Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
IPSARD: Đề xuất giãn nợ, giảm lãi suất các khoản vay cho hộ nông dân
16 | 07 | 2020
Mặc dù Chính phủ đã triển khai gói 62 nghìn tỷ đồng hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Tuy nhiên theo khảo sát của Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) tại nông thôn cho thấy nhiều hộ nông dân vẫn chưa thể tiếp cận được gói hỗ trợ này.

Nguồn: Thoibaokinhdoanh.vn

Ngày 10/7/2020, Viện IPSARD phối hợp với Quỹ Phát triển nông nghiệp Quốc tế (IFAD) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tổ chức hội thảo “Tác động của đại dịch COVID-19 đến nông nghiệp nông thôn Việt Nam”.

Đứt đoạn các chuỗi cung ứng nông nghiệp

Theo khảo sát của IPSARD, 26.7% người được khảo sát cho rằng thủ tục hưởng chính sách này phức tạp; 19.8% người cho rằng thời gian hưởng quá lâu; 14.7% cho rằng họ khó thỏa mãn các điều kiện được hưởng.

IMG-0712-1-JPG-8782-1594364907.jpg

Theo chuyên gia của Viện IPSARD, tác động rõ nét nhất của dịch Covid-19 đến nông nghiệp là làm đứt đoạn các chuỗi cung ứng nông nghiệp, đặc biệt những ngành phải nhập khẩu đầu vào nhiều.

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nhận định, khu vực nông nghiệp và nông thôn Việt Nam đã và đang tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Tình hình dịch Covid trên thế giới còn diễn biến phức tạp, số ca mắc và tử vong liên tục tăng, nguy cơ dịch có thể còn kéo dài. Ngay cả nếu chúng ta bảo vệ được thành quả kiểm soát dịch Covid-19 thì những tác động của đại dịch đối với kinh tế xã hội Việt Nam, trong đó có nông nghiệp nông thôn, vẫn rất lớn và lâu dài.

TS. Trương Thị Thu Trang đến từ Viện IPSARD cho biết, khảo sát nghiên cứu cho thấy, sản xuất nông nghiệp hầu như không chịu ảnh hưởng trực tiếp của dịch Covid-19 mà chủ yếu chịu tác động của thiên tai và dịch bệnh trên cây trồng và vật nuôi, nhất là hạn mặn và dịch tả lợn châu Phi. Đối với xuất khẩu nông sản, trong 5 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu của hầu hết các mặt hàng đều bị ảnh hưởng.

Tổng kim ngạch nông lâm thủy sản giảm 4% so với cùng kỳ năm 2019, cá biệt có những mặt hàng giảm rất mạnh như: cá tra giảm 39%; cao su giảm 30%; trái cây giảm 21%; tiêu giảm 18%; chè giảm 21%; điều giảm 10%; sắn giảm 10%...

Tuy nhiên, có thể nói Việt Nam vẫn là điểm sáng khi các nước khác phải chứng kiến những tác động mạnh hơn rất nhiều.

Ví dụ như Thái Lan đã chứng kiến xuất khẩu gạo 4 tháng đầu năm nay giảm tới 16% về giá trị và 32% về lượng; xuất khẩu trái cây và tiêu lần lượt giảm 34% và 55%. Giá thanh long xuất khẩu của Thái Lan đã giảm 5%. Dự báo tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của Thái Lan có thể giảm đến 22% trong năm nay, trong khi đó những mặt hàng ảnh hưởng mạnh là: tôm, dầu thực vật, trái cây và gạo.

“Với Việt Nam, điểm sáng lớn nhất là lúa gạo xuất khẩu 6 tháng đầu năm đạt 1,7 tỷ USD, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá gạo xuất khẩu đạt mức cao nhất trong vòng 8 năm trở lại đây và liên tục có các đơn đặt hàng mới”, bà Trang chia sẻ.

