Nguy cơ một một góc của ngành chăn nuôi heo
Tại Hội nghị Thúc đẩy Phát triển Chăn nuôi heo, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết chăn nuôi heo đang chiếm 65 - 70% trong rổ thực phẩm.
Tuy nhiên, dịch tả heo châu Phi khiến Việt Nam thiệt hại 6 triệu con trên tổng số số 31 triệu con, tương đương 20% tổng đàn. Đỉnh điểm nhất là tháng 5/2019 với khoảng 1,3 triệu con heo bị chết.
“Dịch tả heo châu Phi đúng là một thảm họa, gây thiệt hại cho ngành chăn nuôi của Việt Nam và nhiều quốc gia khác trên thế giới, điển hình là Trung Quốc với mức thiệt hại lên tới khoảng 50% tổng đàn”, Bộ trưởng cho biết.
Bộ trưởng nhận định Việt Nam đã hạn chế mức thấp nhất tỉ lệ thiệt hại trong bối cảnh không có thuốc chữa và lây qua nhiều con đường. Đồng thời, Việt Nam cũng đã giữ được 17 nghìn hạt nhân đó là đàn ông bà, chỉ thiệt hai 9% bằng việc đảm bảo an toàn sinh học.
Kết quả 4 tháng đầu năm 2020 chúng ta đã tập trung tăng đàn, đáp ứng được 80% nhu cầu.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh việc thay đổi thói quen ăn thịt không phải một sớm một chiều. Mặc dù tổng lượng thịt tăng đặc biệt là gia cầm nhưng người dân vẫn giữ thói quen thường xuyên tiêu thụ thịt heo.
“Nếu không thúc đẩy nhanh đàn heo nhanh bền vững thì chúng ta đối mặt với nguy cơ mất một góc của ngành hàng này. Không ai có thể cứu mãi, chúng ta phải theo qui luật thị trường”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhận định.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho hay ngành chăn heo Việt Nam hiện nay trị giá 10 tỉ USD.
Quí III và quí IV sẽ đáp ứng được nhu cầu thịt heo?
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết theo số liệu của Tổng cục Thống kê, nhu cầu heo thịt xuất chuồng trung bình mỗi quí năm 2018 (trước thời điểm xảy ra dịch bệnh) là khoảng 920 nghìn tấn.
"Như vậy đến quí III, quí IV sẽ cơ bản đáp ứng được nhu cầu thịt heo" Thứ trưởng nhận định.
Theo Cục Chăn nuôi, đến hết tháng 4 theo báo cáo của các địa phương, tổng đàn heo của cả nước đạt gần 24,89 triệu con, tương đương 80,3% so với tổng đàn heo trước khi có bệnh dịch tả heo châu Phi, tăng trưởng bình quân 5,78%/tháng.
|
Cơ cấu đàn heo giai đoạn 2015-2020. Số liệu: Cục Chăn nuôi |
9 tỉnh, thành phố có tổng đàn heo bằng hoặc cao hơn trước khi có dịch tả heo châu Phi, với tổng đàn hiện nay trên 4,54 triệu con, có tỉnh tăng rất cao như Bình Phước có đàn heo bằng 149% so với trước khi có dịch (tổng đàn hiện nay là 1,314 triệu con).
Có 21 tỉnh, thành có đàn heo bằng 80% đến dưới 100% trước khi có dịch tả heo châu Phi, với tổng đàn hiện nay trên 10,719 triệu con, trong đó Đồng Nai có quy mô trên 2 triệu con, Thanh Hóa gần 1,15 triệu con.
Có 26 tỉnh, thành phố có đàn heo đạt 50% đến dưới 80% so với trước khi có dịch tả heo châu Phi, với tổng đàn trên 8,416 triệu con (tháng 3 là 7,56 triệu con), trong đó Hà Nội có quy mô đàn heo với gần 1,1 triệu con.
Theo thống kê, chỉ tính 15 doanh nghiệp chăn nuôi heo quy mô lớn và các điểm liên kết vệ tinh nuôi giữ khoảng 35% đàn heo thương phẩm và tốc độ tái đàn heo khu vực này đang rất nhanh, đạt trên 17%.
Năm 2020 sản lượng thịt xuất chuồng quí I/2020 đạt hơn 811 nghìn tấn; dự kiến quí II/2020 đạt hơn 900 nghìn tấn; quí III/2020 đạt hơn 1,0 triệu tấn; quí IV/2020 đạt gần 1,1 triệu tấn.
Từ tháng 1-3/2019, giá heo thịt duy trì ở mức từ 45.000-47.000 đồng/kg heo hơi; tháng 4-7/2019, giá heo thịt giảm xuống 35.000 đồng/kg, có lúc xuống dưới 30 nghìn đồng/kg.
Do ảnh hưởng của bệnh dịch tả heo châu Phi, nguồn cung giảm làm mất cân đối cung - cầu, làm cho giá heo thịt tăng, tháng 8-12/2019 giá heo hơi tăng từ 42.000 - 90.000 đồng/kg.
Từ tháng 1-3/2020, giá giảm từ 90 nghìn đồng xuống 73 nghìn đồng/kg heo hơi tại cửa chuồng (từ 1/4/2020 các doanh nghiệp lớn giảm giá xuống 70 nghìn đồng/kg heo thịt tại nơi xuất chuồng).
Tuy nhiên, từ giữa tháng 4/2020 giá heo thịt có xu hướng tăng đến 70-80 nghìn đồng/kg heo hơi; những ngày gần đây giá heo thịt ổn định ở mức cao trên dưới 80 nghìn đồng/kg.
Đặc biệt, giá heo thịt xuất chuồng đến tay người tiêu dùng qua 2-5 khâu trung gian tăng khoảng 43%.
Theo Kinh tế và Tiêu dùng