Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nghịch lý giá sữa ở Việt Nam: Cơ quan chức năng chưa làm hết trách nhiệm
17 | 06 | 2009
Bộ Tài chính cần phân tích các báo cáo tài chính của các công ty sữa để biết giá cả thực tế; Bộ Công thương thông qua các cơ quan đại diện ở nước ngoài để biết giá sữa thành phẩm trên thị trường thế giới. Nhưng các cơ quan này dường như đã không làm như vậy.

Theo ông Nguyễn Đăng Vang – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học-Công nghệ và Môi trường của Quốc hội các kết quả nghiên cứu, phân tích của hai cơ quan này sẽ giúp cho việc quản lý giá cả trong nước hợp lý, tránh được những thiệt thòi như thời gian qua cho người tiêu dùng.

Trao đổi với VOVNews, ông Nguyễn Đăng Vang cho biết: Từ tháng 11/2007 giá nguyên liệu sữa trên thế giới trung bình là 5.000 USD/tấn, đến tháng 2/2009 chỉ còn 2.000 USD/tấn. Giá nguyên liệu trên thế giới hạ xuống 2,5 lần, còn thuế và các chi phí khác vẫn giữ như cũ. Giá sữa tăng lên là không hợp lý, cần được xem xét, nghiên cứu cẩn trọng để bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng.

Quảng cáo, chỉ dẫn đánh lừa người tiêu dùng

PV: Theo ông, việc xem xét phải bắt đầu từ đâu và yếu tố nào là chính?

Ông Nguyễn Đăng Vang: Có nhiều yếu tố phải nghiên cứu, cách tốt nhất là chúng ta phải nhìn nhận giá trên thị trường thế giới như thế nào đối với các sản phẩm sữa. Trách nhiệm này thuộc về Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) và Cục Quản lý giá cả (Bộ Tài chính) nghiên cứu, thông qua đại diện nước ngoài để biết được giá lên hay xuống. Theo tôi, giá sữa rất khó tăng vì sức mua giảm do khủng hoảng kinh tế, đồng thời giá nguyên liệu giảm xuống 2,5 lần.

Một lý do nữa là một số mặt hàng sữa nội được làm thủ công, mức protein thấp. Sữa nước sấy khô lại thì phải đạt tỷ lệ protein 25% nhưng cơ thể con trẻ chỉ hấp thu được 15-16% protein và phải được như vậy mới là sữa tốt. Trong khi đó, sữa của một số cơ sở sản xuất chỉ đạt 5-6% protein, thậm chí là 1%. Điều này đã làm mất lòng tin người tiêu dùng nên họ mua hàng ngoại cho “chắc ăn”.

PV: Theo ông, trong trường hợp này thông tin tiêu dùng tác động như thế nào đến hành vi mua sắm của người dân?

Ông Nguyễn Đăng Vang phát biểu ý kiến tại kỳ họp Quốc hội

Ông Nguyễn Đăng Vang: Hầu hết các quảng cáo sữa hiện nay đều khẳng định cho trẻ em ăn sữa có DHA, nhiều khoáng chất khác… tạo cho người mua hy vọng là bỏ chút tiền ra thì có lợi cho tương lai. Điều này giống như giáo dục vậy, trả tiền cho con đi học bây giờ mong trong tương lai các em có nghề nghiệp, thu nhập cao.

Điều đầu tiên nói đến quyền lợi người tiêu dùng với một mặt hàng nào đó không phải là giá mà là chất lượng. Người tiêu dùng bao giờ cũng thích sữa tươi. Vì thế, tất cả các hãng đều quảng cáo là 100% sữa tươi, chứ không quảng cáo là sữa bột. Nhưng thực tế, trong nước chỉ đáp ứng được 28% sữa tươi, còn 72% là nhập khẩu. Vậy không thể có hoàn toàn là sữa tươi nếu trong nước không sản xuất. Còn nếu nhập khẩu thì không thể vận chuyển về Việt Nam được. Vì sữa tươi sau khi vắt ra phải bảo quản ở nhiệt độ từ 3-4 độ C và trong vòng 2 ngày phải chế biến. Thế nên chúng ta nhập sữa từ nước ngoài về Việt Nam, lênh đênh trên biển mất 1 tuần thì không thể có sữa tươi để chế biến được. Nếu chở bằng máy bay thì mỗi kg sữa tươi có giá khoảng 5 USD (khoảng 80.000 đồng/lít). Trong khi đó, mỗi lít sữa tươi ở Việt Nam được bán với giá 7.000 đồng. Về nguyên lý thì ở Việt Nam không có sữa tươi nhập khẩu.

Vẫn chưa sử dụng luật pháp để can thiệp

PV: Thực tế này có chịu sự can thiệp của pháp luật hay không, thưa ông?

Ông Nguyễn Đăng Vang: Trong Luật Cạnh tranh có điều khoản ngăn chặn việc tuyên truyền, quảng cáo không đúng, chỉ dẫn sai khiến người tiêu dùng hiểu sai.

Hơn nữa, Luật Cạnh tranh cũng qui định, cùng một mặt hàng (chẳng hạn sản phẩm cho trẻ từ 1-3 tuổi) nếu ai đó chiếm hơn 30% thị phần hay các bên kết hợp (cấu kết) với nhau để có được vị trí thống lĩnh trên thị trường thì cũng bị ngăn cấm. Chính vì thế, Cục Quản lý cạnh tranh, Cục Quản lý giá cả phải xem các nhãn sữa này có thống lĩnh không, có chỉ dẫn quá mức không để can thiệp.

