Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nhiều tỉnh tái đàn lợn đạt 90% so với trước khi có dịch tả lợn châu Phi
04 | 05 | 2020
Từ cuối tháng 12/2019, nhiều địa phương đã mạnh dạn tái đàn ngay sau khi hết dịch tả lợn châu Phi (DTLCP). Đến nay, một số địa phương được xem là ít gặp tổn thất từ dịch bệnh đã đảm bảo đạt 90% số lượng lợn so với trước khi có dịch.

Tái đàn nhưng đảm bảo không tái dịch

Tái đàn tập trung giữ được an toàn sinh học, không để xảy ra dịch bệnh để tiến hành tái đàn là giải pháp căn cơ trong việc đảm bảo nguồn cung thịt lợn, đảm bảo ổn định giá trên thị trường.

Tại Thanh Hóa, DTLCP tấn công vào đàn lợn, làm thiệt hại tới 20% tổng đàn. Cụ thể, đầu năm 2019, trước khi xảy ra DTLCP, Thanh Hóa có hơn 1,2 triệu con lợn.

Khi dịch bệnh được kiểm soát vào đầu năm 2020, tổng đàn giảm còn hơn 955.000 con, chiếm 80% tổng đàn trước dịch. Tuy vậy, đến thời điểm hiện tại, đàn lợn của tỉnh đã tăng lên gần 1,15 triệu con sau hơn 3 tháng đẩy mạnh tái đàn, bằng 96% trước khi dịch bệnh xảy ra.

Về công tác tái đàn lợn sau dịch, ngay từ khi đang có DTLCP, tỉnh Thanh Hóa đã đặc biệt quan tâm để giữ bằng được đàn lợn trong hệ thống trang trại, đàn lợn giống.

Tỉnh đã có cơ chế hỗ trợ giữ an toàn dịch bệnh và duy trì bằng được đàn lợn ông bà... để sau khi kết thúc dịch bệnh, sẽ có điều kiện khôi phục đàn lợn một cách nhanh nhất. Do đó, công tác tái và khôi phục đàn lợn của tỉnh đã có nhiều thuận lợi, triển khai nhanh và hiệu quả.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đức Quyền, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp tái đàn lợn, trong đó có tỉnh có hướng giảm dần chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư, khuyến khích phát triển chăn nuôi tập trung, phát triển trang trại.

Các gia trại nuôi lợn thịt được khuyến khích nuôi một số ít lợn nái để chủ động con giống, hạn chế nhập và phụ thuộc bên ngoài - đó chính là cách hạn chế dịch bệnh.

Tương tự, tại Nghệ An - tỉnh được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) nhận định là phòng và chống DTLCP rất tốt; đàn lợn bị nhiễm và bị tiêu hủy do dịch tại Nghệ An chỉ khoảng 10%, thấp hơn bình quân cả nước, cũng đang tiến hành tái đàn rất hiệu quả.

Khi dịch bệnh khống chế được, Nghệ An đã nhanh chóng triển khai công tác tái đàn; đến nay đã đạt được trên 900.000 con so với quy mô trước dịch là 1 triệu con.

Với tốc độ này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định đến khoảng tháng 6, tháng 7 năm nay, quy mô đàn lợn của tỉnh sẽ bằng hoặc vượt so với thời điểm trước dịch, để sớm có đủ sản lượng thịt lợn góp phần bình ổn giá chung của cả nước.

Để đảm bảo hỗ trợ thúc đẩy tái đàn lợn, Nghệ An thực hiện chính sách hỗ trợ lợn nái cho quy mô hộ nhỏ, gia trại, trang trại. Đây là khu vực muốn đẩy nhanh hơn về tốc độ phát triển để góp phần cùng các khu vực chăn nuôi lớn khác tái đàn sau dịch.

Phát triển đàn lợn nái để tăng tốc tái đàn

Cũng có tốc độ tái đàn rất tốt nhưng dự kiến phải đến quý III năm nay, Bắc Giang mới đạt được số lượng con lợn như thời điểm trước DTLCP. Nguyên nhân là tỉnh này thiệt hại lớn do dịch bệnh, lên tới 25,8% tổng đàn.

Tính từ thời điểm tái đàn cuối năm 2019 đến nay, tỉnh Bắc Giang hiện đang có 900.000 con, tăng trên 279.000 con, đạt 81,5% so với thời điểm trước khi xảy ra dịch bệnh. Như vậy, tốc độ tái đàn lợn khá nhanh, phấn đấu hết quý 3 sẽ đạt hơn 1,1 triệu con lợn, tương đương với mức tổng đàn ổn định trước khi DTLCP xảy ra.

Theo Báo Tin tức



Báo cáo phân tích thị trường