Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thị trường Sữa: Cuộc chiến của chất lượng và công nghệ
03 | 08 | 2010
Xu thế hội nhập, nhân lực rẻ hay nguồn tài nguyên dồi dào chỉ là một trong số những yếu tố có tính khởi động ban đầu nhằm chiếm lĩnh thị trường.

Vấn đề then chốt để tạo nên thành công lâu dài chính là chất lượng và công nghệ. Xin lấy mặt hàng sữa làm ví dụ.

Lượng tiêu thụ sữa của người Việt nam còn rất thấp. Bình quân mỗi năm người Pháp dùng tới 130 kg sữa, Thái Lan là 25 kg, nhưng Việt Nam con số này là 9 kg. Tuy nhiên, do chúng ta chỉ tự túc được khoảng 1/4 nhu cầu sữa, còn lại ¾ phải nhập khẩu, nên giá cả thị trường cũng phụ thuộc nhiều vào sữa nhập khẩu.

Trên thị trường, có tới hàng trăm nhãn hiệu, không dễ để phân biệt đâu là sữa tươi hay là sữa nước, sữa bò chế biến hay là sữa bột cho trẻ nhỏ theo đúng tiêu chuẩn Codex quốc tế. Giá cả cũng rất đa dạng tùy theo nhãn hiệu và chất lượng. Sản phẩm chất lượng tốt, dĩ nhiên giá không thể rẻ, nhưng do ở ta chưa có cơ chế hậu kiểm tốt dẫn đến có nhiều sản phẩm giá cả không tương xứng với chất lượng.

Giá sữa tươi tại siêu thị Wal-Mart ở Mỹ khoảng 0,9 USD/1 lít hay 17.200 đồng. Ở Việt Nam đắt hơn một chút, độ 21.000-23.000 đồng/lít. Tuy nhiên, chất lượng sữa tươi ở Việt Nam không khỏi lo ngại. Hội thảo “Thực trạng chất lượng sữa tươi” do Bộ Công thương tổ chức vào giữa tháng 7 cho biết đang có ít nhất 40% lượng sữa tươi tiệt trùng ở Việt Nam không phải là “100% sữa tươi nguyên chất” như quảng cáo. Lý do là vì năm 2009, tổng lượng sữa tươi đàn bò cả nước khoảng 270 triệu lít, trong khi đó lượng sữa tươi mà các doanh nghiệp sản xuất sữa đưa ra thị trường lên đến 452,8 triệu lít. Cách để bù đắp lượng thiếu hụt này là mua sữa bột nguyên liệu giá rẻ (độ 2000 USD/tấn) pha với nước giả làm sữa tươi. Với cách làm gian dối như vậy, họ kiếm được nhiều lợi nhuận từ việc móc túi người tiêu dùng. Đồng thời, họ lại ép nông dân phải bán sữa tươi cho họ với giá rẻ chỉ khoảng 7000đ/lít. Vì vậy, không ngạc nhiên khi người tiêu dùng tín nhiệm sữa tươi của những doanh nghiệp có các cơ sở chăn nuôi bò sữa thực sự như Mộc Châu, Ba Vì.... Cơ quan quản lý có biết, nhưng do chế tài xử lý quá nhẹ, lại vướng nhiều rào cản, nên cũng đành bó tay!

Về nguyên liệu sữa bột trên thị trường cũng có nhiều loại với nhiều mức giá. Chẳng hạn giá sữa bột nguyên kem loại tốt của New Zealand tháng 8/2008 là 4800 USD/tấn trong khi đó giá sữa bột nguyên kem của Trung Quốc chỉ bằng nửa (2400 USD/tấn). Đáng buồn là tại thị trường Việt Nam, vẫn có công ty mua những loại nguyên liệu giá rẻ này trộn thêm với vài vi chất rồi đóng gói thật đẹp để bán, cũng gọi là sữa bột, dẫn đến tình trạng sữa bột thiếu đạm, không đủ các chất dinh dưỡng như công bố xảy ra thường xuyên. Việc xử lý chỉ là xử phạt vi phạm hành chính, không đủ sức răn đe để các doanh nghiệp làm ăn gian dối chùn tay.

Thị trường sữa bột cho trẻ em Việt Nam đang được chia sẻ bởi các nhãn hiệu chính như Abbott (khoảng 23%), Vinamilk (khoảng 17%), Mead Johnson (khoảng 15%)... Giá các nhãn hiệu sữa cao cấp của Abbott tại Việt Nam, mặc dù đắt hơn sữa của Vinamilk nhưng so với giá cùng loại đang bán tại nhiều nước trong khu vực thường thấp hơn học tương đương. Tuy vậy, cũng có một số nhãn hiệu của một số công ty ở các nước xung quanh bán giá rất rẻ nhưng khi nhập khẩu vào Việt Nam lại có giá rất đắt như báo chí đã từng nêu.

Về các nhãn hiệu sữa của Việt Nam, với ưu thế giá rẻ, mặc dù gần đây tăng trưởng thị phần nhanh chóng nhờ vào sự ủng hộ “dùng hàng Việt” của người tiêu dùng nhưng nếu không cải thiện về chất lượng thì sẽ không thể cạnh tranh lâu dài. Cách làm ăn chụp giật, thậm chí tạo ra cả những nghiên cứu phi lý tuy có đem lại thị phần nhất thời nhưng sẽ không thể bền vững.

Do vậy, để chiếm lĩnh thị trường trong nước, các doanh nghiệp cần phải đổi mới mạnh mẽ về chất lượng và công nghệ, cũng như ý thức làm việc nghiêm túc và kỹ năng quản lý tốt mới có thể chiến thắng trong bối cảnh nước ta đang hội nhập WTO mạnh mẽ. Đồng thời, nhà nước cũng phải tăng cường công tác hậu kiểm về chất lượng, phạt thật nặng những công ty vi phạm về chất lượng hay quảng cáo gian dối, phổ biến rộng rãi thông tin về giá cả của các nước xung quanh cho người tiêu dùng, đồng thời mở cửa thị trường sữa bột mạnh mẽ hơn nữa để tạo sự cạnh tranh thì mới có thể làm lành mạnh được thị trường sữa hiện nay.

Trong khi chờ đợi các biện pháp hữu hiệu từ cơ quan quản lý, người tiêu dùng cần luôn thật tỉnh táo, phân biệt thật giả, để có thể chọn được đúng những sản phẩm tốt thực sự, xứng đáng với đồng tiền mình bỏ ra, để là “người tiêu dùng thông minh”.



Theo Dân trí
Báo cáo phân tích thị trường