Ngày 26-5, chủ một đại lý tại Đồng Nai chuyên mua heo hơi của các công ty về giết mổ, cho biết heo hơi công ty đã tăng lên 79.000 đồng/kg, heo mảnh (heo sau giết mổ, bỏ đầu lòng) 104.500 đồng/kg.
Từ 22-5 đến nay, Công ty CP chăn nuôi C.P Việt Nam đã có 2 lần điều chỉnh giá heo hơi bán ra, với mức tăng tổng cộng 9.000 đồng/kg (22-5 tăng 6.000 đồng/kg, 24-5 tăng thêm 3.000 đồng/kg). Các công ty chăn nuôi khác cũng có mức điều chỉnh tương tự.
Còn về heo mảnh, mức giá công ty đưa ra sát với giá heo mảnh ở chợ đầu mối. "Người mua heo hơi về giết mổ bán thịt bây giờ chỉ lỗ hoặc huề vốn vì giá đầu vào quá cao, rất khó bán" - chủ đại lý này than thở.
Trao đổi với phóng viên, một lãnh đạo Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam xác nhận giá heo hơi tại trại của công ty hiện là 79.000 đồng/kg, heo mảnh là 104.000 đồng/kg (trường hợp sử dụng thêm dịch vụ vận chuyển sẽ tính thêm), tức đã tăng 9.000 đồng/kg heo hơi và 7.000 đồng/kg heo mảnh so với tuần trước.
Như vậy, sau hơn 50 ngày giữ cam kết với Thủ tướng và Bộ Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn bán heo hơi tại trại ở mức 70.000 đồng/kg, các công ty chăn nuôi lớn đã đồng loạt tăng giá giữa lúc giá thị trường đang lên rất cao.
Heo hơi tiếp tục tăng giá
Hiện giá heo hơi được nuôi tại các trại và hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đang ở mức từ 93.000 – 100.000 đồng/kg, trong đó thấp nhất là khu vực miền Trung, cao nhất là khu vực Đông Nam Bộ.
Thông tin từ Công ty Quản lý chợ đầu mối Hóc Môn (TP HCM) cho biết ngày 26-5, lượng heo về chợ là 3.457 con, tương đương 259 tấn, giá heo mảnh từ 110.000 – 115.000 đồng/kg, cao hơn 5.000 đồng/kg so với hôm trước (25-5).
Trong khi giá heo hơi tăng nóng thì công tác tái đàn để gia tăng nguồn cung gặp khó do thiếu heo giống. Đáng lo hơn là thời tiết chuyển mùa thuận lợi cho dịch bệnh phát sinh.
Ngày 26-5, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến có văn bản đề nghị các tỉnh thành tập trung kiểm soát bệnh dịch tả heo châu Phi.
Theo báo cáo của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các địa phương, từ đầu năm 2020 đến nay, bệnh tả heo châu Phi đã tái phát tại 155 xã của 20 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy gần 4.000 con heo. Nguy cơ dịch bệnh tái phát, lây lan diện rộng là rất lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc tổ chức tái đàn, tăng đàn heo và bảo đảm nguồn cung thịt heo.
Về nguyên nhân dịch tả heo châu Phi tái phát, Cục Thú y cho biết do một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nuôi tái đàn, heo con chủ yếu được mua từ các chợ, điểm buôn bán hoặc thương lái không rõ nguồn gốc. Các ổ dịch tái phát chủ yếu xảy ra tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, không bảo đảm điều kiện và không áp dụng triệt để các biện phát an toàn sinh học.
Khi heo có biểu hiện mắc bệnh hoặc nghi mắc bệnh, người dân không báo để lấy mẫu xét nghiệm mà âm thầm bán, giết mổ rồi mang đi tiêu thụ; không xử lý chất thải, nước thải, xả thải trực tiếp ra môi trường xung quanh làm lây lan dịch bệnh.