Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giá sữa đang ở... trên trời
20 | 07 | 2009
Trong thời gian qua, dư luận báo chí và các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng đã liên tục lên tiếng mạnh mẽ về chuyện giá sữa bột nhập khẩu tăng cao, gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Giá sữa ở thị trường Việt Nam được cho là có mức giá cao... nhất thế giới
 
Giá sữa tăng liên tục là nỗi lo lớn đối với người tiêu dùng. Ảnh: Hoàng Hà.












 

Để "bao biện" cho việc tăng giá sữa nhập khẩu một cách "vô tội vạ", đã có những doanh nghiệp vin vào lý do tăng thuế nhập khẩu của Chính phủ. Cũng có ý kiến giải thích việc điều chỉnh giá sữa là vì tỉ giá USD/VND liên tục trượt giá. Các đại lý bán lẻ thì đổ lỗi cho các nhà phân phối đã cắt bớt chiết khấu hoa hồng, nên đại lý không còn chính sách giảm giá so với giá bán lẻ như trước đây.

Và còn có cả những lý do đổ lỗi rằng nguyên nhân đẩy giá thành sữa lên là do chi phí dành cho quảng cáo, tiếp thị, chiết khấu... của các hãng cao hơn v.v... Bằng việc "ra tay" của Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công thương), Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính), Chi cục Quản lý Thị trường Hà Nội và nhiều doanh nghiệp sữa..., sự thật về việc sữa nhập khẩu "đội giá" đã phơi bày trước dư luận.  

Gấp đến 150%

Kết quả khảo sát giá sữa bột nguyên hộp nhập khẩu của Ban Bảo vệ người tiêu dùng Cục Quản lý Cạnh tranh cho thấy lý do cho rằng vì Nhà nước tăng thuế nên sữa nhập khẩu phải tăng giá là không thuyết phục, bởi lẽ: Từ tháng 10.2007, Bộ Tài chính đã giảm thuế đối với các nguyên liệu sản phẩm sữa nhập khẩu từ mức 5%, 7%, 10%, 15% xuống còn mức 3%, 5%, 7%. Và giảm từ 15%, 25%, 30% xuống các mức 10% và 15% đối với sữa thành phẩm và một số chế phẩm dinh dưỡng.

Tháng 3.2009, Bộ Tài chính chỉ tăng thuế nhập khẩu sữa tươi và sữa nước từ 3%, 5%, 7% lên 10%, 15%, 20% (tuỳ vào mã HS). Riêng đối với sữa bột nguyên liệu vẫn giữ nguyên mức thuế như trước đây, ở mức 3%-7%. Còn thuế VAT đối với mặt hàng sữa, ở VN cũng giống như nhiều nước đều áp dụng mức 10%.

Mặt khác, nhu cầu sử dụng sữa bột tại các nước đều ở mức thấp, người dân chủ yếu dùng sữa tươi.

Khảo sát giá sữa bột nguyên hộp nhập khẩu ở VN so với các nước xung quanh như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Singapore thì sữa ở VN có mức giá cao hơn từ 20-60%, có trường hợp cao hơn từ 100%-200% mặc dù sự chênh lệch về thuế đối với sữa bột nguyên liệu và nguyên hộp nhập khẩu vào VN không quá 7% và vẫn còn thấp hơn nhiều so thuế nhập khẩu vào Thái Lan (dao động từ 0%-40% tuỳ thuộc vào mã hàng và xuất xứ).

Còn với các nước Indonesia, Malaysia, thuế nhập khẩu sữa bột thấp hơn so với VN (thuế ở các nước này dao động từ 0%-5%) nhưng không đáng kể. Vậy mà giá sữa nhập khẩu ở VN cao hơn nhiều nước trong khu vực. Cụ thể, giá sữa Pedia Sure ở Việt Nam cao hơn khoảng 20% so với Thái Lan, khoảng 25-30% so với Malaysia và Indonesia.

Enfa Grow A+: bằng giá ở Indonesia, nhưng cao hơn ở Malaysia khoảng 50%; Enfa Grow 3 A+ cao hơn giá ở Thái Lan 60%; Enfakid 4 A+ cao hơn giá ở Thái lan khoảng 40%; Sữa của hãng Nestle có sản phẩm NAN H.A1 Pro cao hơn giá ở Malaysia khoảng 65,2%. Còn sản phẩm của Hãng Friso loại sữa Friso 1 Gold, Friso 3 Gold: cao hơn khoảng 50%-60% (có cửa hàng còn bán cao hơn 80%) so với Malaysia và thậm chí cao hơn so với Singapore khoảng 10-15%. Sữa Dumex với các sản phẩm Dugro 1, 2, 3: cao hơn giá ở các nước Thái Lan, Malaysia, Indonesia từ 100%-150%.

