Cục Hải quan Hải Phòng vừa xây dựng và đưa vào áp dụng phần mềm để doanh nghiệp chủ động đánh giá về chất lượng hoạt động của công chức và cơ quan Hải quan.
Theo đó, sau khi hoàn thành thủ tục hải quan đối với từng tờ khai, doanh nghiệp có thể thực hiện đánh giá mức độ hài lòng đối với chất lượng phục vụ của công chức, đội công tác, chi cục hải quan có liên quan trên phần mềm khai báo hải quan (ECUSVNACCS) theo các mức: Rất hài lòng”: 5*; “Hài lòng”: 4*; “Bình thường”: 3*; “Không hài lòng”:2*; “Rất không hài lòng”: 1*.
Cụ thể hơn về cách thức để doanh nghiệp đánh giá, đại diện Phòng CNTT (Cục Hải quan Hải Phòng) cho hay: Có 4 bước để doanh nghiệp thực hiện việc đánh giá.
Doanh nghiệp có thể tự đánh giá chất lượng phục vụ của cơ quan Hải quan thông qua phần mềm
Bước 1: Doanh nghiệp tiến hành khai báo thủ tục hải quan cho tờ khai và gửi tờ khai đến hệ thống VNACCS/VCIS, doanh nghiệp có thể gửi đánh giá ngay trong quá trình làm thủ tục hải quan khi gặp vướng mắc tại chi cục hoặc sau khi tờ khai đã được cấp phép (giải phóng hàng, mang hàng về bảo quản, thông quan).
Bước 2: Nếu doanh nghiệp đồng ý đánh giá tờ khai thì lựa chọn các mức độ hài lòng tương ứng với số lượng * (theo 5 mức độ như đề cập ở trên).
Bước 3: Sau khi doanh nghiệp đánh giá xong thì click vào mục “ghi nhận”, hệ thống hiển thị các nội dung doanh nghiệp đã đánh giá, doanh nghiệp xác nhận nội dung và lựa chọn “gửi” để gửi đánh giá hoặc “sửa” để quay lại màn hình đánh giá.
Bước 4: Tại bước 1, nếu doanh nghiệp không thực hiện đánh giá ngay thì lựa chọn bỏ qua, hệ thống hiển thị cảnh báo. Đồng thời, để xem các tờ khai chưa đánh giá, doanh nghiệp có thể lựa chọn “xem” ở bước 3, hoặc lựa chọn chức năng “đánh giá mức độ hài lòng” ở menu nghiệp vụ khác.
Theo ông Nguyễn Kiên Giang - Phó Cục trưởng Cục Hải quan Hải Phòng, Cục là đơn vị đầu tiên trong toàn Ngành tiên phong xây dựng và triển khai Hệ thống đánh giá chất lượng phục vụ của công chức hải quan. Sáng kiến này là bước đi cụ thể trong thực hiện Quyết định 85/QĐ-TCHQ ngày 15/1/2020 của Tổng cục Hải quan về phát triển quan hệ đối tác Hải quan - Doanh nghiệp và các bên liên quan năm 2020. Đồng thời, giúp đơn vị ghi nhận, tổng hợp ý kiến đánh giá, mức độ hài lòng của doanh nghiệp.
Trong thời gian tới, Cục Hải quan thành phố Hải Phòng mong muốn nhận được nhiều hơn nữa sự quan tâm, đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp đối với chất lượng sự phục vụ của cán bộ, công chức thông qua hệ thống. Đây là nguồn thông tin quan trọng, giúp cải thiện, nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ của các cán bộ, công chức, đội công tác và chi cục hải quan thuộc Cục. Tất cả thông tin đánh giá của người dân, doanh nghiệp sẽ được Cục Hải quan TP Hải Phòng tiếp nhận, xác minh và xử lý qua đó nghiêm túc xem xét trách nhiệm đối với những trường hợp cán bộ công chức vi phạm và phản hồi kết quả đến người dân, doanh nghiệp - Phó Cục trưởng Nguyễn Kiên Giang cho biết thêm.
Mọi cải cách đều hướng tới người dân và doanh nghiệp với mục tiêu giảm thủ tục, giảm thời gian, giảm chi phí trong hoạt động xuất nhập khẩu.
Để tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong việc thực hiện các thao tác đánh giá, mới đây, Cục Hải quan Hải Phòng đã nâng cấp hệ thống lên phiên bản 2.0, để bổ sung thêm một số tính năng như gửi thông tin phản ánh sau khi hoàn thành thủ tục xuất nhập khẩu lô hàng; cho phép doanh nghiệp có thể đánh giá, gửi thông tin phản ánh ngay trong quá trình làm thủ tục hải quan.
Doanh nghiệp có thể nhập họ tên, số điện thoại và nội dung chi tiết gửi lên hệ thống. Đồng thời, doanh nghiệp có thể đánh giá nhiều công chức, nhiều khâu nghiệp vụ, nhiều chi cục cùng lúc trên một phiếu đánh giá liên quan đến tờ khai đang thực hiện đánh giá.
Trước đó, đã có ý kiến trang bị hệ thống camera trực tuyến từ Tổng cục xuống chi cục, theo đó thì từ Tổng cục có thể nhìn được cấp dưới thực thi công vụ thế nào, để giảm thiểu phiền hà, nhũng nhiễu, gây khó cho doanh nghiệp. Nhưng rất nhiều nơi vẫn diễn ra tình trạng doanh nghiệp hoàn toàn đúng nhưng vẫn phải nộp tiền “làm luật”. Khi những vụ việc này được phát hiện, tại tất cả các điểm Hải quan đều tạm thời tiếp nhận hồ sơ khai báo hàng hóa của doanh nghiệp mà không cần tiền “bôi trơn”. Tuy nhiên, chỉ là tạm thời, rồi tình hình sau lại “đâu vào đấy”.
Có thể nói, phần mềm để doanh nghiệp chủ động đánh giá về chất lượng hoạt động của công chức và cơ quan Hải quan sẽ là cơ sở giám sát cán bộ, công chức Hải quan. Nói đúng hơn, nếu để doanh nghiệp trực tiếp đánh giá năng lực, thái độ làm việc… của cán bộ, công chức Hải quan có thể những cán bộ, công chức này sẽ không dám “làm liều”. Do đó, mục tiêu giảm thủ tục, giảm thời gian, giảm chi phí trong hoạt động xuất nhập khẩu cũng vì thế mà có thể được làm tốt hơn.