Theo Congthuong.vn
Thủ tướng cho biết, một số nội dung chất vấn và ý kiến của đại biểu Thạch Phước Bình cũng là nội dung mà một số đại biểu và đoàn đại biểu quốc hội khác và Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã kiến nghị, chất vấn Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan trong thời gian gần đây. Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tổng hợp, nghiên cứu toàn bộ các nội dung chất vấn, kiến nghị để có giải pháp xử lý tổng thể đối với các vấn đề của ngành mía đường từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ, nhằm tăng khả năng cạnh tranh của ngành mía đường trong bối cảnh hội nhập.
Trước những khó khăn của ngành mía đường trong quá trình hội nhập, ngày 18/02/2020, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì cuộc họp của thường trực chính phủ làm việc với các bộ, ngành, Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng và Hiệp hội Mía đường Việt Nam bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành mía đường. Quan điểm của Chính phủ là chúng ta cần chủ động nâng cao năng lực, sẵn sàng cạnh tranh để hội nhập quốc tế một cách bình đẳng với tinh thần độc lập, tự cường; chấp nhận chuyển đổi một số vùng sản xuất mía không hiệu quả, đào thải nhà máy đường thua lỗ, yếu kém theo quy luật của thị trường; hình thành vùng nguyên liệu mía gắn với nhà máy đường sản xuất hiệu quả, đủ sức cạnh tranh và phát triển bền vững. Ngành mía đường cần nhìn nhận thẳng thắn, phân tích thấu đáo các thách thức, yêu cầu đặt ra để có giải pháp, đối sách phù hợp nhằm cơ cấu thực chất hơn hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát huy hơn nữa các lợi thế của ngành nhằm cải thiện năng suất, chất lượng mía nguyên liệu, nâng cao năng lực và khả năng cạnh tranh của các nhà máy sản xuất đường, phát triển ngành mía đường phù hợp trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay.
Sau cuộc họp trên, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Công Thương áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp với pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế để bảo vệ sản xuất mía đường trong nước; áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với đường lòng siro ngô và các loại chất tạo ngọt khác; tăng cường chống buôn lậu đường, đặc biệt là tại các địa bàn trọng điểm; tăng cường quản lý thị trường, chống gian lận thương mại; rà soát báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt giá điện đồng phát từ bã mía phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tăng cường chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại quyết liệt hơn; xử lý nghiêm các cán bộ liên quan đến bảo kê cho nhập khẩu đường lậu trái phép.
Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng xem xét tổng thể những vùng bị hạn hán, khó khăn, để khoanh hoặc giãn nợ cho nông dân trồng mía; xem xét tiếp tục cho vay vốn ưu đãi với hoạt động trồng mía, chế biến đường tại những khu vực có hiệu quả.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hàng năm có nguồn kinh phí cho công tác nghiên cứu giống mía mới, cơ giới hóa, thủy lợi hóa những vùng mía tập trung; phối hợp với Bộ Công Thương, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia… áp dụng các hàng rào kỹ thuật và các công cụ phòng vệ để kiểm soát đường nhập khẩu theo thông lệ và kinh nghiệm quốc tế; đẩy mạnh hoạt động liên kết giữa nhà máy chế biến đường và các hộ nông dân trồng mía.
Đặc biệt, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Hiệp hội Mía đường Việt Nam và các bộ, cơ quan liên quan, xây dựng dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về những giải pháp phát triển ngành mía đường Việt Nam trong bối cảnh hội nhập, nêu rõ quan điểm phát triển, xác định cụ thể các nhiệm vụ trước mắt và dài hạn của từng bộ, ngành, địa phương và Hiệp hội Mía đường Việt Nam. Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành, cơ quan liên quan để xây dựng, trong đó có nghiên cứu, tiếp thu các kiến nghị của đại biểu Quốc hội để xác định các giải pháp cấp bách, lâu dài, phù hợp, tạo điều kiện cho ngành mía đường vượt qua khó khăn, phát triển bền vững. Sau khi Thủ tướng ký ban hành Chỉ thị, Chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ, ngành, triển khai nghiêm túc, có hiệu quả các nhiệm vụ giải pháp được giao.
