Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
DN "phản pháo" Chi cục
04 | 08 | 2009
Chi cục ATVSTP Hải Phòng (Sở Y tế TP Hải Phòng) khẳng định 3 mẫu sữa của Cty CP sữa Việt Nam (Vinamilk) có hàm lượng đạm (Protit) thấp hơn tiêu chuẩn, trong khi kết quả kiểm nghiệm của Thanh tra Bộ Y tế lại kết luận đạt yêu cầu. Thế là Vinamilk “phản pháo"

Ngày 21/7, bà Mai Kiều Liên – TGĐ Vinamilk đã chính thức có đơn khiếu nại lần thứ nhất gửi Chi cục ATVSTP Hải Phòng nêu rõ: “Chúng tôi đề nghị quý Chi cục ghi nhận việc khiếu nại này và sớm giải quyết trong vòng 30 ngày. Trường hợp quý Chi cục không giải quyết khiếu nại đúng hạn hoặc không thỏa đáng, chúng tôi sẽ khiếu nại tiếp đến Sở Y tế Hải Phòng hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án”.

Sở dĩ lãnh đạo của tập đoàn kinh doanh sữa lớn nhất Việt Nam này “nổi giận” là vì trong báo cáo kiếm tra chất lượng sữa 6 tháng đầu năm 2009 của Chi cục ATVSTP Hải Phòng gửi Cục ATVSTP (Bộ Y tế) có tới 3 lô sữa của Vinamilk có hàm lượng Protit thấp hơn tiêu chuẩn đăng ký. Cụ thể: lô Sữa đặc có đường hiệu Ông Thọ hộp 380g SX ngày 11/01/2009 có tiêu chuẩn Protit đăng ký là 9g%, thực kiểm chỉ đạt 6,32g%; lô Sữa bột Vinamilk dielac Star Step1, hộp 400g SX ngày 12/06/2009 có tiêu chuẩn đăng ký 28g%, thực kiểm chỉ đạt 23,3g%; lô Sữa bột Vinamilk Dielac Mama hộp 400g, SX ngày 09/10/2008 có tiêu chuẩn đăng ký 15g%, thực kiểm chỉ đạt 13,3%.

Sau khi nhận được kết quả kiểm nghiệm của Chi cục ATVSTP Hải Phòng, Cục ATVSST (Bộ Y tế) đã nhanh chóng công bố thông tin này để nhiều phương tiện thông tin đại chúng đăng tải. Sở Y tế và Chi cục ATVSTP TP Hải Phòng còn yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh sữa tại TP Hải Phòng như Metro Hồng Bàng, Big C, một số cửa hàng tại phố Quang Trung...đình chỉ ngay việc lưu thông các lô hàng không đạt chất lượng. Được biết, Sở Y tế Hải Phòng cũng đã có đề nghị Chi cục ATVSTP Hải Phòng có trách nhiệm thông báo cho nhà SX kết quả kiểm tra. Thế nhưng sau đó, Vinamilk đã không nhận được bất kỳ thông báo nào của Chi cục ATVSTP Hải Phòng về kết quả này trước khi gửi báo cáo cho Cục ATVSTP.

Sau khi thông tin 3 lô hàng của Vinamilk có hàm lượng protit không đạt tiêu chuẩn loan đi trên các phương tiện thông tin đại chúng, Vinamilk đã lập tức có công văn gửi Bộ Y tế đề nghị xem xét, thực hiện lại việc xét nghiệm. Ngay sau đó, Thanh tra Bộ Y tế đã tiến hành lấy mẫu thực hiện kiểm nghiệm với cùng một lô hàng như Chi cục ATVSTP Hải Phòng đã lấy mẫu kiểm nghiệm trước đó.

Thật bất ngờ, kết quả kiểm nghiệm tại 2 trung tâm gồm: Viện Dinh Dưỡng; Viện Vệ sinh y tế công cộng TPHCM mà Thanh tra Bộ Y tế thực hiện đều cho kết quả đạt tiêu chuẩn! Cụ thể mẫu sữa bột Dielac mama vani 400g SX ngày 09/01/2008 có hàm lượng lipit đạt 15,4g% (so với tiêu chuẩn công bố trên nhãn là 15g%). Tương tự, mẫu sữa đặc có đường hiệu Ông Thọ 380g SX ngày 11/01/2009 là 9g% (đúng  tiêu chuẩn công bố trên nhãn). Riêng mẫu sữa bột Vinamilk dielac Star Step1, hộp 400g SX ngày 12/06/2009 được Vinamilk kiểm nghiệm tại TT dịch vụ phân tích thí nghiệm TPHCM cho kết quả lipít 28,8g% (so với tiêu chuẩn công bố là 28%).

Dựa trên các kết quả kiểm nghiệm này, Vinamilk đã lập tức “phản pháo”  Chi cục ATVSTP Hải Phòng bằng việc khiếu nại hành vi đình chỉ lưu thông các sản phẩm sữa của Vinamilk mà Chi cục này đã thực hiện đối với các DN và đại lí cung cấp sản phẩm của Vinamilk tại Hải Phòng. Đối với lô sữa đặc có đường hiệu Ông Thọ mà Chi cục ATVSTP Hải Phòng lấy mẫu ghi là sản xuất tại số 57/22, Bầu Cát 9, Phường 14, quận Tân Bình (TPHCM), Vinamilk khẳng định Cty này không có cơ sở SX nào tại địa chỉ đó.

Vinamilk có khởi kiện Chi cục ATVSTP Hải Phòng?

Trái với thông tin các báo mạng đồng loạt đưa Vinamilk sẽ kiện Chi cục ATVSTP ra toà, trao đổi với NNVN hôm qua 3/8, cả hai Phó TGĐ Cty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) là ông Trần Minh Văn và bà Nguyễn Thị Thanh Hòa đều khẳng định: Vinamilk chưa đặt vấn đề khởi kiện ngành chức năng, nhưng đòi hỏi những đơn vị này phải “rút kinh nghiệm”.

Theo bà Hòa, cho đến ngày hôm qua 3/8, Vinamilk vẫn chưa nhận được bất cứ phản hồi nào nhằm giải thích hoặc “đính chính” về kết quả kiểm nghiệm “bất bình thường” từ phía Chi cục ATVSTP Hải Phòng. “Đặc biệt, những thông tin về kết quả kiểm nghiệm thiếu chính xác này lại được lấy từ nguồn Cục ATVSTP nên đã ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của Cty” – bà Hòa nói.

Còn ông Trần Minh Văn cho biết, với năng lực thu mua trung bình của Vinamilk mỗi ngày lên tới 360.000 lít sữa tươi liên quan đến khoảng gần 100.000 hộ nông dân trên toàn quốc, nên thông tin chưa được kiểm chứng về 3 sản phẩm của Vinamilk có hàm lượng chất béo thấp hơn công bố ghi trên nhãn, đã tức khắc ảnh hưởng dây chuyền đến người chăn nuôi bò sữa và tình hình kinh doanh của Cty. “Vinamilk không đặt vấn đề khiếu nại cơ quan chức năng đã xét nghiệm và công bố thông tin chưa chính xác, nhưng chúng tôi cũng đòi hỏi phải được bảo vệ bằng những phát ngôn và thông tin chính xác trong thời gian tới” – ông Văn nói. 

Cũng liên quan đến vấn đề chất lượng sữa chiều qua, TGĐ Vinamilk bà Mai Kiều Liên đã có thông cáo báo chí công bố chất lượng sữa tươi của Vinamilk khẳng định: “Thời gian qua một số báo chí phản ánh các Cty sữa sử dụng nguyên liệu sữa bột để chế biến, nhưng vẫn ghi nhãn là hàng sữa tươi. Đối với Vinamilk, sản phẩm sữa tươi tiệt trùng hay còn gọi là sữa tươi nguyên chất là sản phẩm được SX hoàn toàn 100% từ sữa bò tươi nguyên chất, có công nghệ tiệt trùng 143oC”.

Lê Bền - Đức Cường

(Theo NNVN)



Báo cáo phân tích thị trường