Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
CJ Group thâu tóm các công ty mục tiêu, nhắm doanh thu 90 tỷ USD
08 | 10 | 2017
Để đạt doanh thu 90 tỷ USD vào năm 2020 như mục tiêu đã đặt ra, CJ Group (Hàn Quốc) phải thống trị trong cả 4 lĩnh vực kinh doanh chính, theo đó, liên tục thâu tóm các công ty mục tiêu được xem là cách đi nhanh nhất. Mảnh ghép hoàn hảo đến từ Việt Nam

Vài năm trở lại đây, Gemadept là cái tên trong địa hạt logistics được giới  đầu tư săn đón, trong đó có các quỹ đầu tư danh tiếng như: JP Morgan, Nikko, NTAsset, Composite, Consilium, TAELPartners, Seafarer, Dunross, CIM, Indochina Capital, SSI, MBS, VFM, Sarus Capital, Bao Viet Fund.

 

Gemadept không phải là đích ngắm duy nhất của CJ trong lĩnh vực logistics tại Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung. Ảnh: Đức Thanh

Gemadept không phải là đích ngắm duy nhất của CJ trong lĩnh vực logistics tại Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung. Ảnh: Đức Thanh

 

Các dự án đã và đang triển khai tại các vị trí chiến lược thuộc các khu công nghiệp trọng điểm,  đặc biệt là các dự án thuộc ngành nghề kinh doanh cốt lõi là khai thác cảng và logisitics là điểm nhấn khiến công ty này lọt vào mắt xanh các nhà đầu tư nói trên. Theo giới phân tích, mảng kinh doanh vận tải biển của Gemadept rất nhỏ, chỉ có 2 tàu, còn lại chủ yếu làm dịch vụ cho các hãng tàu quốc tế.

Do đó, Gemadept đang thực hiện việc thoái vốn khỏi các công ty ngoài ngành, tìm kiếm đối tác chiến lược cho các ngành kinh doanh khai thác cảng và logistics. Gemadept vừa chuyển nhượng 50,9% vốn góp tại công ty Gemadept Shipping và Gemadept Logistics cho CJ Logistics (Hàn Quốc), một tỷ lệ đủ để CJ thâu tóm.

Giá trị thương vụ này không được hai bên tiết lộ, nhưng tại Đại hội đồng cổ đông thường niên hồi cuối tháng 5/2017, ông Đỗ Văn Minh, Tổng giám đốc Gemadept cho biết, hai công ty này được các công ty tư vấn định giá 250 triệu USD. Việc bán gần 51% vốn giúp Gemadept thu về khoảng 125 triệu USD. Công ty sẽ dùng nguồn tiền thu được từ đợt bán vốn này để chia cổ tức đặc biệt với tỉ lệ 85%.

Trước đó, một thành viên khác trong Tập đoàn CJ là CJ O Shopping Co.Ltd cũng gom vào 15% vốn còn lại của Công ty TNHH CJ Việt Nam (Gemadept Tower). Công ty chứng khoán TP. HCM (HSC) ước tính, giá trị chuyển nhượng thương vụ này khoảng 165 tỷ đồng. Theo đó, GMD có thể ghi nhận 127 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.

Vào năm 2014, GMD đã bán 85% cổ phần Gemadept Tower cho CJ Group, với giá trị 45 triệu USD. Cách đây vài năm, dù thương vụ này chưa được công bố, nhưng tòa cao ốc văn phòng của Gemadept đã được CJ biến thành một đại bản doanh của tập đoàn này tại Việt Nam cũng có thể coi là một sự khẳng định.

