Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tác động của Hiệp định EVFTA tới ngành gỗ Việt Nam khi xuất khẩu vào EU
07 | 09 | 2020
Ngày 1 tháng 8 năm 2020, Hiệp định Thương mại Tự do (EVFTA) giữa Việt Nam và EU chính thức có hiệu lực, được kỳ vọng là một trong những động lực quan trọng nhằm thúc đẩy mở rộng thị trường cho các hàng hóa của Việt Nam, bao gồm cả gỗ và sản phẩm gỗ (G& SPG) xuất khẩu vào EU. EVFTA mặc dù đem lại những ưu đãi về thuế, nhưng với các mức thuế ưu đãi mới sẽ không tạo được các động lực mới nhằm nâng cao sức cạnh tranh, mở rộng thị trường cho các mặt hàng gỗ của Việt Nam xuất khẩu vào EU trong tương lai.

Theo goviet.org.vn

Ngày 1 tháng 8 năm 2020, Hiệp định Thương mại Tự do (EVFTA) giữa Việt Nam và EU chính thức có hiệu lực, được kỳ vọng là một trong những động lực quan trọng nhằm thúc đẩy mở rộng thị trường cho các hàng hóa của Việt Nam, bao gồm cả gỗ và sản phẩm gỗ (G& SPG) xuất khẩu vào EU.

Để đánh giá một số ảnh hưởng của Hiệp định với ngành gỗ, báo cáo “Tác động của Hiệp định EVFTA tới các mặt hàng gỗ của Việt Nam xuất khẩu vào EU” xem xét một số tác động ban đầu của việc thay đổi về thuế nhập khẩu vào EU về việc mở rộng thị trường cho các mặt hàng gỗ của Việt Nam được xuất khẩu vào khối này trong tương lai. Báo cáo chưa xem xét tác động của EVFTA đối với ngành gỗ về các khía cạnh như thúc đẩy đầu tư, xóa bỏ các rào cản trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, bảo vệ bản quyền, đầu tư công… là các khía cạnh cũng được quy định trong Hiệp định.

Qua phân tích cho thấy, EVFTA mặc dù đem lại những ưu đãi về thuế, nhưng với các mức thuế ưu đãi mới sẽ không tạo được các động lực mới nhằm nâng cao sức cạnh tranh, mở rộng thị trường cho các mặt hàng gỗ của Việt Nam xuất khẩu vào EU trong tương lai.

Cụ thể, Việt Nam xuất khẩu tổng số 253 mặt hàng gỗ vào EU với kim ngạch trên 500 triệu USD mỗi năm. Trước khi EVFTA có hiệu lực, 117 mặt hàng (tương đương với 46,2%) đã có mức thuế nhập khẩu vào EU ở mức 0%. Mặc dù chỉ chiếm dưới 50% trong tổng số các mặt hàng gỗ Việt Nam xuất khẩu vào EU hàng năm, kim ngạch xuất khẩu hàng năm các mặt hàng thuộc nhóm này tương đương khoảng gần 90% trong tổng số kim ngạch xuất khẩu tất cả các mặt hàng gỗ của Việt Nam vào khối này. Điều này có nghĩa rằng về phương diện thuế, EVFTA được thực thi sẽ không có tác động đối với nhóm các mặt hàng này.

Trong 253 mặt hàng xuất khẩu vào EU có 104 mặt hàng có mức thuế từ 1,7% đến 6% trước EVFTA. Các mức thuế với nhóm mặt hàng này được đưa về 0% ngay sau khi EVFTA có hiệu lực. Tuy vậy, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong nhóm này hàng năm chỉ khoảng 50 triệu USD, tương đương dưới 10% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng năm của tất cả các mặt hàng gỗ của Việt Nam vào EU. Do vậy, việc đưa mức thuế về 0% khi EVFTA có hiệu lực cũng sẽ không có nhiều ý nghĩa đối với nhóm 104 mặt hàng này.

Cũng trong các nhóm mặt hàng gỗ xuất khẩu của Việt Nam có 2 mặt hàng chịu mức thuế 6% trước khi EVFTA được ký kết. Mức thuế này sẽ được đưa về 0% trong thời gian 4 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu nhóm các sản phẩm này chỉ chiếm khoảng dưới 0,4%, tương đương khoảng 2 triệu USD, trong tổng giá trị xuất khẩu G&SPG Việt Nam vào EU. Thay đổi mức thuế về 0% đối với nhóm này sẽ không có nhiều ý nghĩa trong việc mở rộng thị trường cho nhóm hàng này.

Có 30 mặt hàng gỗ của Việt Nam khi xuất khẩu vào EU phải chịu mức thuế trong khoảng 7-10% tùy theo mặt hàng trước khi EVFTA có hiệu lực. Các mức thuế này được đưa về 0% trong thời hạn 6 năm kể từ khi EVFTA đi vào thực hiện. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu hàng năm các mặt hàng này rất nhỏ, khoảng 5 triệu USD, tương đương dưới 1% trong tổng kim ngạch các mặt hàng gỗ của Việt Nam xuất vào EU. Tương tự như những nhóm mặt hàng nêu trên, thay đổi về thuế khi EVFTA có hiệu lực sẽ không có ý nghĩa đối với nhóm sản phẩm này.

 

 

 

Links báo cáo: https://goviet.org.vn/upload/aceweb/content/Bao%20cao_Tac%20dong%20EVFTA%20toi%20nganh%20go%20Viet%20Nam.pdf



Theo hiệp hội gỗ Việt Nam
Báo cáo phân tích thị trường