Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Sắp mạnh tay kềm giá sữa
08 | 09 | 2009
Sau khi thanh tra giá sữa sẽ rà soát sửa đổi các quy định. Từ ngày 28-9, giảm thuế nhập khẩu sữa.

Ngày 5-9, trao đổi với Pháp luật TP.HCM, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu cho biết Bộ Tài chính đang phối hợp với Bộ Công thương thanh tra giá sữa tại các doanh nghiệp trên cả nước. Sau khi có kết quả này, các bộ liên quan sẽ rà soát và sửa đổi các văn bản hiện hành. Dự kiến, đến cuối tháng 9, các cơ quan chức năng sẽ đưa ra giải pháp đủ mạnh để ngăn chặn việc giá sữa trong nước cao nhiều so với thế giới.

Các hãng sữa ngoại đã lách luật

Ông Trần Văn Hiếu nhấn mạnh: Quan điểm của Bộ Tài chính là kiên quyết xử lý những trường hợp nâng giá để thu lợi bất hợp lý. Mới đây, Bộ Tài chính đã kiểm tra và truy thu thuế hàng loạt mặt hàng sữa đã không giảm giá bán khi thuế đã hạ.

Ông Hiếu cũng khẳng định việc sử dụng giải pháp truy thu thuế cũng chỉ là góp phần giải quyết việc tăng giá bán bất hợp lý chứ chưa giải quyết được tận gốc của việc giá sữa trong nước tăng cao vô lý như trong thời gian qua.

Trong báo cáo trình Chính phủ mới đây, Bộ Tài chính có nhấn mạnh đến một nguyên nhân khiến giá sữa trong nước bị làm giá là do sữa ngoại hiện chiếm 72% thị phần trên thị trường. Một số hãng sữa lại độc quyền trong nhập khẩu và phân phối sữa trên thị trường Việt Nam. Những hãng này thường áp đặt giá cao trong khi giá vốn sữa nhập khẩu của một số loại chiếm tỷ trọng khá lớn trong cơ cấu giá bán. Trong đó, sữa bột nguyên liệu chiếm 56%-67% giá thành sản phẩm; sữa bột nguyên hộp có giá vốn nhập khẩu chiếm 89%-91% giá vốn hàng bán ra trên thị trường.

Bên cạnh đó, Cục Quản lý giá cho biết theo kết quả thanh tra của hơn 50 sở Tài chính các địa phương, có khá nhiều doanh nghiệp sữa đã chi các khoản chi phí bán hàng (đặc biệt là chi hoa hồng, quảng cáo, khuyến mãi...) quá lớn, vượt quá quy định 10% của Bộ Tài chính.

Đơn cử Công ty TNHH Thông Thịnh phân phối sữa Mead Johnson chi tới 56,37%; Công ty cổ phần Sữa Việt Nam chi 22%; Công ty cổ phần Dinh dưỡng Đồng Tâm chi 22%... Chính nguyên nhân này góp phần đáng kể cho việc giá sữa ngoại bán trong nước tăng cao trong thời gian qua.

Về vấn đề này, ông Hiếu cũng thừa nhận pháp luật hiện hành chỉ cho phép các hãng sữa trong nước sử dụng tối đa 10% doanh thu dành cho quảng cáo. Thế nhưng đối với các hãng sữa nước ngoài, chúng ta lại chưa có quy định họ được phép chi phí quảng cáo là bao nhiêu khi tham gia thị trường Việt Nam. Do vậy, các hãng sữa ngoại đã lách luật. Đó là cái khó khăn mà chính sách của chúng ta chưa lường hết được.

Do vậy, trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu và sửa đổi quy định này, cần thiết sẽ phải sửa cả Pháp lệnh Giá, nghị định về quản lý giá... Quan điểm của Bộ Tài chính là kiên quyết không thể để các hãng sữa làm mưa làm gió trên thị trường.