Theo chuyên gia của Viện IPSARD, tác động rõ nét nhất của dịch Covid-19 đến nông nghiệp là làm đứt đoạn các chuỗi cung ứng nông nghiệp, đặc biệt những ngành phải nhập khẩu đầu vào nhiều. Trong 6 tháng đầu năm nay, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu giảm 10,6%; nhập khẩu phân bón giảm 9,9%; nhập khẩu thuốc trừ sâu và nguyên liệu giảm 25,6%. Nguồn cung thiếu hụt đã làm tăng giá nhiều loại thức ăn chăn nuôi trong nước. Tuy nhiên, các doanh nghiệp khá chủ động tìm giải pháp vượt khó nên một số ngành hàng không bị ảnh hưởng quá nặng nề.

Khủng hoảng kinh tế khiến thất nghiệp gia tăng

TS. Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện IPSARD cho hay, nhờ nhiều vùng nông thôn không có ca nhiễm Covid nên tâm lý xã hội ổn định hơn, sản xuất và tiêu dùng tại chỗ ít bị ảnh hưởng hơn so với các đô thị. Tuy nhiên, việc giãn cách xã hội thời gian qua đã ảnh hưởng tới các hộ có tham gia vào các hoạt động phi nông nghiệp, bao gồm các hoạt động kinh doanh tại địa phương.

IMG-0723-JPG-1140-1594364907.jpg

Viện IPSARD khuyến nghị Nhà nước giãn nợ, giảm lãi suất các khoản vay của hộ nông dân.

Vào thời điểm tạm đóng cửa hàng kinh doanh, thu nhập phi nông nghiệp tại chỗ chiếm 20% thu nhập của người dân đã bị ảnh hưởng, trong khi đó giá các mặt hàng nông sản không thiết yếu cũng bị giảm trung bình 10-15%. Mặc dù, 35% số thành viên của hộ dân nông thôn có công việc chính là đi làm thuê, nhưng công việc rất bấp bênh. Hầu hết lao động nông thôn ra đô thị chỉ làm các công việc đơn giản như xây dựng, “xe ôm”, bốc vác, giúp việc… mà không có việc làm ổn định, không có hợp đồng lao động, bảo hiểm, chỗ ở…

Khủng hoảng kinh tế khiến tình trạng thất nghiệp tăng lên và điều kiện làm việc trở nên khó khăn hơn, dẫn đến dòng di cư “ngược trở lại nông thôn”, làm trầm trọng thêm tình hình thiếu việc làm ở khu vực này. Bức tranh về thu nhập cho thấy, việc giãn cách xã hội do dịch bệnh Covid-19 sẽ ảnh hưởng mạnh đến thu nhập của người nông dân.

Ứớc tính trung bình dịch bệnh Covid-19 có thể giảm 35 - 40% thu nhập của hộ nông thôn. Mặc dù mọi chi phí khám chữa bệnh do vi rút SARS-CoV2 gây ra hiện được Chính phủ chi trả toàn bộ, nhưng các chi phí khám chữa bệnh khác thì không được miễn giảm.

“Do vậy, nếu điều kiện sống khó khăn hơn, nguy cơ về sức khỏe cao hơn sẽ là thách thức cho người dân nông thôn, nhất là nhóm người không có bảo hiểm y tế, hộ nghèo không có tích lũy.” TS. Thắng nói.

Để hỗ trợ nông dân và người dân nông thôn tránh không để ai bị bỏ lại phía sau, Viện IPSARD khuyến nghị nhà nước giãn nợ, giảm lãi suất các khoản vay của hộ nông dân. Đồng thời, tạo điều kiện cho các khoản vay mới để người nông dân tiếp tục sản xuất kịp thời, cung cấp hàng hóa cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu, phục hồi tăng trưởng kinh tế.

Nhà nước cần nhanh chóng xem xét bổ sung một số đối tượng dân cư nông thôn (bao gồm cả hộ nông dân, hộ kinh doanh nhỏ, những người làm việc ở khu vực không chính thức) để đưa vào nhóm được hỗ trợ theo Nghị quyết 42 của Chính phủ.

Về phía Bộ NN&PTNT và các Bộ ngành, cần tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu, khơi thông thị trường, đặc biệt quan tâm phát triển thị trường nội địa; hỗ trợ đầu tư vào dịch vụ logistics, thúc đẩy thương mại điện tử, sàn giao dịch; cải thiện môi trường đầu tư chuẩn bị đón đầu tư mới khi có cơ hội.



Báo cáo phân tích thị trường