Giá thế giới càng giảm, nội địa càng tăng

Sữa nội chưa thể cạnh tranh với sữa ngoại.
Khảo sát của Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) cho thấy: Năm 2008 giá sữa nguyên liệu xuất khẩu của thị trường Châu UÁc giảm giá liên tục, giá giảm mạnh vào 4 tháng cuối năm, trong đó mỗi tháng giảm từ 11%-15%. Tháng 1, giá sữa bột gầy bình quân là 4.300 USD/tấn FOB, sữa bột toàn phần là 4.550 USD/tấn FOB. Đến cuối năm, giá sữa bột gầy chỉ còn 2.000 USD/tấn FOB, sữa bột toàn phần là 2.150 USD/tấn FOB (giảm 2.300-2.500 USD/tấn FOB, tương đương giảm hơn 50% so với đầu năm).

Sang năm 2009, tháng 1 giá sữa bột tiếp tục giảm 225-300 USD/tấn FOB xuống còn 1.775 USD/tấn FOB (sữa  bột gầy) và 1.850 USD/tấn FOB (sữa bột toàn phần). Từ  tháng 2 đến tháng 5.2009 giá các loại sữa bột nguyên liệu có tăng từ 25-150 USD/tấn, tương đương 1,4%-7,69%. Đến tháng 6.2009 giá sữa bột gầy tiếp tục tăng bình quân khoảng 25 USD/tấn FOB tương đương 1,25%, nhưng giá sữa bột nguyên kem lại giảm nhẹ 150 USD/tấn FOB, tương đương 6,82%.

Tại thị trường Tây Âu, giá sữa nguyên liệu xuất khẩu từ đầu năm 2008 đến cuối năm giá bình quân sữa bột gầy giảm 43%, từ 3.775 USD/tấn FOB xuống còn 2.163 USD/tấn FOB, sữa bột toàn phần giảm từ 4.550 USD/tấn FOB xuống 2.725 USD/tấn FOB (giảm 40%). 2 tháng đầu năm 2009, giá sữa bột gầy và sữa bột toàn phần tại Tây Âu tiếp tục giảm xuống mức 1.900-2.150 USD/tấn FOB và 2.100-2250 USD/tấn FOB (giảm khoảng 0,58%-8,89%). Từ tháng 3 đến tháng 6/2009 giá sữa bột nguyên liệu các loại tăng 37,5-238 USD/tấn, tương đương 1,79%-10,22%.

Sữa thế giới giảm giá, nhưng trong năm 2008 các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sữa trong nước từ tháng 1 đến tháng 7 đã mở nhiều đợt tăng giá. Trong đó Công ty CP Sữa VN (Vinamilk) có 21 sản phẩm tăng từ 1,5-10,8%. Cty TNHH 3A phân phối sữa bột của Hãng Abott: tăng 3 đợt, mỗi đợt bình quân khoảng  4%- 7,8% (đợt 1 tăng 31 sản phẩm, đợt 2 tăng 22 sản phẩm, đợt 3 tăng 3 sản phẩm). Công ty Thực phẩm dinh dưỡng VN phân phối sữa bột của Hãng Dumex có 31 sản phẩm tăng từ 3-21%. Dutch Lady VN tăng 6-10% cho nhóm hàng sữa bột Cô gái Hà Lan, sữa Anpha tăng 9-10%.

Trong những tháng đầu năm 2009, các doanh nghiệp sản xuất sữa nội trong nước chưa tăng giá sữa. Công ty Vinamilk còn có công văn khẳng định với Bộ Tài chính về việc không có kế hoạch tăng giá sản phẩm trong 6 tháng đầu năm 2009. Còn các doanh nghiệp nhập khẩu và phân phối sữa bột thành phẩm không tăng giá từ đầu năm đến nay và cũng chưa có chính sách tăng giá trong các tháng còn lại.

Nhưng đầu tháng 3.2009 Cty TNHH Dược phẩm 3A (nhà phân phối độc quyền sữa Abbott) đã điều chỉnh giá sản phẩm tăng 3,89% - 4,23% và hãng sữa NamYang với thương hiệu sữa XO tăng 10% đối với một số sản phẩm.

Không có dấu hiệu "hạ nhiệt"

Làm thế nào để biết được đâu là giá sữa đúng?
Mặc dù Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) đã công bố kết quả khảo sát cho thấy nhiều nhãn hiệu sữa ngoại nhập đang bày bán trên thị trường VN có giá bán cao hơn nhiều so thế giới, nhưng giá sữa trên thị trường vẫn không có dấu hiệu hạ nhiệt. Không những thế, một số dự báo cho rằng, giá sữa bột ngoại nhập còn có thể tiếp tục tăng trong quý III, quý IV.

Điều dễ dàng nhận thấy trên thị trường bán lẻ sữa bột ngoại nhập là các hãng sữa chưa bao giờ giảm giá bán sản phẩm dù có những lúc giá sữa nguyên liệu trên thế giới giảm mạnh. Nhân viên bán hàng tại đại lý Mười trên đường Nguyễn Thông, TPHCM cho biết: "Trong các năm qua, giá sữa bột ngoại nhập chỉ có tăng chứ làm gì có chuyện giảm giá. Thông thường các hãng chỉ tổ chức khuyến mãi tặng thêm quà tặng, sản phẩm chứ chưa bao giờ thông báo giảm giá bán".
 
