh việc sản xuất phụ liệu trong nước, thay vì nhập khẩu. Hiện đang là điều kiện để phát triển sản xuất phụ liệu trong nước nhờ qui mô sản xuất của ngành lớn, nhu cầu cao", Thứ trưởng cho hay.
Những khoản đầu tư nhỏ từ nguồn vốn tích luỹ vẫn luôn tốt hơn nhiều so với những khoản lợi lớn mà kém bền vững
Dù cho doanh nghiệp quy mô lớn hay nhỏ, thì chất lượng tài sản, chất lượng tăng trưởng mới thực sự nói lên sự sự thịnh vượng của một doanh nghiệp.
Ở doanh nghiệp cở vừa như Gỗ Đức Thành, bà Lê Hải Liễu đã đưa công ty từ một cơ sở chế biến gỗ nhỏ với số vốn ban đầu là 105 triệu đồng và 60 công nhân, sau gần 30 năm hoạt động đã trở thành doanh nghiệp có tài sản gần 400 tỉ đồng đồng, lãi trước thuế xấp xỉ 100 tỉ đồng lợi nhuận mỗi năm mà hầu như không hề sử dụng nợ vay cho hoạt động đầu tư.
Với Gỗ Đức Thành, nhiều nhà đầu tư vào cổ phiếu của DN này rất nhiều lần thắc mắc vì sao công ty không dùng lượng tiền mặt dồi dào của mình và có thể vay thêm vốn để đầu tư mở rộng, thúc đẩy tăng trưởng?
Tuy nhiên, theo bà Lê Hải Liễu, Chủ tịch HĐQT công ty, đầu tư vào nhà máy là chi phí cố định và thời gian thu hồi vốn chậm. Do đó, việc mở rộng hoạt động luôn phải có những phân tích kĩ và phải đúng thời điểm chứ không thể nào nóng vội.
Sự thận trọng, cần kiệm và chắt chiu là những gì mà người phụ nữ sinh năm 1962, từng là giảng viên Khoa Thống kê - Toán trường Đại học Kinh tế TP.HCM đã cấy sâu vào tâm thức toàn thể đội ngũ nhân viên hơn 1.000 người của Gỗ Đức Thành.
Những năm gần đây, chúng ta đã thấy rất nhiều tên tuổi lớn với qui mô tài sản khổng lồ. Nhưng nếu nhìn sâu vào nội tại doanh nghiệp và sức khoẻ tài chính, nhiều người sẽ giật mình vì mọi thứ không như vẻ hào nhoáng bên ngoài, nhất là những thời điểm như COVID-19 hiện nay.
Câu chuyện của Gỗ Đức Thành cho thấy, những khoản đầu tư nhỏ từ nguồn vốn tích luỹ vẫn luôn tốt hơn nhiều so với những khoản lợi lớn mà kém bền vững.