Theo bà Liên, sản phẩm "sữa tươi tiệt trùng nguyên chất" của công ty này có nguyên liệu chế biến là 99% sữa tươi nguyên chất. Hàng ghi nhãn "sữa tươi tiệt trùng" có 70-80% hàm lượng sữa bò tươi, còn lại là các nguyên liệu khác. "Như vậy, Vinamilk không hề có sự gian lận về chất lượng sản phẩm đối với khách hàng của mình mặc dù không công bố hàm lượng nguyên liệu", bà Liên nhấn mạnh.
Bà Liên cho rằng, cả quy định quốc tế lẫn VN đều không bắt buộc ghi định lượng thành phần nguyên liệu trên bao bì vì là bí mật công nghệ của doanh nghiệp nên công ty không công bố. Trên thị trường, Vinamilk là nhãn hiệu nổi tiếng với rất nhiều sản phẩm sữa tươi nguyên chất, sữa tươi tiệt trùng, sữa tươi tiệt trùng vị dâu, chocolate... Tất cả sản phẩm đều không ghi thành phần nguyên liệu.
Không công bố thành phần nguyên liệu nhưng bà Liên bảo đảm "ghi thành phần dinh dưỡng thế nào bảo đảm chất lượng đúng như thế". Tuy nhiên, sau những phản ứng của người tiêu dùng, từ 30/8 năm tới, Vinamilk sẽ công bố hàm lượng nguyên liệu.
Số liệu của Vinamilk cũng cho thấy, đến tháng 9, công ty thu mua được 68 triệu lít sữa nguyên liệu, nhưng riêng sản phẩm sữa tươi nguyên chất và sữa tươi tiệt trùng đã là 79 triệu lít thành phẩm.
Nhãn hiệu sữa khác cũng bị văng mảnh
Mới đây, trả lời phỏng vấn một tờ báo lớn ở phía Nam, một quan chức có trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn nêu một số tên doanh nghiệp chế biến sữa tươi được xem là 100% dùng sữa bột pha chế sữa tươi, trong đó có tên Nutifood. Lập tức doanh số bán hàng của đơn vị này sụt giảm nhanh. Ban giám đốc công ty nhảy dựng lên vì cho rằng oan "Thị Kính".
Đại diện Nutifood cho hay, ngoài việc đảm bảo đăng ký chất lượng sản phẩm và bao bì theo quy định, quan trọng là công ty này không ghi nhãn là sữa tươi, mà thể hiện rõ là sữa tiệt trùng. Giải thích của Nutifood, các sản phẩm sữa tiệt trùng (công nghệ UHT), thường được gọi là sữa nước (liquid milk), khác với sữa tươi.
Trong khi đó, là đơn vị duy nhất sản xuất các sản phẩm sữa tươi nguyên chất, Giám đốc Công ty sữa Mộc Châu Trần Công Chiến không khỏi bức xúc trước việc các sản phẩm sữa ghi không nhãn mác. Ông cho rằng, đó là hành vi phạm luật và biểu hiện của kiểu cạnh tranh không lành mạnh.
Theo ông, ở các nước, người ta không cấm việc sản xuất sữa hoàn nguyên. Tuy nhiên, một khi sản phẩm được lưu thông ra thị trường thì cần có sự giám sát về chất lượng và phải ghi rõ nhãn mác xuất xứ, bởi quy trình sản xuất sữa hoàn nguyên và sữa tươi thanh trùng rất khác nhau.
"Tôi thấy nhiều doanh nghiệp quảng cáo là sữa của họ bổ sung thành phần vitamin hay axit amin này nọ nhưng trên thực tế việc kiểm soát các chất phụ gia có trong sữa hay những thành phần bổ sung rất khó", ông nói.