|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp thường trực Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho ngành mía đường |
Liên quan đến các vấn đề cụ thể mà đại biểu Thạch Phước Bình kiến nghị, như: Về thành lập một cơ chế tham vấn dạng ủy ban với đại diện nhiều bên liên quan từ các bộ ngành đến đại diện doanh nghiệp và nông dân… nhằm tham vấn cho Chính phủ về cân đối cung cầu đường…, Thủ tướng nhận định, theo pháp luật hiện hành, việc thành lập một cơ chế liên ngành như kiến nghị của đại biểu Quốc hội là chưa đủ căn cứ pháp lý, chưa có tiền lệ, chưa phù hợp yêu cầu tinh gọn bộ máy quản lý nhà nước. Để giải quyết kiến nghị này, Thủ tướng sẽ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành chức năng nâng cao năng lực, hiệu quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao để đáp ứng yêu cầu và mong đợi của đại biểu Quốc hội.
Đối với kiến nghị điều chỉnh Thông tư 45/2014/TT-BNNPTNT bổ sung vào điều 18 về trình tự thủ tục cấp lại, thu hồi giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, đối với mặt hàng đường phải có hợp đồng nhượng quyền sản xuất, sang chiết, phối trộn, đóng gói mặt hàng đường với một đơn vị thành viên sản xuất của Hiệp hội Mía đường Việt Nam; điều chỉnh Thông tư 01/VBHN-BNNPTNT ngày 18/05/2018, theo hướng điều chỉnh điều 7, thuộc chương II về yêu cầu truy xuất nguồn gốc thu hồi và xử lý thực phẩm nông lâm sản không đảm bảo an toàn, đối với mặt hàng đường hồ sơ truy xuất phải có hợp đồng chuyển nhượng quyền sản xuất, sang chiết, phối trộn, đóng gói mặt hàng đường với một đơn vị thành viên của Hiệp hội Mía đường Việt Nam. Thủ tướng khẳng định, Thông tư 45/2014/TT-BNNPTNT đã hết hiệu lực và được thay thế bởi thông tư 38/2018/TT-BNNPTNT có hiệu lực từ ngày 7 tháng 2 năm 2019 và Thông tư 01/VBHN-BNNPTNT, đây là các văn bản hướng dẫn thi hành Luật An toàn thực phẩm, không điều chỉnh các vấn đề về quản lý thương mại. Các kiến nghị đại biểu Thạch Phước Bình nêu sẽ được nghiên cứu trong khuôn khổ Luật Đầu tư khi xem xét điều kiện kinh doanh của các cơ sở chế biến, kinh doanh đường (nếu có).
Đối với kiến nghị điều chỉnh Thông tư 38/2015/BTC của Bộ Tài chính, bổ sung các quy định về kho chứa riêng biệt đối với đường nhập khẩu, sản phẩm đường sản xuất xuất khẩu…, theo Thủ tướng, hoạt động sản xuất, xuất khẩu thực hiện theo Luật Hải quan và các nghị định, thông tư liên quan, đã quy định cụ thể về quản lý dữ liệu thông tin sổ sách, chứng từ kế toán đối với hàng hóa xuất khẩu, trong đó có mặt hàng đường. Hiện Bộ Tài chính đang rà soát lại các thông tư này và thông tư 39/2018/TT-BTC theo hướng giảm thủ tục hành chính, ngăn ngừa gian lận thương mại và vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới, cập nhật các biện pháp kỹ thuật để bảo vệ ngành mía đường (nếu có); đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các lực lượng chức năng thanh tra, kiểm tra, tăng cường phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại đối với mặt hàng đường. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Bộ Công Thương nghiên cứu vấn đề này, nếu cần thiết sẽ đề xuất sửa đổi Luật Quản lý ngoại thương.
