Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đằng sau một dự án phá sản
07 | 08 | 2007
Giữa tuần rồi, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ đã tuyên bố “Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng giai đoạn 1998 - 2010” bị “phá sản”. Đây là dự án thứ 5 và cuối cùng do Quốc hội thông qua bị phá sản...

Hết tiền: phá sản!

Sau 9 năm trường, kể từ khi được Quốc hội duyệt, cho đến nay, dự án mới chỉ trồng mới được hơn 1,4 triệu ha nhưng tiền dự toán ban đầu (31.000 tỉ) cho toàn dự án không những hết sạch mà còn xài vượt thêm 2.000 tỉ nữa. Một phần không nhỏ trong này là vốn vay nước ngoài.

Nhắm tới hàng loạt mục tiêu lớn như: nâng độ che phủ rừng toàn quốc lên 43%, phát triển kinh tế xã hội miền núi, phát triển lâm nghiệp thành ngành quan trọng của nền kinh tế quốc dân… nhưng sau khi mất 2/3 thời gian, ngoảnh lại mới thấy tiền hết mà đồi trọc còn đầy.

Xin điểm qua một vài “thành tích” của dự án: diện tích rừng trồng không đảm bảo về mật độ cây, chất lượng kém, khả năng cung cấp gỗ cực thấp... Khả năng sinh lợi thấp nên nhiều nơi rừng trồng xong không được quản lý, chăm sóc. Người dân không thể sống bằng việc giữ rừng vì hàng năm, tiền chi cho việc bảo vệ rừng chỉ bằng khoảng 1/24 diện tích rừng hiện có…

Quy trách nhiệm cho ai?

Trước hàng loạt ý kiến chất vấn của đại biểu trong kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá XI hồi giữa năm 2006, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã được phân công giám sát thực trạng dự án để báo cáo tại kỳ họp thứ 10 tới đây. Để cuối cùng, bộ “ngậm ngùi” báo cáo: phá sản, biến dự án trồng mới 5 triệu ha thành dự án 2,4 triệu ha, tức là “nói 2 nhưng chỉ làm gần 1”.

Sở dĩ dự án bị “phá sản” là do việc chuẩn bị chưa đầy đủ, thiếu chặt chẽ, chưa tính hết các điều kiện đảm bảo thực hiện dự án…

Việc trật chìa đã quá rõ, thế nhưng ai là người phải chịu trách nhiệm? Một đại biểu Quốc hội băn khoăn: Thủ tướng là người trực tiếp trình dự án và chịu trách nhiệm trước Quốc hội nhưng đấy là Chính phủ của 9 năm trước, bây giờ có còn chịu trách nhiệm không? Quan trọng hơn, chính Quốc hội mới là người phải chịu trách nhiệm vì Quốc hội thẩm định phê duyệt, thông qua dự án. Nếu Quốc hội sai thì xử lý ra sao?

Thế nhưng, dự án trồng mới 5 triệu ha rừng mới chỉ là một trong năm công trình, dự án trọng điểm mà 9 năm về trước được Quốc hội khoá X chọn ra. Nó cũng chưa phải là “điểm nóng” của sự chậm trễ, yếu kém.

Chọn việc để quyết định

Đến nay, sau gần 9 năm, 5 công trình, dự án gồm: Thuỷ điện Sơn La, Đường Hồ Chí Minh, Trồng mới 5 triệu ha rừng, Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Khí điện đạm Bà Rịa – Vũng Tàu vẫn còn dở dang, bề bộn dù tất cả đã trễ hạn lâu rồi. Quá trình thực hiện, tất cả đều bị điều chỉnh rất lớn về vốn, thời gian, tiến độ... Chưa hết, 2 trong 5 công trình (lọc dầu Dung Quất và đường Hồ Chí Minh) được Quốc hội chọn, chỉ là hợp thức hoá cái việc Chính phủ đã quyết và làm trước đó.

Những ví dụ trên đặt ra vấn đề: Quốc hội cần quyết định những vấn đề gì? Các công trình cụ thể hay chính sách phát triển kinh tế - xã hội?

Tại diễn đàn Quốc hội, khi thảo luận về công trình thuỷ điện Sơn La, nhiều đại biểu có nghe các ý kiến cho rằng công trình trái với quy luật tự nhiên nhưng không hề có phản bác. Khi bàn về những tiêu chuẩn thuần tuý kỹ thuật như độ cao, nguy cơ mất an toàn... các đại biểu lại càng trở nên phân vân. Vì làm sao có đủ kiến thức về chuyên môn kỹ thuật để mà quyết?

Câu trả lời khá rõ: Cái mà Quốc hội cần quyết nhất là phê duyệt ngân sách và phân bổ ngân sách. Việc triển khai sử dụng hiệu quả ngân sách đó là của Chính phủ.

Vì rằng, “Quốc hội không phải và chắc chắn sẽ không bao giờ được cấu thành bằng tất cả những chuyên gia có chuyên môn về kinh tế, kỹ thuật... Vì vậy, Quốc hội không thể thay Chính phủ để quyết định đầu tư, càng không thể phê duyệt luận chứng kinh tế kỹ thuật…” (Đại biểu Phan Anh Minh, TP.HCM).

Chọn việc (khó) để quyết định cho xứng tầm, đó chính là trách nhiệm!



Vĩnh Hoà
Báo cáo phân tích thị trường