Cả nước hiện có trên 1.300 doanh nghiệp logistics đang hoạt động, bao gồm cả doanh nghiệp có vốn nước ngoài.
Dịch vụ logistics ở Việt Nam hiện có quy mô 20-22 tỷ USD/năm, chiếm 20,9% GDP của cả nước. Nếu chỉ tính riêng khâu quan trọng nhất trong logistics là vận tải (chiếm 40-60% chi phí) đã là một thị trường dịch vụ khổng lồ.
Nguồn: Hiệp hội Doanh nghiệp logistics Việt Nam

Thế nhưng, Gemadept không phải là đích ngắm duy nhất của CJ trong lĩnh vực logistics tại Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung. Cuối năm 2012, CJ đã hợp tác với C.T Group để xây dựng và khai thác hệ thống hậu cần gồm nhà xưởng và kho bãi tại tỉnh Bình Dương, Đà Nẵng và Bắc Ninh. Cụ thể hơn, C.T Land sẽ phát triển hạ tầng kho bãi, còn đối tác Hàn Quốc sẽ đầu tư phần kỹ thuật, công nghệ. Chỉ riêng Dự án Khu Trung tâm hậu cần Sóng Thần (Bình Dương), phần vốn đầu tư của CJ ước tính lên đến 20 triệu USD, còn của C.T Group khoảng 12 triệu USD.

Gần đây, CJ liên tục mua lại các công ty logistics tại châu Á. Năm ngoái, CJ đã chi 10 triệu USD mua lại 31,4% cổ phần của Công ty Malaysia Century Logistics và 50% cổ phần Shenzen Speedex Commercial Service (Trung Quốc). Năm 2015, CJ mua Rokin Logistics của Trung Quốc với giá 400 triệu USD để trấn giữ trận địa tại Trung Quốc, làm bàn đạp phát triển kinh doanh xuống Đông Nam Á.

Mục tiêu của CJ Group là trở thành một trong 5 công ty logistics hàng đầu trên thế giới vào năm 2020. CJ đang nhắm đến các giao dịch ở châu Âu và Mỹ khi mua phần lớn cổ phần của hai công ty giao nhận nhằm tạo ra một mạng lưới toàn châu Á. Điển hình là thương vụ mua 50% công ty Logistics Darcl lớn nhất Ấn Độ, mua 51% cổ phần Tập đoàn Ibrakom, một dự án Trung Đông và Trung Á.

“Chúng tôi đang đa dạng hoá các kênh M&A và các liên minh chiến lược để trở thành một trong 5 nhà cung cấp dịch vụ logistics lớn trên thế giới”, ông Park Gun-tae, CEO CJ Logistics cho biết.

Với ưu thế tham gia vào các hiệp định thương mại thế giới, Việt Nam đang thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các tập đoàn sản xuất lớn như Samsung, Microsoft, LG… chuyển dịch sản xuất về đây. Điều này đã giúp tăng sản lượng hàng hóa xuất khẩu, dẫn đến gia tăng nhu cầu của các dịch vụ vận tải biển.

CJ đã nhìn thấy phần bánh màu mỡ đó từ lâu và M&A với đối tác trong nước là lựa chọn hợp lý nhất. Vì những quy định giới hạn về tỷ lệ cổ phần sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài từ những năm trước đây, nên nhiều doanh nghiệp nước ngoài chọn hình thức liên doanh hoặc hợp tác chiến lược. Bằng việc thâu tóm những doanh nghiệp logistics nội địa đang hoạt động tốt như Gemadept, CJ sẽ nhanh chóng tận dụng mạng lưới sẵn có, cùng nguồn khách hàng và kinh nghiệm vận hành nội địa. Điều này giúp CJ giảm được nhiều chi phí gia nhập thị trường so với việc bắt đầu xây dựng từ đầu. Đặc biệt, cách đi trên chắc chắn giúp CJ gia tăng nhanh lợi nhuận.

Dồn sức cho mục tiêu doanh thu 5 tỷ USD

Việc thâu tóm Gemadept đánh dấu một bước mới trong chiến lược mở rộng kinh doanh tại Việt Nam của CJ, chính thức lấn sân sang lĩnh vực logistics. Chiến lược của CJ là sẽ đưa Việt Nam trở thành một trong 3 thị trường nước ngoài lớn nhất của Tập đoàn (sau Hàn Quốc và Nhật). Mục tiêu của doanh thu đến năm 2020 của CJ Việt Nam và CJ khu vực Đông Dương (Lào và Campuchia) đạt 5 tỷ USD.

