Chịu áp lực từ nhiều phía
Trong thời gian qua ngành đường Việt Nam đang phải chống chọi với cuộc khủng hoảng kép từ nhiều phía như dịch COVID-19, ATIGA hay nạn đường lậu.
Từ ngày 1/1/2020 khi Hiệp định ATIGA chính thức có hiệu lực, hạn ngạch nhập khẩu đường từ khu vực ASEAN chính thức được xoá bỏ và mức thuế suất nhập khẩu đường mía vào Việt Nam về 5%, đường trong nước đã phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ của đường nhập khẩu, đặc biệt từ thị trường Thái Lan.
Ngành đường Thái Lan vốn dĩ được Chính phủ Thái Lan trợ cấp dưới nhiều hình thức khác nhau để đẩy mạnh xuất khẩu. Đường nhập khẩu giá rẻ từ Thái Lan đã và đang đẩy hàng loạt nhà máy đường tại Việt Nam buộc phải đóng cửa vì không thể cạnh tranh về giá thành sản xuất.
Vấn nạn đường bẩn, đường nhập lậu cũng gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đến sự tồn tại của ngành đường Việt Nam và sinh kế của hàng trăm ngàn hộ nông dân trồng mía trên cả nước.
Điều này kéo theo người nông dân buộc phải từ bỏ cây mía vì các nhà máy đường không thể chi trả mức giá thu mua đủ trang trải cạnh tranh với cây trồng khác.
Mặt khác, đại dịch COVID-19 bùng phát dẫn đến giảm nhu cầu tiêu thụ nguyên vật liệu sản xuất, trong đó có cả mặt hàng đường, một trong những nguyên liệu đầu vào cho sản xuất bánh kẹo, nước ngọt, thực phẩm...
Bên cạnh đó, diễn biến hạn hán nghiêm trọng tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên, xâm lấn ngập mặn tại đồng bằng sông Mê Kông khiến diện tích, năng suất mía suy giảm.
Trao đổi với người viết, đại diện của TTC Sugar cho biết: "Do ảnh hưởng từ dịch COVID-19, cảng xuất nhập khẩu tại một số quốc gia châu Âu vẫn bị đóng, hàng hóa phải chuyển bằng đường vòng qua các cảng vẫn mở, dẫn đến việc tốn thêm thời gian và giá sản phẩm tăng".
Biến thách thức thành cơ hội
Trong số các doanh nghiệp mía đường đang niêm yết, CTCP Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC Sugar) lớn nhất về qui mô, nắm khoảng 40% thị phần nội địa. Đứng trước bối cảnh khó khăn chồng khó khăn như hiện nay, TTC Sugar cho biết công ty đã tìm nhiều giải pháp để thúc đẩy việc tiêu thụ sản phẩm.
Lũy kế 9 tháng đầu niên độ 2019 - 2020, TTC Sugar đã tiêu thụ 699.000 tấn đường, tăng 33% so với cùng kì, ghi nhận doanh thu thuần đạt 9.122 tỉ đồng, tăng 12% so với cùng kì và đạt gần 84% kế hoạch doanh thu cả năm. Lợi nhuận gộp đạt 891 tỉ đồng, tăng 54% so với cùng kì.
Đây thực sự là một kết quả đáng ghi nhận của TTC trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu nói chung và các doanh nghiệp ngành đường nói riêng.
"TTC Sugar luôn trong tâm thế biến thách thức thành cơ hội. Chúng tôi đã dành nhiều năm để xây dựng các chiến lược sao cho phù hợp với xu thế, song song đó là sự linh hoạt trong công tác triển khai, thực thi để có thể đạt được kết quả tốt nhất", đại diện công ty cho biết.
Phía TTC cho biết nguyên nhân để có được lợi nhuận gộp cao là do toàn bộ sản lượng đường tồn kho với giá vốn cao đã được tiêu thụ hết ở hai quí trước. Đồng thời công ty cũng thực hiện kiểm soát tốt chi phí đầu vào, tận dụng được lợi thế giá nguyên liệu rẻ nhờ ATIGA.
