Nguy cơ bùng phát bất cứ lúc nào
Huyện Ứng Hòa, Hà Nội là một trong những ổ dịch tả lợn Châu Phi tái bùng phát gần đây tại nước ta. Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y Hà Nội cho biết, ổ dịch bùng phát đúng ngày 1/4 tại thôn Hậu Xá, xã Phương Tú.
Hiện đơn vị chức năng Hà Nội đã tiến hành tiêu hủy toàn bộ số lợn dương tính, lập chốt kiểm soát, khử trùng theo quy định, đồng thời theo dõi sát sao các hộ chăn nuôi xung quanh bởi nguy cơ dịch bùng phát đang ở mức rất cao.
Gần đây nhấy, ngày 6/4, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bắc Kạn cũng công bố, từ ngày 3- 6/4 huyện Ngân Sơn xuất hiện 12 con lợn ốm, chết của ba hộ gia đình, trong khi tại huyện Chợ Mới một hộ ở thôn Nà Ba, xã Thanh Thịnh cũng có lợn chết do dịch tả lợn Châu Phi. Đến nay, tỉnh Bắc Kạn đã có 47 con lợn chủ yếu của các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thuộc huyện Ngân Sơn, Chợ Mới, Chợ Đồn bị ốm, chết và kết quả phân tích đều dương tính với dịch tả lợn Châu Phi.
Hiện nguy cơ tái bùng phát bệnh tả lợn Châu Phi tại các địa phương là rất lớn do các hộ chăn nuôi bắt đầu tái đàn trở lại đón sóng giá lợn hơi đang rất cao trên thị trường. Tuy nhiên, không phải trang trại nào cũng áp dụng được triệt để các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Bên cạnh đó, không loại trừ việc giá lợn cao nên sẽ có hộ chăn nuôi giấu dịch, bán chạy lợn không thông báo với cán bộ thú y.
Bệnh dịch tả lợn Châu Phi cũng đang bùng phát tại Trung Quốc và lây lan phức tạp tại nhiều nước thuộc khu vực Đông Nam Á, châu Á như: Thái Lan, Campuchia, Philippines, Myanmar, Đông Timor, Hàn Quốc rồi thậm chí cả Papua New Guinea, từ đó gây áp lực lên Úc, quốc gia gần nhất với nước này.
Mới đây nhất, ngày 22/4, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc thông báo đã phát hiện bệnh dịch tả lợn Châu Phi tái xuất hiện lại ở tỉnh Tứ Xuyên. Trước đó, Trung Quốc cũng ghi nhận lác đác các ổ dịch xuất hiện trên đàn lợn rừng nhà và lợn rừng tại một số tỉnh, thành của nước này từ tháng 2 đến nay.
Theo Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, nguy cơ bùng phát dịch tả lợn Châu Phi tại nước này đã tăng lên đáng kể thời gian gần đây khi nông dân tại nhiều nơi đang gấp rút sửa sang chuồng trại để tái đàn hoặc xây dựng chuồng mới để bắt đầu nuôi lợn trở lại.
Có nên nới lỏng kiểm soát vận chuyển lợn?
Ngay sau khi dịch tả lợn Châu Phi tại Việt Nam lắng xuống, nhiều đơn vị, doanh nghiệp gần đây kiến nghị Cục Thú y có quy trình mới thay thế văn bản 4249 về lợn giống và 3708 về lợn thịt, qua đó tạo thuận lợi cho việc tái đàn, vận chuyển, hạ giá thành chăn nuôi.
Bà Lê Thị Minh Thu, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lợn giống Lạc Vệ kiến nghị, theo quy định hiện doanh nghiệp phải tiến hành lấy mẫu tối thiểu 30% lượng lợn giống xuất bán để làm xét nghiệm dịch tả lợn Châu Phi, có kết quả âm tính rồi mới được cấp giấy kiểm dịch vận chuyển lợn giống đi ngoại tỉnh nên khiến chi phí tăng thêm đáng kể, quá đó đẩy giá con giống đã đắt lại càng đắt hơn.
Còn đại diện Công ty Cổ phần Masan MEATLife thuộc Tập đoàn Masan lại mong muốn ngược lại, Masan MEATLife đề nghị cơ quan chức năng có thẩm quyền tiếp tục duy trì và thực hiện tốt các biện pháp lấy mẫu test ASF. Bởi theo MEATLife, đây chính là công cụ hữu hiệu để đo lường, ngăn chặn, kiểm soát tình hình dịch ASF và đảm bảo được lợn thịt và thịt lợn tiêu thụ trên thị trường an toàn.
Về nội dung này, ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y cho biết, nếu đúng theo Luật Thú y và đúng chuyên môn thú y khi xảy ra dịch bắt buộc phải lập chốt cấm buôn bán, vận chuyển lợn sống rà vào vùng dịch.
Nhưng để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân nên năm 2019 Cục Thú y đã tham mưu Bộ NN-PTNT ban hành hai hướng dẫn kiểm soát, lấy mẫu vận chuyển lợn để làm giống và lợn thịt trong vùng vẫn còn dịch tả lợn Châu Phi.
Theo ông Phạm Văn Đông, trong lúc dịch tả lợn Châu Phi vẫn đang bùng phát và diễn biến phức tạp năm 2019, việc lấy mẫu xét nghiệm lợn giống hay lợn thịt là hoàn toàn cần thiết để chủ động được trong việc kiểm soát lây lan của dịch bệnh.
Tuy nhiên, hiện rất nhiều tỉnh, thành, huyện, xã đã công bố hết dịch tả lợn Châu Phi đủ 30 ngày nên theo Cục trưởng Cục Thú y Phạm Văn Đông, việc kiểm dịch, lấy mẫu và vận chuyển lợn giống và lợn thịt tại những nơi đã hết dịch quay trở lại áp dụng như bình thường theo Luật Thú y.
Ông Đông một lần nữa nhấn mạnh, việc lấy mẫu xét nghiệm dịch tả lợn Châu Phi chỉ áp dụng với những xã, huyện, tỉnh vẫn đang còn dịch tả lợn Châu Phi chưa qua 30 ngày.
Theo Cục Thú y, Bộ NN-PTNT, hiện nay cả nước còn 109 xã của 19 tỉnh, thành phố có dịch chưa qua 30 ngày (trong đó Bắc Kạn tái phát ổ dịch với 47 con lợn bị bệnh, chết). Từ ngày 1/2/2019 đến nay, cả nước có 99% số xã có bệnh dịch tả lợn Châu Phi đã qua 30 ngày, có 44 tỉnh, thành phố đã qua 30 ngày, công bố hết dịch.
Theo Nông nghiệp Việt Nam