Văn phòng Mía và Mía đường (OCSB) thuộc Bộ Công nghiệp Thái Lan dự báo sản lượng mía của nước này trong niên vụ 2019/2020 sẽ rơi xuống mức thấp kỷ lục, chỉ đạt 80 triệu tấn, so với mức 130,97 triệu tấn trong niên vụ trước. Nguyên nhân chủ yếu do Thái Lan đang trải qua đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 40 năm trở lại đây.
Điều này sẽ đẩy giá đường trên thị trường quốc tế tăng lên. Sụt giảm nguồn cung đường của Thái Lan, quốc gia sản xuất đường lớn thứ tư và là nước xuất khẩu đường lớn thứ hai thế giới, sẽ đẩy giá đường trên thị trường quốc tế tăng lên.
Ông Ekapat Wangsuwan, tổng thư ký Văn phòng Mía và Mía đường (OCSB) thuộc Bộ Công nghiệp Thái Lan, cho biết chi phí sản xuất đã tăng ở Thái Lan do hạn hán, trong khi nguồn cung mía trên thị trường giảm xuống đã giúp giá đường trên thế giới tăng lên mức 15 cents/pound (0,454 kg). Giá đường thế giới đã được giữ tại mức này kể từ ngày 11/2/2020, đây cũng là mức giá cao nhất kể từ năm 2017 khi thị trường thế giới cũng rơi vào tình trạng thiếu hụt nguồn cung.
OCSB cho biết sản lượng mía của Thái Lan kể từ ngày 1/12/2019 đến 15/2/2020 chỉ đạt 7,4 triệu tấn, giảm 14% so với cùng kỳ năm trước. Ông Ekapat Wangsuwan cũng cho biết lượng đường xuất khẩu của Thái Lan cũng được dự báo giảm trong năm nay. Trong niên vụ 2018/2019, tổng sản lượng đường mía của Thái Lan đã đạt 14,58 triệu tấn; trong đó, lượng đường xuất khẩu đạt 11,98 triệu tấn và 2,6 triệu tấn được sử dụng cho thị trường nội địa.
Ông Siriwut Siempakdi, phó chủ tịch Tập đoàn các nhà máy sản xuất mía đường Thái Lan (TSMC) – đơn vị đại diện cho các nhà sản xuất mía đường, cho biết nếu tình trạng hạn hán kéo dài quá tháng 7/2020 thì ngành sản xuất mía đường Thái Lan sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề.
Dự báo sản lượng mía của Thái Lan trong niên vụ 2019/2020 sẽ giảm xuống dưới mức 80 triệu tấn và sản lượng đường mía của các nhà máy tại Thái Lan sẽ chỉ đạt 9 triệu tấn, theo ông Siriwut Siempakdi. Bên cạnh đó, lượng xuất khẩu đường mía của Thái Lan cũng giảm xuống do nhu cầu sử dụng trên toàn cầu suy giảm.
Giá đường trên thế giới hiện phụ thuộc vào sản lượng của các quốc gia sản xuất mía đường lớn trên thế giới như Brazil, Thái Lan và Ấn Độ. Tại Ấn Độ, sản lượng mía của nước này cũng sẽ giảm xuống do tình trạng hạn hán và các nhà máy tại đây đang dần chuyển từ sản xuất đường mía và mật rỉ sang sản xuất nhiên liệu sinh học ethanol.
Điều tương tự cũng diễn ra tại Brazil, tình trạng hạn hán khiến cây mía bị lão hoá và suy giảm năng suất khiến nông dân trồng mía tại nước này chuyển từ sản xuất đường sang sản xuất nhiên liệu sinh học.
http://www.tapchicongthuong.vn/bai-viet/san-luong-duong-cua-thai-lan-sut-giam-manh-gia-duong-quoc-te-co-the-tang-70952.htm