Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tổng cục Lâm nghiệp nói lý do xuất khẩu gỗ rơi xuống, tạo đáy sâu
06 | 05 | 2020
Từ mức tăng 14,8% trong 3 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu gỗ và lâm sản bắt đầu ghi nhận sự sụt giảm sâu 24,7% trong tháng 4/2020 do tác động của dịch Covid-19. Mức giảm này dự báo sẽ lặp lại trong tháng 5/2020 mặc dù chính phủ các quốc gia đã bắt đầu mở cửa từng bước để phục hồi sản xuất và phát triển kinh tế.

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, ít nhất phải hết quý II/2020 sản xuất của ngành mới có thể khôi phục bình thường. Trong bối cảnh như vậy, ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản sẽ giữ được mức xuất khẩu tương đương với 2019.

Từ đỉnh cao rơi xuống, tạo đáy sâu

Trong 3 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 2,77 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ 2020. Tuy nhiên, sang đến tháng 4, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản ước đạt 684,2 triệu USD, giảm 24,7% so với cùng kỳ năm 2020. Luỹ kế 4 tháng, giá trị gỗ và lâm sản ước đạt 3,45 tỷ USD, tăng 4% so với cùng kỳ 2020.

Lý giải nguyên nhân giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản từ đỉnh cao rơi xuống tạo đáy sâu trong tháng 4/2020, Tổng cục Lâm nghiệp cho rằng, từ tháng 4/2020, dịch Covid-19 bắt đầu có tác động khi tại 5 thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống của Việt Nam gồm Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và EU (chiếm gần 90%) đều ban hành quy định giãn cách xã hội, ngừng toàn bộ các hoạt động kinh doanh, đóng cửa các siêu thị, cửa hàng. Đặc biệt là tại Mỹ và Châu Âu.

Cùng với đó, nguồn cung nguyên liệu phi gỗ, vật liệu phụ trợ, như sơn, keo dán dây đai, thanh trượt, bản lề, hóa chất… phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu (từ Trung Quốc khoảng 80%). Tuy đến đầu tháng 4, Trung Quốc đã từng bước khống chế được dịch bệnh, hoạt động sản xuất dần được khôi phục nhưng vẫn cần có thời gian để sản xuất, vận chuyển và giao hàng. Đến cuối tháng 4 mới tiếp tục cung cấp được nguồn nguyên vật liệu phụ trợ cho ngành chế biến gỗ của Việt Nam.

Những tác động trên đã khiến tình hình sản xuất của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, bị ảnh hưởng với các mức độ khác nhau. Theo số liệu đánh giá của các Hiệp hội gỗ và lâm sản, qua khảo sát tại 124 doanh nghiệp cho thấy 80% người mua dừng hoặc huỷ đơn hàng.

Hầu hết các doanh nghiệp thu hẹp quy mô sản xuất, chỉ có 7% doanh nghiệp hoạt động bình thường, 86% doanh nghiệp bị ngừng sản xuất một phần và khoảng 7% đã ngừng hoạt động do thiếu đơn hàng hoặc thiếu nguyên vật liệu và vốn đầu tư sản xuất…

Không chỉ có vậy, các doanh nghiệp phải cơ cấu lại sản xuất, giảm giờ làm việc thông qua giảm ca, bố trí người lao động nghỉ việc luân phiên (khoảng 50% người lao động phải nghỉ việc tại các doanh nghiệp lớn). Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp nhiều khó khăn hơn, lao động phải nghỉ việc toàn bộ do doanh nghiệp ngừng sản xuất.

Xuất khẩu 12,5 tỷ USD - là một thử thách

Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, trong bối cảnh có nhiều tác động tiêu cực đến ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản trong thời gian qua, việc duy trì mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu đã đặt ra từ đầu năm là 11%, tương ứng với kim ngạch xuất khẩu đạt 12,5 tỷ USD sẽ là một thử thách.

Qua tính toán trên cơ sở báo cáo của các hiệp hội và tùy tình hình khống chế dịch bênh tại các quốc gia, hiện nay ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản đã rõ rệt bắt đầu từ tháng 4 và kéo dài ít nhất đến hết tháng 5 tại các quốc gia Châu Âu và Mỹ.

Mặc dù chính phủ các quốc gia đã bắt đầu mở cửa từng bước để phục hồi sản xuất và phát triển kinh tế từ đầu tháng 5, nhưng theo dự báo thì xuất khẩu lâm sản trong tháng 5 vẫn sẽ sụt giảm như tháng 4, tức là khoảng 25% so với cùng kỳ 2019, mức giảm giá trị xuất khẩu của 2 tháng là khoảng 400 triệu USD.

Tổng cục Lâm nghiệp nhận định, việc khôi phục sản xuất bình thường khó có thể thực hiện được ngay sau tháng 5 mà phải đến hết quý II/2020. Trong bối cảnh như vậy, ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản sẽ giữ được mức xuất khẩu tương đương với 2019, khoảng trên 11 tỷ USD.

Đánh giá chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động bị tác động bởi Covid-19

Theo báo cáo của các Hiệp hội, Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn do được giãn, hoãn thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ trước đây. Đồng thời không đánh giá, xếp hạng các doanh nghiệp chậm trả nợ… nên đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận được các nguồn vốn vay của các ngân hàng thương mại để duy trì hoạt động sản xuất, hỗ trợ người lao động… và đảm bảo tính thanh khoản trong hoạt động của các ngân hàng thương mại.

Về giảm lãi suất và tiếp cận gói tín dụng với lãi suất ưu đãi được các Ngân hàng thương mại triển khai đến các doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo báo cáo của các Hiệp hội và một số doanh nghiệp, để đảm bảo an toàn vay vốn, không làm tăng nợ xấu… nên các ngân hàng thương mại đều đưa ra các điều kiện vay vốn chặt chẽ như các doanh nghiệp phải có hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, vay và trả nợ đúng hạn… Do đó, đến nay chưa có nhiều các doanh nghiệp ngành gỗ tiếp cận được gói tín dụng này.

Về Nghị định số 41/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 08/4/2020, hầu hết đã được các cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ và đang trong quá trình xử lý. Tuy nhiên, các doanh nghiệp kiến nghị về tác động của Nghị định số 41 không nhiều vì chỉ gia hạn thời gian nộp tiền thuế thu nhập doanh nghiệp với những khoản còn thiếu của năm 2019 và khoản thuế tạm nộp của 3 tháng đầu năm 2020.

Với việc gia hạn thời hạn nộp thuế VAT thì không có tác dụng nhiều đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, vì các doanh nghiệp sẽ được hoàn thuế VAT khi xuất khẩu hàng, các loại thuế VAT đầu vào đều phải chi trả khi mua nguyên vật liệu; đối với chính sách gia hạn thời hạn nộp tiền thuê đất giúp doanh nghiệp được một phần nhỏ trong sản xuất, kinh doanh.

Cũng theo báo cáo của các Hiệp hội ngành hàng, việc thực hiện các chính sách hỗ trợ theo Đối với Nghị quyết số 42/2020/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ đang thực hiện tại địa phương, chủ yếu hỗ trợ đến người lao động nên không có số liệu thống kê.

Theo Dân Việt



Báo cáo phân tích thị trường