CJ gia nhập thị trường Việt Nam từ năm 1998, bắt đầu bằng sản xuất thức ăn chăn nuôi. Đến năm 2007, CJ thâm nhập vào ngành thực phẩm với chuỗi cửa hàng bánh ngọt Tous Les Jours và hiện có hơn 30 cửa hàng mang thương hiệu này trên cả nước. Trong năm 2011, CJ chi hơn 73 triệu USD để thâu tóm 80% cổ phần của Megastar, chuỗi rạp phim lớn nhất Việt Nam vào thời điểm đó.

Trong vài năm gần đây, CJ thể hiện tham vọng trở thành một tên tuổi lớn trong ngành thực phẩm tiêu dùng ở Việt Nam khi tập trung nhiều hơn vào chế biến thực phẩm và đầu tư vào các đối tác địa phương. Sau khi bất thành trong việc xây dựng quan hệ đối tác chiến lược với Vissan, CJ đã mua lại thương hiệu kim chi Ông Kim, cũng như mua 47,33% cổ phần tại Công ty cổ phần Thực phẩm Cầu Tre vào tháng 11 năm ngoái, sau đó tiếp tục nâng cổ phần tại đây lên 71,6% vào tháng 5 năm nay.

Trong quý I năm nay, CJ đã đầu tư 13,44 triệu USD để mua 65% cổ phần của Minh Đạt, một thương hiệu hàng đầu trong thị trường thịt viên.

CJ cũng đã xây dựng nhiều mối quan hệ với các đối tác địa phương để giảm rủi ro. Một trong số đó là Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra), công ty quốc doanh lớn nhất tại TPHCM. Satra đang sở hữu một số thương hiệu thực phẩm nổi tiếng, có mạng lưới phân phối toàn quốc được CJ tận dụng để phân phối sản phẩm.

Năm nay, CJ đã đầu tư 61,8 triệu USD vào tổ hợp chế biến thực phẩm, gồm một trung tâm nghiên cứu tại Khu công nghiệp Hiệp Phước (TP.HCM). Dự án này được thực hiện thông qua quan hệ hợp tác với một công ty con của Satra và sẽ đi vào hoạt động vào tháng 7/2018. CJ cũng đang đàm phán với các công ty chăn nuôi để phát triển chuỗi cung cấp thức ăn gia súc.

Ông Chang Bok Sang, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc CJ Group Việt Nam từng chia sẻ, Tập đoàn có quỹ đầu tư và sáp nhập, quan tâm đến các doanh nghiệp nhà nước Việt Nam đang được cổ phần hóa. Công ty đã đạt được tốc độ tăng trưởng hàng năm khoảng 30% và muốn đa dạng hóa vào nhiều lĩnh vực khác ở Việt Nam. Tính đến năm 2016, công ty đã đầu tư 500 triệu USD vào các lĩnh vực nông nghiệp, giải trí, dược phẩm và bán lẻ của Việt Nam và lên kế hoạch tăng danh mục đầu tư lên 1 tỷ USD vào cuối năm nay.

Năm ngoái, CJ Việt Nam đã đạt doanh thu hơn 740 triệu USD với 36 triệu USD lợi nhuận trước thuế, chủ yếu là từ thức ăn chăn nuôi, nông nghiệp và giải trí. Riêng trong ngành thực phẩm, CJ xem Việt Nam là thị trường chiến lược của Đông Nam Á khi CJ đặt ra mục tiêu doanh thu 700 triệu USD vào năm 2020 trong ngành thực phẩm.

Trước đó, báo chí Hàn Quốc nhận định, sự trở lại của Chủ tịch Lee Jae-hyun sau 4 năm vắng mặt sẽ thúc đẩy CJ mở rộng hiện diện ở nước ngoài để đạt được mục tiêu doanh thu 100.000 tỷ won (tương đương 90 tỷ USD) vào năm 2020. Mục tiêu này khiến giới đầu tư ở Việt Nam nhận định, CJ sẽ tìm mọi cách để mua lại các doanh nghiệp địa phương, thậm chí theo kiểu mua “vơ vét”. Vậy nên, trong thời gian tới, chắc chắn CJ sẽ góp mặt vào nhiều phi vụ thâu tóm các tên tuổi khác ở Việt Nam.



Theo Báo đầu tư
Báo cáo phân tích thị trường