Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
VSSA: Nguồn cung tháng 3 sẽ không thiếu, giá đường dự báo có lợi khi sản lượng Thái Lan vụ 2019/20 giảm 5 triệu tấn
19 | 03 | 2020
Nhiều khả năng đường vẫn tiếp tục tiêu thụ kém và giá có thể giảm nhẹ dần theo xu hướng đường thế giới. Tuy nhiên giá đường có nguồn gốc từ Thái Lan sẽ không giảm có thể giúp cải thiện giá đường trong nước.

Báo cáo sản xuất mía - đường tháng 2 của Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA) cho biết theo thông tin từ hải quan Thái Lan, lượng đường xuất khẩu từ Thái Lan vào Campuchia trong tháng 1/2020 khoảng 57.000 tấn cao hơn nhiều so với mức 42.195 tấn cùng kì năm 2019.

Trong tháng 2/2020, đường lậu Thái Lan vẫn hoạt động bình thường, tiêu thụ có chậm lại theo tình hình chung của thị trường. Tuy nhiên giá đường lậu vẫn luôn thấp hơn đường trong nước như tại miền bắc và Hà Nội giá khoảng 12.400 - 12.500 đồng/kg, Miền Trung giá khoảng 12.100 - 12.300 đồng/kg, TP HCM giá khoảng 12.500 - 12.700 đồng/kg.

VSSA cho hay đường lậu Thái Lan hiện nay cũng cung cấp đường cỡ hạt trung để đáp ứng yêu cầu của thị trường miền Nam, đặc biệt ở đồng bằng Sông Cửu Long và TP HCM, do đó mặc dù là đường lậu nhưng loại đường này giá cũng đã tăng lên mức 13.500 - 13.600 đồng/kg, gần tới giá đường hạt to trong nước mà bấy lâu nay có lợi thế về cỡ hạt. 

Đáng chú ý thời gian trước đường lậu này còn để luôn nhãn mác bao bì Thái Lan nhưng gần đây đường được sang bao qua các nhãn mác bao bì của các cơ sở kinh doanh đăng kí đóng gói sang chiết bao mà họ tự cho là hợp lệ để tiêu thụ công khai. Những cơ sở này là các đầu mối, các trùm tiêu thụ đường lậu nổi tiếng trên các địa bàn: An Giang, Đồng Tháp, Long An, Kiên Giang, Bình Phước, TP HCM. 

Ngoài ra, đường Thái Lan đã được nhập khẩu chính ngạch, và chỉ cần có tem phụ là lưu thông thoải mái trên thị trường. Các đối tượng kinh doanh đường lậu đã lợi dụng qui định này để công khai vận chuyển đường lậu, rất khó khăn cho các cơ quan quản lí trong việc kiểm soát, Hiệp hội mía đường Việt Nam lí giải.

Bên cạnh đó do tác động của dịch COVID-19 ngành đường toàn thế giới bị ảnh hưởng, không ngoại trừ Việt Nam bởi sản xuất thực phẩm công nghiệp có dùng đường làm nguyên liệu sụt giảm, nhưng giảm nhiều là ở khu vực tiêu thụ trực tiếp của người tiêu dùng.

Do đó đường vẫn tiếp tục tiêu thụ kém và giá có thể giảm nhẹ dần trong thời gian chống dịch COVID-19 cùng với giá đường thế giới cũng đang có xu hướng giảm dần. 

Cũng theo Hiệp hội mía đường Việt Nam trong tháng 3/2020 các nhà máy đường vẫn tiếp tục hoạt động trong vụ ép mía, do đó nguồn cung từ sản xuất trong nước vẫn có, cộng với hai nguồn cung khác là đường nhập khẩu chính ngạch và đường nhập lậu vẫn hiện diện. 

Như vậy vẫn có nhiều nguồn cung, do đó không có hiện tượng thiếu hụt trong tháng 3/2020 và tháng tới, nhưng đường sản xuất từ mía trong nước vẫn sẽ khó tiêu thụ, VSSA dự báo.

Tuy nhiên do sản lượng đường của Thái Lan vụ 2019/20 giảm khoảng 5 triệu tấn so với vụ trước, nên mức cộng thêm của đường Thái Lan đang tăng rất nhanh. 

Theo đó dù giá đường thế giới đang có xu hướng giảm, nhưng giá đường có nguồn gốc từ Thái Lan sẽ không giảm trong thời gian tới bao gồm nhập chính ngạch và đường lậu. Điều này có thể sẽ giúp cải thiện giá đường trong nước trong thời gian sắp đến.

Theo Kinh tế & Tiêu dùng



Báo cáo phân tích thị trường