Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nông sản Việt lép vế vì chi phí logistics đắt đỏ
16 | 07 | 2020
Một container tôm từ Việt Nam vận chuyển sang Mỹ chỉ tốn 41 triệu đồng, sang Nhật Bản là 15 triệu đồng, trong khi cũng một container này được vận chuyển từ TP.HCM ra Hà Nội mất tới... 80 triệu đồng

Nguồn: Thoibaokinhdoanh.vn

Đó là chia sẻ của ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Minh Phú tại Hội nghị "Giải pháp cắt giảm chi phí logistics - giải pháp tối ưu nhằm nâng cao chuỗi giá trị nông sản Việt" do Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA) tổ chức ngày 9/7.

Vận chuyển nội địa tốn phí gấp đôi sang Mỹ

Chủ tịch Tập đoàn Minh Phú nhìn nhận đó là nghịch lý rất khó chấp nhận. Cơ quan chức năng phải vào cuộc để tìm cách cắt giảm chi phí logistics bất hợp lý như vậy. Nếu điều này vẫn tồn tại, nông sản Việt Nam chắc chắn sẽ không thể cạnh tranh.

xuat-khau-tom-7964-1594276243.jpg

Chi phí logistics cao đang gây khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản (Ảnh: TL) 

Chủ tịch Minh Phú cho biết, một container tôm từ TP.HCM đến biên giới Trung Quốc mất 100 triệu đồng, trong khi Ecuador xa hơn nhiều nhưng vận chuyển sang Trung Quốc với chi phí chỉ bằng một nửa.

Cũng liên quan tới câu chuyện logistics, ông Võ Quan Huy, Tổng giám đốc Công ty TNHH Huy Long An, thông tin mỗi năm doanh nghiệp này xuất khẩu 15.000 tấn chuối đi Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia. Chi phí logistics đang chiếm khoảng 30% tổng giá thành xuất khẩu.

Điều đáng nói, không dừng ở con số trên, mỗi năm chi phí logistics lại tăng bình quân 25%. Riêng 6 tháng đầu năm nay tăng 45%, gồm cước tàu biển tăng 30%, phụ phí của hãng tàu tăng gần 15%...

Ông Nguyễn Duy Minh, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), cho biết, Hiệp hội đã tiến hành khảo sát chi phí logistics của chuỗi cung ứng rau quả từ sản xuất cho đến xuất khẩu. Kết quả, chi phí logisitcs trong chuỗi cung ứng rau củ quả chiếm tới 29,5%. Những yếu tố làm tăng chi phí là chi phí vận chuyển, phụ phí, sự hạn chế cơ sở hạ tầng, một số tỉnh thành đã đưa ra phí hạ tầng mới...

Trong khi đó, ông Lê Đức Huy, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV XNK 2-9 Đăk Lăk, thông tin chi phí vận chuyển nguyên liệu từ nông dân đến nhà sản xuất xuất khẩu là 15 USD/tấn, cao gấp đôi so với hàng xuất khẩu đi Nhật. Nguyên nhân là do khâu thu mua nguyên liệu trải qua nhiều khâu trung gian, trong khi năng lực kho hàng yếu. Đường giao thông ở vùng nguyên liệu quá xuống cấp, dẫn đến chi phí vận chuyển trong nội địa quá cao.

Trước thực tế này, ông Huy kiến nghị Nhà nước hỗ trợ nông dân tham gia vào các HTX. HTX sẽ là đầu mối cung cấp nguyên liệu trực tiếp cho doanh nghiệp, từ đó giúp giảm chi phí logistics.

Làm sao kéo giảm được chi phí logistics?

Theo ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), chi phí logsitics nông sản cao nằm ở các yếu tố như hạ tầng còn thiếu và phân bổ không đều. Ví dụ, miền Trung sản lượng hàng hoá ít nhưng cảng biển nhiều; trong khi Đồng bằng sông Cửu Long có sản lượng hàng hoá nhiều nhưng cảng lại ít.

Bên cạnh đó, thủ tục kiểm dịch kiểm tra an toàn thực phẩm cần thiết nhưng quá trình triển khai thực hiện mất thời gian, tốn kém chi phí. Đây là một yếu tố gây tắc nghẽn hoạt động xuất khẩu nông sản, làm giảm sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới.

Để giải quyết bài toán này, đại diện Bộ Công Thương cho rằng: Việt Nam cần phải đầu tư xây dựng các trung tâm logistics nông sản ở vùng sản xuất trọng điểm. Những trung tâm như vậy phục vụ nhu cầu cho cả một vùng, đảm nhận lưu trữ, phân phối hàng hóa. 

Đặc biệt, việc phát triển logistics có vai trò quan trọng trong việc giúp Việt Nam vào tốp 5 cường quốc xuất khẩu nông sản lớn nhất thế giới. Vì vậy, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), cho rằng các ngành chức năng, doanh nghiệp cần phải phối hợp với nhau để trình Chính phủ một chiến lược logistics cho nông sản Việt Nam. Cần coi logistics không phải chỉ là vấn đề dịch vụ mà cần phải là hệ thống tương tác tích hợp các công nghệ, dịch vụ cả chế biến, bảo quản.

"Thời gian tới, chúng ta cần phải tháo gỡ những điểm nghẽn trong phát triển logistics từ những việc làm nhỏ, cụ thể. Đặc biệt, bài học ở Hà Lan cũng như nhiều nước phát triển dịch vụ logistics cho thấy cần phải có thiết chế đi kèm, nếu không rất khó kéo giảm chi phí logistics", ông Toản nhấn mạnh.

Theo ông Trương Gia Bình, Chủ tịch VIDA, Việt Nam đang có một lực lượng lao động công nghệ thông tin với gần 1 triệu người (Nhật Bản có 1,3 triệu người), là nguồn lực rất tốt để giải quyết bài toán logistics.

"Các doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam có thể giải quyết vấn đề logistics cho các quốc gia phát triển trên thế giới như Nhật Bản, Pháp, Mỹ... Tại sao chúng ta không giải quyết những bức xúc cho đất nước mình? Logistics là vấn đề nói nhiều nhưng chi phí logistics Việt Nam quá cao. Chúng ta cần chung tay giải quyết vấn đề này", ông Bình chia sẻ.

Ngoài ra, các doanh nghiệp kiến nghị Nhà nước cần phát triển loại hình vận tải đường thủy nội địa. Ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Lộc Trời, cho biết chi phí vận chuyển 1kg lúa bằng đường thuỷ nội địa tốn 200 đồng, trong khi đường sắt tốn 600 đồng, đường bộ lên tới gần 900 đồng. Đây chính là giải pháp hữu hiệu trong việc cắt giảm chi phí logistics. 



Báo cáo phân tích thị trường