Sự lây lan của virus corona, cùng với giá dầu giảm mạnh và sự sụp đổ đồng real Brazil, đang đồng thời gây ra thiệt hại cho thị trường đường.
Sự hoảng loạn do virus corona gây ra đã tác động mạnh đến thị trường dầu mỏ, khi lệnh hạn chế đi lại được áp đặt tại Trung Quốc, nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, đã làm giảm nhu cầu. Đà giảm có thể sâu hơn dưới ảnh hưởng của động thái gây sốc từ Arab Saudi nhằm tăng sản lượng dầu mỏ để đẩy các đối thủ như Nga và Mỹ ra khỏi thị trường.
Giá dầu ghi nhận tuần giảm thứ 5 liên tiếp trong tuần qua, với giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ giảm 4,8% trong phiên giao dịch ngày 27/3 xuống 21,51 USD/thùng còn giá dầu thô Bent giảm 5,4% xuống 24,93 USD, theo tổng hợp từ Investing.
Theo Foodnavigator, giá dầu sụt giảm đang ảnh hưởng mạnh đến giá đường vì nó khuyến khích các nhà máy hạn chế sử dụng đường mía để sản xuất ethanol, và đường thừa nhiều hơn trên thị trường thế giới.
Tính đến ngày 19/03, giá đường toàn cầu đã giảm 22% trong vòng 15 ngày do giá dầu thô lao dốc, theo Liên đoàn các công ty đường (NFCSF).
Sự sụp đổ của đồng real cũng tác động tới đà giảm của giá đường. Đồng Real đã chạm mức thấp lịch sử so với USD, vì các nhà đầu tư rút khỏi Brazil khi Tổng thống Jair Bolsonaro tỏ ra lãnh đạm tới tình hình đại dịch và mối đe dọa suy thoái kinh tế toàn cầu,.
Brazil là nước xuất khẩu đường lớn nhất thế giới. Do đó, đồng tiền yếu đã tác động đến giá đường bởi nhà xuất khẩu sẽ phải chấp nhận bán với giá thấp.
Tác động của giá đường giảm tới việc cải cách
Trong khi đó, giá đường thấp làm nản lòng các nỗ lực phát triển và đầu tư vào công nghệ mới để giảm lượng đường trong thực phẩm. Thông thường, trong thời kì khủng hoảng kinh tế, người tiêu dùng lãng quên vấn đề sức khỏe để ủng hộ các loại thức ăn nhanh và đồ ngọt.
Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn khá bình tĩnh, họ cho rằng giá đường giảm sẽ không cản trở những bước đi tích cực của ngành với những thách thức về sản xuất các sản phẩm ít đường, lành mạnh nhưng vẫn giữ được mùi vị của thức ăn, từ các chính phủ và người tiêu dùng.
Ông Jack Winkler, Giáo sư danh dự tại Đại học London Metropolitan, đã hợp tác thực hiện một báo cáo thuộc Hợp tác nghiên cứu thực phẩm tại Trung tâm Chính sách Thực phẩm trong năm ngoái nhằm kêu gọi sử dụng chính sách nông nghiệp và thương mại để hạn chế nguồn cung và đẩy giá đường lên cao nhằm khuyến khích cải cách.
Báo cáo này ủng hộ việc sử dụng các công cụ chính sách nông nghiệp để tăng giá và hạn chế lượng đường sử dụng trong thực phẩm, chủ yếu thông qua hạn ngạch sản xuất và nhập khẩu, giá trợ cấp tối thiểu và thuế quan.
Báo cáo cũng kêu gọi cần ra giới hạn về nguồn cung đường cho thị trường Anh, theo đó dần thắt chặt để giảm sản lượng và giá tối thiểu cho đường tinh luyện và/ hoặc đường từ củ cải, để nâng giá đường cung cấp cho ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống.
Tuy nhiên chia sẻ với FoodNavigator, ông Winkler tin sự sụt giảm hiện tại của giá đường sẽ không ảnh hưởng đến cải cách trong dài hạn.
“Tất nhiên, đường rẻ hơn làm giảm động lực cải cách và tăng chi phí cho việc này. Điều đó sẽ ảnh hưởng đến việc thu mua một số nguyên liệu thay thế mới", ông Winkler nói.