Trong khi đó, chị Thanh Trúc, đường Hà Huy Giáp, quận 12 cho rằng: "Từ năm 2005 đến nay, giá sữa cứ tăng vùn vụt mỗi vài tháng. Có năm, như năm 2007, giá sữa của các hãng cứ kéo nhau tăng đến 3-4 lần, mỗi lần mức tăng 5-10% nên cộng lại xem như giá sữa năm sau cao hơn năm trước 20-25%.

Một số hãng sữa, khi tăng giá bán, để xoa dịu tâm lý của khách hàng, thu hút người mua và như để NTD làm quen với giá mới thường tổ chức khuyến mãi đổi nắp lon, vỏ hộp nhận quà đồ chơi cho trẻ. Tuy nhiên, sau thời gian khuyến mãi, thực chất việc tăng giá lộ rõ, khi đó NTD đã quen với giá mới. Gần đây, một số nhãn hiệu còn tăng giá bằng "chiêu" giảm trọng lượng 100g so với mẫu sản phẩm cùng loại trước đó hoặc tung ra sản phẩm mẫu mã mới, giá mới".

Không chỉ có NTD bức xúc trước tình trạng giá sữa bột ngoại nhập lần lượt tăng giá bán, ngay cả các nhà phân phối cũng nhận ra được điều này. Chính vì vậy, sau đợt một số loại sữa bột điều chỉnh giá bán vào tháng 2.2009, để ngăn chặn làn sóng giá sữa ngoại "leo thang", một số hệ thống phân phối lớn là các siêu thị như hệ thống siêu thị Big C, Coopmart... đã đề nghị các nhà cung cấp sữa cam kết không tăng giá bán sữa đến tháng 5.2009 và phải chứng minh được lý do tăng giá hợp lý khi điều chỉnh giá bán mới.

Bà Dương Thị Quỳnh Trang - Giám đốc đối ngoại hệ thống siêu thị Big C - cho biết: "Để góp phần bình ổn giá, mang lại lợi ích thiết thực cho NTD, với vai trò là nhà phân phối sản phẩm đến NTD, chúng tôi đã đàm phán để có được 7 nhà cung cấp cam kết không tăng giá bán sữa trong một thời gian nhất định, đồng thời thực hiện các chương trình khuyến mãi tặng thêm sản phẩm. Điều này phần nào có tác dụng tích cực trong việc kìm lại đà tăng giá của mặt hàng này".

Tuy nhiên, chị Thảo Trang (đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3) thường xuyên phải mua sữa cho 2 con nhỏ cho rằng: "Việc các siêu thị - những nhà phân phối - đề nghị các nhà cung cấp sữa cam kết không tăng giá sữa trong một thời gian 3-6 tháng, khi điều chỉnh giá mới phải chứng minh được lý do chính đáng như vừa qua là một điều rất đáng hoan nghênh và cần được tiếp tục nhân rộng.

Tuy vậy, các nhà phân phối cũng chỉ có thể dừng bước tăng giá của các nhà cung cấp sữa bột chứ chưa thể nào khiến cho giá sữa bột ngoại nhập giảm đi được. Trong khi đó, thực tế giá nguyên liệu sữa bột trên thế giới trong 1 năm qua đã giảm đi và giá bán sản phẩm sữa bột trên thị trường VN đang rất cao so với các sản phẩm cùng loại bán tại các nước lân cận.

Điều này, những ai đã từng mua sắm tại các nước lân cận đều có thể so sánh và nhận biết được ngay. Vậy, ai mới có thể phá bỏ được thế độc quyền, đưa giá sữa bột ngoại nhập bán tại VN trở về giá trị đích thực và ngang bằng giá bán của thị trường các nước lân cận? Điều này, phải trông cậy vào sự quản lý và điều hành kịp thời của các cơ quan nhà nước".

Ghi nhận tại thị trường hiện nay cho thấy, chưa có dấu hiệu giá sữa bột ngoại nhập "hạ nhiệt". Về phía NTD, bên cạnh một số người có xu hướng "tẩy chay" sữa ngoại khi biết thông tin giá sữa quá cao so với thị trường các nước và giá gốc, hiện vẫn có không ít NTD đã quen với hàng ngoại nên vẫn cố mua sữa đắt tiền cho con.

Theo lý giải của các chuyên gia Trung tâm thông tin Phát triển nông nghiệp - nông thôn (AGROINFO), 3 nguyên nhân khiến cho sữa ngoại giá cao mà vẫn được NTD chọn mua bởi, thứ nhất là về đặc tính của sản phẩm sữa, hương vị và chất liệu tạo nên đặc điểm riêng cho từng sản phẩm, hình thành thói quen sử dụng cho NTD nên khó có thể thay đổi.

Mặt khác, đa số các sản phẩm sữa thành phẩm nhập khẩu tại thị trường VN đều thiết lập và duy trì nền giá cao, do đó rất khó để NTD tìm được sản phẩm thay thế có mức giá cạnh tranh. Và cuối cùng là do thị phần sữa ngoại nhập chiếm tỉ lệ khá cao trên thị trường VN. 

(Theo Lao Động)


Báo cáo phân tích thị trường