Điều tra việc nâng giá từ nước ngoài

Bộ Tài chính cũng chỉ đạo Tổng cục Hải quan tăng cường công tác quản lý giá đối với mặt hàng sữa nhập khẩu. Cụ thể, đưa sữa nguyên liệu và sữa thành phẩm vào danh mục các mặt hàng trọng điểm cần tập trung quản lý giá. Tổ chức thu thập các thông tin về từng loại sữa để xây dựng mức giá kèm theo danh mục trọng điểm, qua đó xác định dấu hiệu nghi vấn, tổ chức tham vấn và xác định giá trị ngay tại khâu thông quan hàng hóa.

Song song với việc so sánh, đối chiếu giá trị khai báo của từng lô sữa nhập khẩu với cơ sở dữ liệu giá để xác định các lô hàng nghi vấn về mức giá, cơ quan hải quan thực hiện thu đủ thuế theo quy định nhằm hạn chế hiện tượng gian lận thương mại qua giá.

Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan thì thực tế khó khăn hiện nay là có nhiều lô hàng sữa nhập khẩu tại Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Bình Dương... có giá trị khai báo thấp so với các lô cùng loại nhập khẩu trước đó.

Tuy nhiên, ông Hiếu cũng băn khoăn rằng khó khăn trong công tác quản lý giá sữa hiện nay là việc phát hiện xem có dấu hiệu câu kết giá từ nước ngoài. Nếu giá sữa ngoại được nâng giá trước khi nhập vào Việt Nam thì sao? Thực tế là chúng ta chưa có kinh nghiệm trong việc này. Mặt khác, việc so sánh giá sữa giữa thị trường các nước rất khó chính xác bởi tiêu chí và chất lượng sản phẩm khác nhau, cũng như các yếu tố khác tác động đến giá sữa cũng khác nhau.

Từ ngày 28-9, giảm thuế nhập khẩu sữa

Thuế nhập khẩu một số loại sữa sẽ đồng loạt giảm 3%-7% xuống còn 3%-5%. Cụ thể, các loại sữa và kem cô đặc (đã hoặc chưa pha thêm đường hoặc chất ngọt khác) sẽ có thuế suất mới 3%. Thuế suất 5% cũng áp dụng đối với các sản phẩm dinh dưỡng y tế, các chế phẩm khác từ đậu nành dùng cho y tế... Đây là nội dung của Thông tư 162 về việc sửa đổi thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng sữa trong biểu thuế nhập khẩu ưu đãi vừa được Bộ Tài chính ban hành.

Bộ Tài chính cho rằng việc giảm thuế nhập khẩu sữa sẽ tạo điều kiện cho người tiêu dùng trong nước mua được những sản phẩm có chất lượng tốt hơn. Bởi nếu mức thuế sữa được nhập về từ ASEAN bằng với châu Âu thì nhà nhập khẩu sẽ nhập sữa từ châu Âu, nơi sữa có chất lượng đảm bảo.

Nguyên liệu nhập hạ, giá sữa trong nước vẫn tăng

Theo Bộ Tài chính, đầu năm 2009, mặc dù giá nguyên liệu sữa bột nhập khẩu trên thị trường thế giới đã giảm khoảng 13,8%-43% nhưng các doanh nghiệp vẫn giữ nguyên mức giá, thậm chí có doanh nghiệp tiếp tục tăng giá. Đơn cử: Công ty cổ phần Sữa Việt Nam tăng giá 21 sản phẩm 1,5%-10,8%; Công ty 3A phân phối sữa bột Abbott tăng giá ba đợt, mỗi đợt bình quân 4%-7,8% cho trên 20 sản phẩm sữa...

Tháng 4-2009, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) có phối hợp với Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam ở Thái Lan, Malaysia, Indonesia... khảo sát giá 100 loại sữa khác nhau thuộc 10 hãng sữa. So sánh giá sữa ở các nước trên với giá sữa tại thị trường trong nước cho thấy giá sữa bột nguyên hộp nhập khẩu ở Việt Nam nhìn chung là cao hơn 20%-60%, có trường hợp cao hơn 100%-150%.



Theo www.phapluattp.vn
Báo cáo phân tích thị trường