Theo kết quả này, có loại sữa ngoại bán ở Việt Nam cao gấp hơn 200% so với giá sữa của các nước có cùng mức sống với chúng ta như Thái Lan, Indonesia... Nghịch lý này đã diễn ra từ nhiều năm nay. Thông tin này đươc bà Vũ Thị Bạch Nga, Trưởng ban Bảo vệ người tiêu dùng, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương), công bố sáng qua tại hội thảo “Giá sữa và vấn đề kiểm soát” do Bộ Công thương tổ chức.
Đắt gấp 200% lần bình thường
Theo bà Nga, qua so sánh với giá sữa được bán ở trong nước, Cục Quản lý cạnh tranh kết luận: Giá sữa bột nguyên hộp nhập khẩu ở Việt Nam so với các nước đang phát triển như Thái Lan, Malaysia, Indonesia nhìn chung là cao hơn từ 20% đến 60%, có trường hợp cao hơn từ 100% đến 220%.
Bà Nga bức xúc: “Mức thuế suất trung bình đối với sữa bột nguyên liệu và nguyên hộp nhập khẩu vào Việt Nam không quá 10%, thấp hơn nhiều so thuế nhập khẩu vào Thái Lan (0%-40% tùy thuộc vào mã hàng và xuất xứ). Tuy nhiên, giá hầu hết các mặt hàng sữa bột nguyên hộp ở Việt Nam cao hơn ở Thái Lan 20%-60%, có trường hợp còn cao hơn 100%. Còn đối với các nước như Indonesia, Malaysia, thuế nhập khẩu sữa ở các nước này so với Việt Nam thấp hơn 0%-5%. Do vậy, giá sữa ở chúng ta chỉ có thể đắt hơn họ tối đa là 10% chứ không thể lên mức 25%-30%, thậm chí lên đến 220%. Đây là điều hết sức bất hợp lý”.
Có hiện tượng hạ giá nhập khẩu
Ông Vương Trí Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP Hà Nội, nhấn mạnh: Phần chênh lệch giá nhập và giá niêm yết của một số loại sữa bột lệch giá khá cao như Enfa Grow A+ của Công ty Mead Johnson loại 900 g chênh lệch 242%; Dugro Gold loại 800 g của Công ty Dumex chênh lệch 285%; Gain, Pedia Sure, Ensure... của Abbott loại 400 g chênh lệch 220%-246%.
Ông Dũng cho rằng: “Việc chênh lệch giá giữa giá nhập và bán lẻ cho thấy doanh nghiệp đã hạ thấp giá nhập khẩu khi tính thuế nhằm gian lận thuế nhập khẩu và thuế thu nhập doanh nghiệp. Đây là việc kiểm soát khá khó khăn vì người xuất và người nhập khẩu đều là của chính hãng. Tuy nhiên, chúng ta có thể kiểm chứng qua giá sữa cùng loại khi báo giá qua một số nước có thuế nhập khẩu sữa bằng 0% như Campuchia”.
Ông Dũng cũng nhận định, vấn đề chênh lệch giá liên quan đến thuế thu nhập doanh nghiệp, doanh nghiệp nhập khẩu và phân phối có thể chuyển một phần chênh lệch giá sang quảng cáo và khuyến mãi, hội thảo... để không phải nộp cho nhà nước và dùng nó để xúc tiến thương mại và cạnh tranh trên thị trường.
Ông Dũng đề nghị: “Để làm rõ việc giá sữa nhập khẩu có bị ghi hạ hay không thì cơ quan thuế, cơ quan kiểm tra sau thông quan của hải quan cần phải kiểm tra chặt chẽ. Việc minh bạch giá nhập thực tế sẽ tạo sự bình đẳng và giảm ngay chênh lệch giá, gian lận thuế. Đồng thời, cơ quan thuế nên xem xét chi phí hợp lý, việc kiểm tra bán hàng phải xuất hóa đơn đúng giá bán, góp phần minh bạch việc chênh lệch giá bán tại các khâu và buộc người hưởng lợi phải nộp thuế thu nhập. Mặt khác, cơ quan quản lý thị trường kiểm tra việc bán hàng có nhãn đúng công bố hay không, phải niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, kiểm tra việc khuyến mãi hàng hóa. Giải quyết vấn đề chênh lệch giá sẽ góp phần làm sáng tỏ và hạn chế tăng giá không bình thường của các công ty nhập khẩu và phân phối.
Theo ông Dũng, giá sữa cao với chất lượng cao còn có thể chấp nhận được nhưng giá sữa cao do chênh lệch giá cao mà nhà nước không thu được thuế, người tiêu dùng bị mua giá cao và là nguồn cạnh tranh... thì cần xem xét có sự tiếp tay, thiếu trách nhiệm của các cơ quan quản lý hay không?
Về vấn đề này, ông Đặng Hoàng Hải, Cục phó Cục Quản lý cạnh tranh, cho biết sắp tới, cơ quan này sẽ phối hợp cùng các cơ quan cạnh tranh của quốc tế điều tra xem có việc độc quyền liên kết có sự thỏa thuận của các nhà nhập khẩu bên nước ngoài không. Nếu chúng ta phát hiện và xử lý mạnh những hành vi vi phạm thì sẽ góp phần hạn chế được việc giá sữa ngoại bán ở Việt Nam cao gấp hơn hai lần giá các nước trong khu vực.
TP. HCM: Kiến nghị quản lý giá sữa bảo vệ người tiêu dùng UBND TP.HCM vừa có văn bản gửi Thủ tướng và các bộ, ngành liên quan đến việc giá sữa cao. Theo đó, kiến nghị Chính phủ và Bộ Tài chính có cơ chế quản lý đối với nhà đầu tư nước ngoài sản xuất, kinh doanh sữa sao cho các đơn vị này không tùy tiện “kê” giá bán sữa, thu lợi nhuận quá lớn, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Cụ thể, TP.HCM kiến nghị đưa sữa ngoại nhập và doanh nghiệp nước ngoài vào diện phải đăng ký giá. Hiện nay, quy định về đăng ký giá chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp có vốn nhà nước chiếm trên 50% chứ không bắt buộc đối với doanh nghiệp tư nhân hay doanh nghiệp nước ngoài. Ngoài ra, hiện chỉ có sữa bột dành cho trẻ dưới sáu tháng tuổi mới phải đăng ký giá, còn các loại sữa khác thì chỉ thuộc diện bình ổn giá chứ không bị bắt buộc phải đăng ký giá.
Nếu phải đăng ký giá, doanh nghiệp có quyền tính toán giá bán nhưng phải tính toán theo nguyên tắc và phương pháp do Chính phủ quy định, đồng thời cũng phải tuân thủ quy chế tính giá của Bộ Tài chính, phù hợp với tiêu chuẩn, quy cách, chất lượng hàng hóa, dịch vụ.
Ngoài ra, UBND TP cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công thương kiểm tra xem có việc lợi dụng vị trí thống lĩnh thị trường của các doanh nghiệp sữa hay không. Nếu các doanh nghiệp thống lĩnh thị trường mà gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì cần có biện pháp xử lý, buộc doanh nghiệp hạ giá bán, xác định lại mặt bằng giá hợp lý, có lợi cho người tiêu dùng. |