Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giá sữa ngoại cao chót vót
26 | 06 | 2009
Nếu trừ thuế và tất cả các chi phí khác, giá hợp lý của sữa ngoại chỉ cao hơn sữa nội 10% - 15% nhưng thực tế giá đang cao hơn hai lần

Mặc dù giá nguyên liệu sữa trên thế giới giảm mạnh (giảm khoảng 60% so với năm 2007) nhưng theo thống kê sơ bộ, từ đầu năm 2008 đến nay giá nhiều loại sữa vẫn tăng trên dưới 20%.


Đánh vào tâm lý “sính” ngoại


Thông tin sơ bộ từ kết quả kiểm tra của cơ quan chức năng tại TPHCM đang thực hiện đối với các đơn vị sản xuất, kinh doanh mặt hàng sữa trên địa bàn TPHCM cho thấy đã có sự chênh lệch quá lớn giữa giá gốc và giá bán lẻ sữa. Một số hãng sữa ngoại đã đẩy giá bán cho người tiêu dùng tăng hơn gấp 2 lần so với giá vốn.

Chẳng hạn: mặt hàng sữa E. loại 900 g giá vốn chỉ khoảng 110.000 đồng nhưng nhà sản xuất (công ty M.) bán cho đơn vị phân phối lên đến hơn 200.000 đồng/hộp và yêu cầu nhà phân phối  bán cho người tiêu dùng với mức giá hơn 270.000 đồng/hộp. Hay như sữa E. loại 1,8 kg, giá vốn chỉ hơn 200.000 đồng/hộp, bán cho nhà phân phối giá trên 360.000 đồng/hộp và khi đến tay người tiêu dùng giá bị đẩy lên đến hơn 500.000 đồng/hộp...


Theo ông Huỳnh Hữu Tuấn, quản lý siêu thị Citimart, mặc dù sữa ngoại giá cao gấp 2-3 lần sữa nội (sữa Dielac của Vinamilk chỉ hơn 60.000 đồng/hộp 400 g) nhưng sức mua của các loại sữa ngoại (đặc biệt là sữa Abbott) vẫn cao gấp 2-3 lần sữa nội. 


Giá sữa ngoại tại thị trường TPHCM đang cao đến mức phi lý. Ảnh: H.THÚY


Theo kết quả nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng Việt Nam, không có sự khác biệt về chất lượng giữa sữa nội và sữa ngoại, nhất là các thành phần chất đạm, chất béo, vitamin, khoáng chất... Theo tính toán của ông Trần Bảo Minh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Vinamilk:

Sữa ngoại bán tại Việt Nam, nếu trừ thuế và tất cả các chi phí khác, có giá cao hơn sữa nội 10% - 15%, tương ứng với mức giá trên 130.000 đồng/hộp 900 g là hợp lý. Tuy nhiên, đánh vào tâm lý “sính” ngoại của người tiêu dùng Việt Nam, các hãng sữa ngoại cho thêm các chất DHA – ARA, vitamin, Prebiotic... biến sữa bột bình thường thành sữa công thức và bán với giá cao gấp đôi giá gốc. Thực tế, các chất này có tác dụng như thế nào đến việc bổ sung dinh dưỡng, tăng sức đề kháng, tăng sự phát triển cho trí não trẻ... thì không cơ quan nào kiểm chứng.


Cơ quan quản lý chưa kiểm soát chặt


Ông Nguyễn Mộng Hùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TPHCM, bức xúc: Theo tính toán của chúng tôi, trung bình mỗi tháng trẻ uống 4 hộp sữa 900 g, nếu mua sữa ngoại phải tốn trên 1.400.000 đồng, trong khi mua sữa nội chỉ mất khoảng 600.000 đồng.

Thực tế hiện nay, nhà sản xuất sữa nước ngoài thường chọn một nhà phân phối độc quyền tại Việt Nam, những doanh nghiệp phân phối sữa thành phẩm bán hàng theo giá của nhà nhập khẩu độc quyền và hưởng hoa hồng. Chính điều này tạo nên thế độc quyền, các hãng sữa bắt tay với nhà phân phối để làm giá.

Ông Hùng cho biết, hiện nay doanh nghiệp tự định giá mà không phải chịu bất kỳ sự chi phối nào của cơ quan Nhà nước. Cơ quan chức năng chưa kiểm soát được giá nhập khẩu sữa bột thành phẩm đã hợp lý hay chưa. Các công ty này khai báo thế nào, cơ quan quản lý chấp nhận thế ấy mà không tham chiếu từ giá sữa bột kinh doanh ở nước ngoài...


Về phía người tiêu dùng, lâu nay nhiều người vẫn “kêu” sữa ngoại đắt đỏ nhưng thay vì mua sữa nội (tiết kiệm được hơn 50% chi phí) vẫn đua nhau tự nguyện cho các hãng sữa ngoại “móc túi”. Đây cũng là lý do giúp sữa ngoại giá “trên trời” nhưng vẫn sống khỏe.

Ông Phạm Ngọc Châu, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm Hanco:

Kích giá bằng sản phẩm mới

 Do “dội bom” quảng cáo nên các mặt hàng sữa ngoại thu hút người tiêu dùng. Cứ khoảng vài ba tháng, các hãng sữa lại tung ra hàng mới, với mức giá tăng khoảng 5%- 10%. Để hợp thức hóa cho việc tăng giá, họ liên tục tung quảng cáo rầm rộ nào là đưa thêm chất này, chất nọ, hoặc tăng hàm lượng lên gấp 4, gấp 5 lần. Thực chất các loại dưỡng chất, chất bổ sung chỉ chiếm một tỉ lệ không đáng kể trong giá thành (mỗi hộp sữa chỉ tốn khoảng 2.000 đồng cho các chất dưỡng chất). Việc lợi dụng các chất bổ sung để tăng giá bán là rất bất hợp lý nhưng nhiều người tiêu dùng không biết điều này.

 

Ông Lê Xuân Đài, Chi Cục phó Chi cục QLTT TPHCM:

Cần phải có biện pháp chế tài

Giá sữa quá cao ai cũng biết. Do đó cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc, đoàn liên ngành kiểm tra giá sữa do Sở Tài chính chủ trì kết hợp với Sở Y tế, Sở Công Thương TPHCM tiến hành kiểm tra từ đầu năm đến nay. Tình hình kiểm tra giá sữa vừa qua cho thấy có nhiều bất hợp lý, trong đó có những nguyên liệu tăng đến 200% là bất bình thường. Cần phải có biện pháp chế tài. Đầu vào, đầu ra đối với mặt hàng này khá rõ ràng. Các công cụ thuế có thể điều chỉnh được mức lợi nhuận bất hợp lý từ giá sữa quá cao như hiện nay. Hiện Sở Tài chính đang chuẩn bị báo cáo gửi Chính phủ, cũng như các bộ để có biện pháp xử lý.



Nguồn: www.nld.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường