Được mùa rớt giá, mất mùa giá tăng là câu chuyện tất nhiên của thị trường. Nhưng mất mùa một, giá tăng hai ba và nhiều nữa, theo kiểu “nhờ gió bẻ măng” mới là chuyện đáng nói.
Dư âm vẫn còn câu chuyện trả lương giáo viên bằng thịt heo trong cuộc chiến giải cứu heo rớt giá xuống mức 22.000 - 24.000 đồng/kg vào đầu năm 2017. Chuyện như tiếu lâm, ngày 17/5/2017 Phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Can Lộc, Hà Tĩnh đã có Công văn vận động để cán bộ, giáo viên đăng ký mua ít nhất 10kg heo hơi/tháng/người theo giá tối thiểu 30.000 đồng/kg.
Công văn “giải cứu” nói trên đã được thu hồi ngay sau đó vì cách hành xử áp đặt nhưng dù sao cũng bộc lộ “lòng tốt” của cơ quan quản lý với người chăn nuôi. Sau đợt rớt giá thê thảm đó, giá heo hơi nhích dần và ổn định ở mức cao nhất khoảng 40.000 - 43.000 đồng/kg kéo dài đến đầu năm 2019. Lúc này thịt heo dưới con mắt của người dân đô thị được cho rẻ hơn cả rau sạch.
Thế nhưng, cuộc đổ bộ của dịch tả lợn châu Phi vào Việt Nam đã làm cho tình thế đảo ngược. Giá heo trên cả nước bắt đầu tăng vào cuối quý 1/2019. Mức tăng kinh khủng của giá heo được ghi nhận bắt đầu khoảng cuối quý 3.
Phát biểu tại một hội nghị của ngành vào ngày 17/10, Bộ trưởng Bộ NN & PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, hơn 8 tháng bùng phát, dịch tả lợn châu Phi đã gây thiệt hại, làm giảm 8,3 % sản lượng thịt.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng cho rằng, con số sụt giảm đó chưa phải là nguyên nhân chính dẫn đến giá heo tăng vừa qua. Các chuyên gia đồng tình quan điểm này của Bộ trưởng Cường. Bởi không có chuyện sản lượng heo chỉ giảm 8,3% mà giá heo hơi tăng đến 187% (70.000 - 75.000 đồng/kg).
Lợi dụng “nhờ gió bẻ măng” bởi dịch Covid-19 từ đầu tháng 3 vừa rồi giá heo tiếp tục nhảy cao, thiết lập khung mới phổ biến từ 87.000 - 95.000 đồng/kg thịt hơi (tăng trên 200% so với đầu năm 2019).
Điều này không chỉ đè nặng người tiêu dùng mà còn áp lực lên lạm phát. Chính vì vậy, chiều 20/3 tại cuộc họp Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ NN&PTNT kết hợp với Bộ Công Thương kiên quyết giảm giá thịt heo hơi về mức 60.000 đồng/kg.
Hưởng ứng yêu cầu của Chính phủ, đến nay có 15 doanh nghiệp chăn nuôi lớn (chiếm khoảng 35% sản lượng) đã cam kết hạ giá heo hơi xuống mức 70.000 đồng/kg, bắt đầu từ 1/4.
Không biết việc thực hiện cam kết của các doanh nghiệp ra sao nhưng đến nay (ngày 20/4) giá heo hơi chưa hề có tín hiệu giảm… mà lại đứng ở đỉnh cao 93.000 đồng/kg. Trong khi giá heo thịt bán lẻ trên thị trường tiếp tục tăng thêm neo ở mức quá cao.
Theo ghi nhận tại BigC quận 7, TP Hồ Chí Minh vào chiều 19/4 giá heo thịt các loại như dò rút xương 165.000 đồng/kg, nạc dăm và nạc đùi 185.000 đồng, nạc thăn 205.000 đồng, ba rọi rút xương 245.000 đồng và sườn non 295.000 đồng/kg. Giá bình quân từ 185.000 - 200.000 đồng/kg. Nói không quá, giờ đây miếng thịt từ thơm ngon trở nên đắng ngắt với người có mức thu nhập trung bình trở xuống.
Không cần Bộ trưởng hay chuyên gia, ai cũng biết có 2 nguyên nhân lý thuyết chính làm cho miếng thịt heo đến miệng người tiêu dùng quá mức đắt đỏ. Đó là thiếu hụt nguồn cung và khâu trung gian quá nhiều. Nhưng lý thuyết chỉ là lý thuyết, cơ quan quản lý không thể giải thích chung chung như vậy đối với người tiêu dùng.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thiếu hụt nguồn cung do dịch tả lợn châu Phi là không nhiều vì sản lượng thịt chỉ giảm 8,3-9,3%. Vậy nguyên nhân chính ở đây là gì? Đừng đổ tội hết cho người chăn nuôi, lợi dụng găm hàng chờ tăng giá. Cho rằng đáng lẽ họ xuất bán khi heo từ 100 - 120 kg/con như trước thì nay găm để tăng trọng lên 150 - 170 kg/con mới xuất bán.
Người chăn nuôi nhỏ lẻ không có cơ hội nói trên vì vốn liếng ít. Còn phần nhiều doanh nghiệp chăn nuôi trung bình và lớn việc găm hàng như vậy sẽ chuốc lấy vỡ nợ ngân hàng. Cho nên nếu có lợi dụng găm hàng chính là thương lái. Họ sẽ mua trả tiền trước 100% hoặc ứng tiền một phần cho người chăn nuôi và gửi heo tại chuồng để găm hàng.
Trung gian giữa người chăn nuôi và người tiêu dùng cơ bản gồm 4 đối tượng là thương lái thịt hơi, lò giết mổ, thương lá bán buôn thịt sạch và người bán lẻ. Có thể nói, ăn đậm ở đây là thương lái. Họ điều phối cả 2 đầu, vừa quyết định sản lượng giết mổ và vừa quyết định sản lượng thịt sạch phân phối bán lẻ.
Không chỉ thương lái thịt heo, bất kỳ sản phẩm nào cần thương lái để hỗ trợ người sản xuất, thì thương lái tìm mọi cách để hưởng lợi nhuận đậm. Thương lái ăn cả trên đầu người sản xuất và cả trên đầu người tiêu dùng. Không hiểu Bộ Công Thương đã tính chuyện này trong thắt chặt quản lý thị trường bảo vệ người tiêu dùng? Tương tự, Bộ Tài chính đã giám sát để hành xử chống thất thu thuế?
Theo Kinh tế đô thị