Thực phẩm an toàn đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc cải thiện sức khoẻ con người, nâng cao chất lượng cuộc sống của các thế hệ hiện tại và tương lai.
Bên cạnh đó, thực phẩm cũng chính là nguyên nhân gây bệnh nguy hiểm, nếu như không bảo đảm được vệ sinh và an toàn.
Hiểu đúng về an toàn thực phẩm
Theo định nghĩa của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm Quốc tế (CAC), an toàn thực phẩm (ATTP) là việc bảo đảm để thực phẩm không gây hại cho người tiêu dùng khi nó được chế biến và/hoặc sử dụng đúng với mục đích đã định trước.
Luật ATTP số 55/2010/QH12 định nghĩa “ATTP là việc bảo đảm để thực phẩm không gây hại đến sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng”.
ATTP là vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt đối với tất cả các quốc gia trên thế giới. Được tiếp cận với thực phẩm an toàn đang trở thành quyền cơ bản đối với mỗi người dân. Thực phẩm an toàn đóng vai trò quyết định trong việc bảo vệ, cải thiện sức khoẻ con người, chất lượng cuộc sống và chất lượng giống nòi.
Ngộ độc thực phẩm và các bệnh do thực phẩm gây ra không chỉ gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ và cuộc sống của mỗi người, mà còn gây thiệt hại lớn về kinh tế, là gánh nặng chi phí cho ngành y tế và cộng đồng.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, chuỗi cung ứng thực phẩm ngày nay đã vượt qua biên giới của nhiều quốc gia, thực phẩm không an toàn có thể gây tổn hại đến sức khỏe, tính mạng của một số lượng lớn người tiêu dùng tại nhiều nước. An toàn thực phẩm chỉ có thể được bảo đảm khi chính phủ của các quốc gia, các cơ quan, tổ chức và người dân cùng vào cuộc, cùng chia sẻ trách nhiệm.
Theo số liệu thống kê nhiều năm của các cơ quan quản lý an toàn thực phẩm, đối với nhóm thực phẩm nguồn gốc thực vật nguy cơ cao tập trung trên rau, củ, quả tươi với nguyên nhân chính là do việc lạm dụng hoá chất bảo vệ thực vật. Kết quả của Chương trình giám sát Quốc gia tại Việt Nam cho thấy, trong giai đoạn 2011- 2016, tỷ lệ mẫu rau, củ, quả tươi có tồn dư hoá chất vượt ngưỡng cho phép là 8,47%. Cục Bảo vệ thực vật xác định nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do người dân không thực hiện nguyên tắc “4 đúng” trong sử dụng thuốc BVTV (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng lúc và đúng cách), chủ yếu là không thực hiện đúng thời gian cách ly (thời gian từ lần phun thuốc cuối cùng đến lúc thu hoạch). Tỷ lệ người sản xuất vi phạm các quy định sử dụng thuốc BVTV vẫn ở mức cao, trên 16%.
Tuy nhiên, nguyên nhân mất ATTP không chỉ là do dư lượng thuốc BVTV. Có 3 loại mối nguy ô nhiễm thực phẩm từ sinh học, hoá học và vật lý.
5 nguyên tắc vàng giúp giảm tới 90% nguy cơ mất ATTP
“ATTP” và “Thực phẩm an toàn” có liên quan mật thiết với nhau nhưng lại không đồng nghĩa với nhau. Có thể có “thực phẩm an toàn” nhưng lại không có “ATTP”, bởi vì các nguy cơ mất ATTP không phải chỉ do thực phẩm mà còn do các nguyên nhân khác nữa. Để đảm bảo “ATTP”, người tiêu dùng đóng một vai trò rất quan trọng. Cũng chính người tiêu dùng có thể làm cho “thực phẩm an toàn” trở nên “không an toàn”, hoặc ngược lại có thể giảm thiểu rủi ro mất an toàn thực phẩm.
Các tổ chức quốc tế về ATTP và nhiều quốc gia đặc biệt quan tâm đến vai trò của người tiêu dùng trong đảm bảo ATTP. Người tiêu dùng được khuyến cáo thực hiện “5 nguyên tắc vàng” rất đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện nhưng góp phần thiết thực và hiệu quả giảm thiểu rủi ro mất ATTP như sau:
-
Giữ gìn vệ sinh sạch sẽ. Rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, dụng cụ nấu ăn và đụng cụ ăn uống sạch, bếp sạch, tủ lạnh sạch. Vệ sinh tủ lạnh hằng tuần, nên loại bỏ các thức ăn nấu chín đã bảo quản trong tủ lạnh quá 04 ngày. Rửa sạch quả trước khi ăn bằng nước sạch, kể cả trước khi gọt vỏ. Rửa tay trước khi chuẩn bị thức ăn hoặc sau khi tiếp xúc với thực phẩm sống…
-
Tách biệt thực phẩm, không chứa đựng hoặc bảo quản thực phẩm sống chung với thực phẩm chín (tránh nhiễm tạp chéo);
-
Ăn chín, uống chín, đun nấu thức ăn kỹ.
-
Bảo quản thực phẩm ở nhiệt độ an toàn (trên 60 độ C hoặc dưới 5 độ C);
-
Sử dụng nguyên liệu thực phẩm an toàn và nước sạch. Tốt nhất là lựa chọn mua thực phẩm được chứng nhận ATTP có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng tại các cửa hàng có uy tín.
Bằng các biện pháp được khuyến cáo nêu trên, các chuyên gia ATTP cho rằng, có thể giảm tới 90% nguy cơ mất ATTP khi sử dụng thực phẩm nói chung và rau quả nói riêng. Vì vậy, để đảm bảo ATTP, các cơ quan quản lý nhà nước không chỉ quan tâm đến việc tập huấn, nâng cao nhận thức và ứng dụng các quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP) mà cần chú ý phổ biến kiến thức nhằm nâng cao nhận thức và hiểu biết của người tiêu dùng.
PGS.TS. Nguyễn Xuân Hồng, Phó Chủ tịch Hội làm vườn Việt Nam