Về kiến nghị đàm phán với ASEAN đưa sản phẩm đường vào Schedule E của biểu thuế để được áp dụng điều khoản số 24 của Hiệp định ATIGA về đối xử đặc biệt với mặt hàng nhạy cảm là gạo và đường, từ đầu năm 2019, Bộ Công Thương đã tìm hiểu khả năng áp dụng nghị định thư này trong trường hợp của Việt Nam. Tại Hội nghị lần thứ 30 của Ủy ban điều phối thực hiện ATIGA tháng 6/2019, Việt Nam đã chính thức yêu cầu bộ phận pháp lý và giám sát hiệp định (LSAD) của Ban Thư ký ASEAN làm rõ một số quy định của nghị định thư về đối xử đặc biệt đối với mặt hàng gạo và đường. Tại Hội nghị CCA lần thứ 32, tháng 2/2020, bộ phận pháp lý và giám sát hiệp định của Ban Thư ký ASEAN đã không đưa ra được câu trả lời lời cho phía Việt Nam liên quan đến nội dung nêu trên. Đại diện Việt Nam đã kiên quyết yêu cầu đưa vào nội dung biên bản kỳ họp CCA lần thứ 32 về việc LSAD chưa có câu trả lời cho Việt Nam, khẳng định, đây là nội dung liên quan đến các nước thành viên ASEAN bao gồm có Philippine, Indonesia không riêng của Việt Nam, Ban Thư ký ASEAN phải có nội dung giải thích rõ ràng cho phía Việt Nam vào kỳ họp tới. Theo đó, Ban thư ký ASEAN đã ghi nhận và sẽ nghiên cứu thêm để có câu trả lời cho Việt Nam vào kỳ họp tiếp theo. Tuy nhiên, do dịch bệnh Covid-19 nên các cuộc họp của ASEAN đang bị hoãn lại, khi có kết quả, Bộ Công Thương sẽ cập nhật báo cáo Thủ tướng Chính phủ để thông tin đến đại biểu Quốc hội .
Liên quan đến kiến nghị về tính giá FIT điện đồng phát bã mía bằng với giá FIT điện sinh khối với mức giá tương đương Thái Lan và Philippines, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 08 2020/QĐ-TTg ngày 5/3/2020, sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 24/2014/QĐ-TTg, theo đó giá điện sinh khối từ các dự án đồng phát nhiệt điện biểu giá mua tại điểm giao nhận là 1634 đồng/1 kWh, tương đương 7,03 USCent/kWk (mức cũ là 5,8 USCent/kWk), tức đã tăng hơn 30% so với quy định trước đây. Trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương tiếp tục theo dõi hiệu quả của các dự án đồng phát nhiệt điện từ các nhà máy đường để nghiên cứu sửa đổi khi cần thiết.
Đối với kiến nghị điều chỉnh Thông tư 37/2018/TT-BNNPTNT, bổ sung sản phẩm mía và đường từ mía vào danh mục sản phẩm chủ lực quốc gia, được hỗ trợ theo nghị định số 57/2018/NĐ-CP về cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, Thủ tướng cho rằng, khuyến khích phát triển các sản phẩm chủ lực quốc gia cần có một số tiêu chí phù hợp đối với sản phẩm, xem xét trên tổng thể cơ cấu ngành nông nghiệp. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2017-2020, trong đó xác định rõ nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia là những sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên và thịt lợn, thịt gia cầm. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xác định có 13 sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia. Sản phẩm mía và đường từ mía chưa đáp ứng được tiêu chí, bổ sung vào danh mục sản phẩm chủ lực quốc gia là chưa phù hợp. Tuy nhiên, Thủ tướng khẳng định, mía và các sản phẩm từ mía vẫn được hưởng các hỗ trợ tại Nghị định số 57/2018/NĐ-CP, nếu có những dự án đáp ứng được các điều kiện quy định tại Nghị định này.