Mặc dù vậy, ông nói thêm vì hai chất tạo ngọt chiếm ưu thế (aspartame và AceK) hiện đã hết hạn bằng sáng chế, chúng đã trở thành hàng hóa được sản xuất với giá rẻ ở Trung Quốc và các nơi khác. Hai chất này đang rất rẻ, với chi phí chỉ bằng hoặc ít hơn 5% so với đường.
Do đó, ông tin giá đường sẽ giảm, nhưng không ngăn chặn những nỗ lực cải cách ngành đường.
“Tất nhiên, asparteme và AceK không phù hợp cho mọi ứng dụng, đặc biệt là trong ngành thực phẩm. Tóm lại, giá đường là vấn đề chính trong toàn bộ cuộc tranh luận này. Nhưng có nhiều cách để giải quyết bài toán này. Chúng tôi, gồm các nhà sản xuất đường và chính phủ, cũng như những người ủng hộ sản phẩm có lợi cho sức khỏe, không cần ngồi thụ động nhìn thị trường toàn cầu trải qua chu kì của nó", ông cho biết.
Robert Lambert, giám đốc tiếp thị của Ulrick & Short, nơi cung cấp các giải pháp kĩ thuật cho các nhà sản xuất thực phẩm đang tìm kiếm các giải pháp cải cách, đồng ý rằng giá đường giảm sẽ không gây trở ngại cho các nỗ lực giảm lượng đường.
“Chi phí hiếm khi là động lực chính đằng sau cải cách sản phẩm”, ông nói với FoodNavigator.
“Các tác động của chính phủ, như thuế đường, đã được triển khai để xúc tác các nỗ lực cải cách. Thế nhưng giảm lượng đường và ăn uống lành mạnh đại diện cho sự thay đổi về văn hóa trong xu hướng tiêu dùng của thị trường, thay vì bị ảnh hưởng bởi vấn đề tài chính. Người tiêu dùng ngày càng không có thiện cảm với các sản phẩm đường và calo quá cao.”
Ông cũng cho rằng quá trình cải cách sản phẩm thường kéo dài và phức tạp, và việc giảm giá đường tạm thời sẽ không ảnh hưởng đến chiến lược dài hạn phát triển các sản phẩm lành mạnh. Ngoài ra, vì đường là một loại hàng hóa, nên thị trường rất biến động, thường xuyên lên xuống khi cung và cầu thay đổi.
Cuối cùng, ông chỉ ra rằng cải cách sản phẩm không chỉ bị giới hạn trong việc giảm lượng đường: “Khi kiến thức của người tiêu dùng tăng lên và trọng tâm của chính phủ thay đổi, nhiều nguồn lực sẽ được đưa vào việc giảm tổng lượng calo, điều này có thể đạt được bằng cách giảm chất béo cũng như đường và carb”.
Xu hướng tập trung vào sức khỏe sẽ không chậm lại
Năm ngoái, công ty Tate & Lyle tuyên bố lợi nhuận tăng nhờ cơ hội có được bởi cải cách ngành đường. Công ty tin điều này sẽ được duy trì.
Tommy Lykke Husum, Giám đốc cấp cao về chất làm ngọt của Tate & Lyle cho biết: “Sức khỏe là xu hướng cải tiến hàng đầu trong ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống ở châu Âu, giảm lượng đường là một phần quan trọng trong đó, với việc ngày càng nhiều người tiêu dùng tìm kiếm các sản phẩm ‘ít đường’ hoặc 'không chất tạo ngọt’ trên bao bì.
Chi phí của bất kì thành phần nào đều nằm trong một danh sách dài được cân nhắc cho các nhà nghiên cứu.
Phạm vi và chất lượng của các công cụ giúp các nhà sản xuất đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng nhanh về giảm lượng đường và calo, đó là nguyên nhân rất nhiều dự án khách hàng của công ty tập trung vào lĩnh vực này và chúng tôi không nghĩ xu hướng này sẽ chậm lại trong thời gian tới".
Theo Kinh tế & Tiêu dùng