Chi phí quản lí doanh nghiệp và chi phí bán hàng được công ty kiểm soát chỉ tăng 19% trong khi sản lượng tăng hơn 30%.
Một trong những điểm nhấn thay đổi của TTC trong thời gian qua là cơ cấu vốn với tỉ lệ nợ vay giảm mạnh. Luỹ kế 9 tháng trong niên độ 2019 - 2020, nợ phải trả giảm từ 10.924 tỉ đồng xuống còn 10.616 tỉ đồng. Trong đó, nợ vay ngắn hạn giảm 4%, nợ dài hạn giảm 20%.
Chiến lược giảm nợ vay đã giảm gánh nặng lãi vay và gia tăng hiệu quả hoạt động. Trong 9 tháng đầu năm, SBT đã tiết kiệm được tổng cộng 67 tỉ đồng chi phí lãi vay so với cùng kì, giảm 13% so với cùng kì năm trước.
Tại thời điểm 31/3, tổng tài sản công ty tăng 10% so với thời điểm đầu niên độ, đạt 18.400 tỉ đồng, trong đó chủ yếu đến từ việc tăng các khoản thuộc đầu tư dài hạn như kinh doanh chứng khoán và đầu tư dài hạn như đầu tư vào công ty con, công ty liên kết...
Trên thực tế, nhằm đảm bảo tỷ suất đầu tư hiệu quả và tối đa hóa lợi ích mang lại cho cổ đông cũng như công ty, ngoài mảng kinh doanh chính là mía đường, TTC Sugar cũng đã thực hiện tái cơ cấu danh mục, qua đó đầu tư vào các đơn vị, ngành nghề tiềm năng và phù hợp với chiến lược phát triển của công ty.
Phát triển sản phẩm mới: Đường organic
Kết thúc quí III, đường vẫn đóng vai trò chủ lực trong cơ cấu doanh thu của TTC Sugar khi các sản phẩm đường ghi nhận doanh thu lũy kế 8.404 tỉ đồng, chiếm 92%, tăng 25% so với cùng kì.
Nhằm giảm thiểu rủi ro nguồn thu khi giá đường thế giới có biến động, công ty cũng đã và đang khai thác 5 sản phẩm cạnh đường và sau đường bao gồm nước uống tinh khiết chiết xuất từ hương mía Miaqua, bã mía, điện sinh khối, mật rỉ và phân vi sinh.
Với mô hình khép kín Farm to Fork, TTC Sugar tập trung đồng bộ các nhóm giải pháp để tăng cường năng lực cạnh tranh ngay trên cánh đồng mía bằng cách áp dụng các tiến độ khoa học kĩ thuật để tăng năng suất đường, giảm chi phí canh tác, tăng tỉ lệ cơ giới hóa.
Với diện tích vùng nguyên liệu gần 62.000 ha tại 3 nước Đông Dương, việc áp dụng khoa học kĩ thuật giúp cho TTC Sugar tiếp tục củng cố thế mạnh của mình, đồng thời tạo điều kiện cho hướng phát triển chuỗi nông nghiệp sạch, công nghệ cao.
Đại diện TTC Sugar cho biết đường organic là một trong những sản phẩm tâm huyết của công ty nhằm tăng thêm giá trị cho người tiêu dùng, nhất là khi dịch COVID-19 bùng phát trên thế giới
Hiện các sản phẩm đường organic của TTC Sugar đã và đang được tiêu thụ tại hơn 17 quốc gia châu Âu, các nước Đông Dương, châu Á… Dự kiến, TTC Sugar sẽ mở rộng thị trường sang các nước có yêu cầu khắc khe khác như Mỹ (quốc gia tiêu thụ đường organic lớn nhất thế giới với mức tiêu thụ 250.000 tấn/năm), Hàn Quốc, Nhật Bản,…
Theo Kinh tế và Tiêu dùng