Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Vị đắng mía đường
24 | 07 | 2020
Ngành mía đường hiện đang đối diện với nhiều thách thức, cây mía và các nhà máy đường (NMĐ) ở ĐBSCL có nguy cơ “biến mất”. Từ chỗ có diện tích gần 90.000ha mía nay giảm xuống chỉ còn khoảng 15.000ha, niên vụ mía 2019-2020 chỉ còn 3/10 NMĐ hoạt động.

Theo Sài gòn Giải phóng

Liên tiếp thua lỗ, nông dân bỏ liếp mía để thay bằng cây trồng khác. Trong khi đó, nhiều NMĐ thua lỗ phá sản, một số trang thiết bị xuống cấp phải ngưng hoạt động. 

Tại Hậu Giang, thời hoàng kim huyện Phụng Hiệp được xem “vựa mía” của ĐBSCL có đến 15.000ha nhưng nay chỉ còn 6.000ha. “Nhiều năm liền thua lỗ, người dân đã bỏ liếp mía chuyển sang trồng cây khác. Tỉnh cũng đã xác định cây mía không còn là cây chủ lực. Tỉnh cũng đã hỗ trợ nông dân chuyển sang cây ăn trái có giá trị cao hơn như: chanh không hạt, khóm MD2”, ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết. Tại Sóc Trăng, huyện Cù Lao Dung là vùng trồng mía lớn nhất của tỉnh, có lúc lên 8.000ha nhưng hiện nay chỉ còn trên 3.000ha. Vụ mía rồi nông dân Cù Lao Dung chồng chất khó khăn khi nắng hạn kéo dài, khiến mía đổ ngã, khô gốc, cháy lá và chết dần, ước tính khoảng 30% diện tích bị ảnh hưởng. Trong khi đó, theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, tổng diện tích mía nguyên liệu đã giảm 30-60% so với các năm trước. Việc thiếu mía nguyên liệu buộc các nhà máy duy trì sản xuất công suất thấp. Chi phí đầu tư mỗi 1.000m2 mía khoảng 7 triệu đồng nhưng chỉ thu được 3-4 triệu đồng khiến nông dân nợ ngân hàng rất nhiều, một số vùng thua lỗ nặng, nông dân phải bỏ ruộng mía vì càng đầu tư càng lỗ.

Theo lãnh đạo các tỉnh trồng mía ở ĐBSCL, cái khó của nông dân là trên diện tích trồng mía có đến 30% là mương gắn với liếp mía nên khó áp dụng cơ giới hóa như các tỉnh miền Trung. Còn theo nhiều nông dân còn bám trụ trồng mía ở Phụng Hiệp hiện nay, thu nhập từ cây mía thấp hơn trồng lúa. Muốn bỏ cây mía nhưng không biết chuyển sang cây gì, ban liếp trồng lúa thì chi phí rất lớn. Đến tháng 9-2020, ĐBSCL sẽ bước vào niên vụ mía 2020-2021. Đáng chú ý, theo lộ trình cam kết của Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), từ 1-1-2020, mặt hàng đường từ các nước trong khối ASEAN vào Việt Nam sẽ được xóa bỏ hạn ngạch nhập khẩu, với thuế suất nhập khẩu chỉ 5%. Việc thực thi Hiệp định ATIGA sẽ càng tạo ra những áp lực rất lớn với ngành mía đường.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 28/CT-TTg về triển khai các giải pháp phát triển ngành mía đường Việt Nam trong tình hình mới. Theo đó, quan điểm của Chính phủ là chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh để hội nhập bình đẳng với tinh thần độc lập, tự cường; chấp nhận chuyển đổi một số vùng sản xuất mía không hiệu quả và cơ cấu lại các nhà máy đường thua lỗ, yếu kém; hình thành vùng nguyên liệu mía gắn với nhà máy sản xuất đường hoạt động hiệu quả, đủ sức cạnh tranh và phát triển bền vững. Ngành mía đường cần tận dụng triệt để các lợi thế để phát huy năng lực. 

“Mặt hàng đường đã hội nhập, doanh nghiệp cũng hội nhập, vấn đề cốt lõi hiện nay là nông dân cũng phải hội nhập. Cụ thể ở đây là phải hạ giá thành sản xuất mía nguyên liệu. Cách tốt nhất là doanh nghiệp liên kết chặt với nông dân đầu tư chiều sâu: sử dụng giống mía mới có năng suất, chữ đường cao, giảm giá thành khâu thu hoạch mía. Chính quyền cần đầu tư cơ sở hạ tầng vào vùng mía nguyên liệu như xây dựng đường giao thông thuận lợi để vận chuyển với giá thành thấp”, lãnh đạo một doanh nghiệp mía đường ở ĐBSCL cho biết.

Trong bối cảnh thực thi ATIGA, các chuyên gia cho rằng, Hiệp hội Mía đường Việt Nam, các công ty, nhà máy sản xuất và người nông dân cần đưa vào canh tác các loại giống có sản phẩm chất lượng tốt, năng suất cao, chuyên canh. Bên cạnh đó, không ngừng đầu tư nghiên cứu, áp dụng khoa học kỹ thuật, nâng chất lượng sản phẩm, vừa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng; vừa cạnh tranh quốc tế.



Báo cáo phân tích thị trường