PV: Giá nguyên liệu sữa đã giảm cách đây 2 năm nhưng các cơ quan quản lý lại dường như không có biện pháp gì để bảo vệ người tiêu dùng. Liệu có phải cách quản lý của chúng ta hiện đang có vấn đề?

Ông Nguyễn Đăng Vang: Đúng là vấn đề này chưa được các cơ quan chức năng của Việt Nam nghiên cứu cẩn thận. Vào tháng 6-7/2007, Bộ Tài chính có đề nghị giảm thuế nhập khẩu sữa xuống để giá cả trong nước giảm theo, mang lại quyền lợi cho người tiêu dùng. Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp đề nghị không giảm (vì trong WTO thì qui định là thuế nhập khẩu sữa là 30% còn sữa nguyên liệu là từ 10-15% tuỳ thuộc vào từng loại khác nhau có những sắc thuế khác nhau). Các nghiên cứu trên thế giới đều khẳng định là mỗi nước phải tự túc được ít nhất 40% sữa (Việt Nam hiện tự túc được 28%) thì mới đạt được yêu cầu.

Hạ thuế nhập khẩu xuống thì việc sản xuất sữa tươi trong nước sẽ bị đe doạ. Thế nhưng, Bộ Tài chính lúc đó lại tính giảm thuế trong WTO xuống nên số lượng đàn bò giảm theo, người nông dân bỏ nuôi bò, vì không bán được sữa, còn các doanh nghiệp nhập sữa bột về hoàn nguyên chứ không dùng sữa tươi nữa. Trong khi đó, người tiêu dùng lại cần sữa tươi. Điều này là ngược với nhu cầu người tiêu dùng. Trong tam giác: nhà chăn nuôi, nhà chế biến-kinh doanh và người tiêu dùng hiện chúng ta mới chỉ quan tâm đến 1 người (nhà kinh doanh) là chưa đủ.

PV: Theo ông, để bình ổn giá sữa theo đúng giá thị trường thì chúng ta phải làm gì?

Ông Nguyễn Đăng Vang: Nhà nước phải vào cuộc. Về nguyên tắc, mỗi năm khoảng 4 lần (cuối quí), các cơ quan quản lý Nhà nước nhận được báo cáo của các doanh nghiệp về tình hình kinh doanh. Bản thân Bộ Tài chính có thể phân tích được báo cáo ấy một cách rành mạch (theo Luật pháp, quan chức của Bộ Tài chính, kể cả nhân viên không được phép để lộ thông tin và dèm pha doanh nghiệp). Vấn đề là các cơ quan này phải cập nhật thông tin và tính toán được giá cả hợp lý của sản phẩm để quản lý thị trường.

PV: Thế nhưng Bộ Tài chính nói rằng chúng ta đang trong cơ chế thị trường nên Nhà nước không thể can thiệp vào giá sữa?

Ông Nguyễn Đăng Vang: Đúng là Nhà nước không được can thiệp vào giá. Thế nhưng, Luật Cạnh tranh qui định là nếu chỉ dẫn sai để người tiêu dùng bị ngộ nhận thì đã là vi phạm.

Đây là mặt hàng nhạy cảm, liên quan đến tương lai một dân tộc thì Nhà nước phải đứng ra quản lý. Và nếu đưa lên một giá quá cao thì Nhà nước có thể can thiệp. Bộ Tài chính, Công thương chỉ cần nhìn vào các báo cáo tài chính thì biết được giá thực của sữa. Chúng ta hơi cứng nhắc trong một số vấn đề, tưởng như thế là bình đẳng, là công bằng, nhưng thực tế ở đây là không công bằng với người tiêu dùng.

Người tiêu dùng tự chuộc lấy thiệt thòi…

PV: Hiện có dự báo là giá sữa vẫn có xu hướng tăng. Điều này có phải là một sự thách thức người tiêu dùng vì không còn sự lựa chọn nào khác?

Ông Nguyễn Đăng Vang: Tôi nghĩ các hãng sữa không thách thức người tiêu dùng. Sở dĩ, các doanh nghiệp chiếm lĩnh thị trường vì không có ai cạnh tranh, hầu hết người tiêu dùng đổ xô đi mua hàng của họ.

Thực tế, có những hãng sữa ở Việt Nam đã có mấy chục năm kinh nghiệm, chính họ hỗ trợ cho ngành bò sữa trong nước phát triển. Họ có công nghệ tiên tiến cho nên chất lượng sữa không kém nhập ngoại. Nhưng khi sản phẩm sữa đó mang một cái tên mộc mạc Việt Nam thì có giá là 130.000 đồng/900g. Cũng với sản phẩm này, thành phần tương tự, được đóng gói bao bì đẹp hơn, mang một cái tên Tây thì giá sữa là 320.000 đồng/900g (khoảng 45.000 đồng/lít sữa nếu hoà ra).

Người Việt Nam ai cũng yêu quí con cái, mong mỏi con mình phát triển thể chất tốt hơn, trong khi mình có tiền thì tại sao không đầu tư cho con. Vì thế họ sẵn sàng chi trả cho sản phẩm sữa. Sữa là mặt hàng quan trọng để nâng cao thể trạng, sức khoẻ của mỗi con người.

Tâm lý người tiêu dùng đã đẩy sữa ngoại tăng giá. Thiệt thòi này người tiêu dùng phải gánh chịu.

PV: Xin cảm ơn ông!/.



Nguồn: vovnews.vn
Báo cáo phân tích thị trường