Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nikkei: Nhu cầu giấy vụn phế liệu tại Việt Nam, Thái Lan tăng mạnh
23 | 10 | 2020
Tình trạng thiếu giấy phế liệu ở Việt Nam, Thái Lan, Đài Loan và một số khu vực khác của châu Á khiến giá vật liệu tái chế xuất khẩu của Nhật Bản tăng mạnh.
Nguồn: Vinanet.vn
Nikkei dẫn số liệu thương mại chính thức của Nhật Bản cho biết, giá giấy phế liệu xuất khẩu của đất nước mặt trời mọc đạt trung bình 14,6 yen/kg trong tháng 8, tăng 50% so với mức thấp gần nhất là 9,9 yen/kg hồi tháng 12 năm ngoái.
Trước khi Trung Quốc cấm hoàn toàn việc nhập khẩu giấy phế liệu vào tháng 1 năm nay, các công ty từ thị trường tỉ dân đã gấp rút đặt lượng lớn đơn hàng, giúp giá giấy phế liệu xuất khẩu của Nhật Bản tăng lên. Tuy nhiên, điều này cho thấy mức tăng khó có thể kéo dài lâu mà chỉ tăng ngắn hạn.
Một công ty bán buôn tại Nhật Bản cho hay: "Xuất khẩu vật liệu tái chế không thể hái ra tiền cho đến đầu mùa xuân năm nay, bây giờ hoạt động xuất khẩu giấy phế liệu đang có lãi".
Đại dịch COVID-19 đã làm gián đoạn việc thu gom và sản xuất giấy phế liệu tại Đài Loan, Thái Lan và Việt Nam. Các hãng sản xuất địa phương phải mua phế liệu từ Nhật Bản để lấp đầy khoảng trống nguồn cung.
Các công ty giấy Trung Quốc thường nhập khẩu nguyên liệu từ các nước phương Tây. Tuy nhiên, nhiều lô hàng trong số đó hiện bị từ chối vì mức độ tạp chất trong giấy phế liệu không phân loại không đáp ứng các hạn chế mới của chính quyền Bắc Kinh.
Đứng trước thay đổi này, các hãng vận tải đường biển chần chừ không muốn vận chuyển giấy phế liệu đến Trung Quốc, khiến hoạt động mua phế liệu từ Mỹ và châu Âu yếu đi.
Ngoài ra, Bắc Kinh đã cấm hoàn toàn việc nhập khẩu giấy phế liệu bắt đầu từ tháng 1/2020. Trước lệnh cấm mới, doanh nghiệp Trung Quốc đã chuyển hẳn sang mua giấy phế liệu từ nước láng giềng Nhật Bản.
Theo Nikkei, các nhà cung ứng giấy phế liệu của Nhật Bản chủ yếu cung cấp nguồn hàng cho các công ty giấy trong nước. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 khiến hoạt động sản xuất giấy của Nhật Bản đi xuống, buộc doanh nghiệp cung ứng phải đẩy nguồn giấy phế liệu ra nước ngoài.
So với mức đỉnh hồi tháng 12/2019, tồn kho giấy phế liệu ở khu vực Tokyo đã giảm 30% xuống còn 39.541 tấn vào cuối tháng 8, theo Hiệp hội Công nghệ và Thương mại Kanto Seishi Genryo Chokuno.
Một công ty bán buôn cho biết nhiều lô hàng đến các nhà sản xuất giấy nội địa đã giảm mạnh, do đó họ phải tìm cách xuất khẩu giấy phế liệu ra nước ngoài.
Nhật Bản đã xuất khẩu khoảng 2,24 triệu tấn giấy phế liệu trong giai đoạn 8 tháng đầu năm nay, tăng 10% so với cùng kì năm trước.
Giá giấy phế liệu xuất khẩu dường như sắp đạt đỉnh, khi mà sức mua từ Trung Quốc dự kiến sẽ chững lại vào giữa tháng 11. Một nhà buôn phế liệu cho biết trong tháng 10, giá lô hàng bìa cứng đã qua sử dụng đang bắt đầu giảm.
Các nhà cung ứng giấy phế liệu Nhật Bản đang cố gắng mở rộng kênh bán hàng bên ngoài Trung Quốc, chẳng hạn như tiếp cận thị trường Thái Lan và Việt Nam. Tuy nhiên, các đối thủ phương Tây dường như có cùng ý tưởng nên mức độ cạnh tranh ở châu Á ngày càng gay gắt.
Trước bối cảnh sức mua của Trung Quốc giảm và mức độ cạnh tranh tại châu Á tăng cao, một giám đốc công ty buôn bán phế liệu Nhật Bản nhận định: "Giá giấy phế liệu xuất khẩu sẽ giảm mạnh trong tương lai".


Báo cáo phân tích thị trường