Quy trình sản xuất sữa tươi Mộc Châu: Để đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, Công ty bao tiêu cả nông trường chăn nuôi bò. Cứ 2-3 km lại có một trạm thu mua sữa nhằm đảm bảo sữa được duy trì ở nhiệt độ vừa phải. Khi sữa được vắt, nhiệt độ luôn duy trì ở mức 35-37, chính vì thế nếu không đưa vào kho bảo quản (2-4 độ) thì sản phẩm này chỉ giữ được chưa đầy 3 giờ là hỏng, đồng thời các khâu từ vắt sữa đến chế biến sản phẩm phải theo quy trình khép kín. |
Ông Chiến cho biết, trước đó Mộc Châu cũng chế biến một số sản phẩm từ sữa bột và nhận thấy khi xử lý ở nhiệt độ cao, một số chất bị biến dạng. Đối với sữa bột khi chế biến có thể sử dụng công thức hòa với nước hoặc dung môi, đồng thời trong quá trình chế biến, các nhà sản xuất bắt buộc phải cho thêm hương liệu để tạo mùi hấp dẫn.
"Lâu nay chúng tôi vẫn thắc mắc, thậm chí đã kiến nghị một số cơ quan tiến hành kiểm tra việc tại sao VN chỉ sản xuất được khoảng 2% nguyên liệu sản xuất sữa tươi, vậy mà các sản phẩm sữa tươi tuyệt trùng lại xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường", ông nhấn mạnh.
Sữa ghi sai nhãn mác là đánh lừa người tiêu dùng
Ngay tại buổi thanh minh về chất lượng sữa tươi của Vinamilk chiều nay, Cục phó Cục an toàn vệ sinh thực phẩm Nguyễn Thanh Phong khẳng định, nếu doanh nghiệp sử dụng bột sữa chế biến nhưng ghi trên mác sữa tươi tiệt trùng thì đấy là hành vi gian lận thương mại.
Trao đổi với VnExpress, Tổng cục trưởng Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng VN Bùi Quý Việt nhấn mạnh: "Việc bán sữa hoàn nguyên, song lại ghi nhãn "sữa tươi" là đánh lừa người tiêu dùng. Chính vì vậy trong quá trình thanh tra nếu phát hiện đơn vị nào vi phạm sẽ tiến hành xử lý nghiêm".
Còn nhìn nhận dưới góc độ của người tiêu dùng, Chủ nhiệm Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng phía Nam Nguyễn Nam Vinh cho biết, hiện nay còn rất nhiều ý kiến tranh cãi quanh các khái niệm về sữa thanh trùng, sữa hoàn nguyên hay sữa tiệt trùng, chất phụ gia nào được phép pha chế vào sữa... Thậm chí sản phẩm nào phù hợp với lứa tuổi, đối tượng người tiêu dùng cũng vẫn chưa có khái niệm cụ thể. Chính vì thế, ông Vinh đề nghị các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc để làm rõ nhằm hướng người tiêu dùng cách thức chọn lựa sản phẩm sao cho phù hợp với túi tiền.
"Chúng tôi đang tổ chức lấy ý kiến của các chuyên gia về vấn đề này. Còn việc doanh nghiệp nào làm sai, vi phạm ở điểm nào, quyền lợi của người tiêu dùng đến đâu thì cần phải chờ kết quả thanh tra của Đoàn thanh tra liên ngành", ông Vinh nói.
Theo ông Nguyễn Việt Cường, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội, về cơ bản việc thanh tra các cơ sở chế biến sữa tiến hành hồi cuối tháng 9 đã hoàn tất. Tuy nhiên, ông Cường lấy lý do vấn đề khá nhạy cảm và các đơn vị đang trong quá trình tập hợp kết quả nên từ chối tiết lộ thông tin liên quan đến những đơn vị vi phạm quy định về chất lượng nhãn mác.
Ông Trần Quang Trung, Chánh thanh tra Bộ Y tế, thông báo tuần tới sẽ có kết quả thanh tra sơ bộ về chất lượng sữa. "Sữa là mặt hàng có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của người tiêu dùng nên chúng tôi hứa sẽ làm nghiêm và công bố thông tin về những đơn vị vi phạm lên các phương tiện thông tin đại chúng", ông Trung nói.