Cùng với việc hạ các dòng thuế về 0%, EU kiếm soát chặt chẽ truy suất nguồn gốc, tồn dư hóa chất buộc doanh nghiệp nông sản Việt nghiêm túc hơn trong sản xuất.
Nông sản Việt Nam mỗi năm lại phải thay đổi, nâng cao tiêu chuẩn theo yêu cầu từ thị trường châu Âu. Trong tọa đàm "EVFTA cho nông sản Việt - thích nghi và bứt phá" vừa diễn ra, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định điều này sẽ tiếp diễn dù EVFTA có làm cánh cửa đến với người tiêu dùng quốc tế của hàng hóa Việt Nam rộng mở hơn.
EVFTA xoá bỏ 85% dòng thuế về 0%, sau 7 năm sẽ tiến tới 99% dòng thuế. "Thị trường tiềm năng lớn, không thu phí nhưng trạm kiểm soát rất nhiều", ông Tuấn nhấn mạnh. Trạm kiểm soát theo giải thích của ông là bộ những quy định, tiêu chuẩn và chế tài dành riêng cho nông sản đã tăng lên vào thời điểm ngày 1/8.
Ông Tuấn ví dụ, một kg nông sản vào châu Âu lúc này phải truy xuất được nguồn gốc, vùng trồng, khí hậu, chăm bón đến thu hái. Nếu sản phẩm không đảm bảo chỉ số về dư lượng thuốc trừ sâu, chỉ dẫn địa lý rõ ràng, mẫu mã như trên bao bì sẽ bị trả lại. "Doanh nghiệp phải chấp nhận nếu muốn bước vào sân chơi này", ông Tuấn nhấn mạnh.
Dưới góc độ doanh nghiệp có nhiều năm xuất khẩu cà phê sang châu Âu, ông Thái Như Hiệp, Chủ tịch Hội đồng thành viên công ty TNHH Vĩnh Hiệp kiêm Tổng giám đốc l’amant cafe đánh giá hiệp định này là cuộc chơi công bằng cho tất cả. Thị trường châu Âu đưa ra "đề bài mở", hạ thuế quan nhưng đòi hỏi sự minh bạch và cạnh tranh công bằng.
"Trước đây, chúng ta quan tâm đến giá, thì giờ là nguồn gốc, chất lượng và thương hiệu sản phẩm", ông Hiệp nói.
Doanh nghiệp đang ở trong một cuộc cạnh tranh rộng hơn cần phải xây dựng lại chuỗi sản xuất của mình từ đầu, để người tiêu dùng châu Âu chấp nhận nông sản Việt như từ các nước có nền nông nghiệp phát triển khác.
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ảnh: Tuấn Cao.
Bên cạnh đó, nhà thu mua tại EU rất quan tâm đến trách nhiệm xã hội của đối tác làm ăn với mình trên toàn thế giới. Bà Trần Phước Hậu, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Trân Châu cho biết, EVFTA là điều kiện cần, nhưng tự thân doanh nghiệp phải tạo ra điều kiện đủ.
"Từ năm 2018, chuẩn bị cho thị trường lớn là EU, doanh nghiệp đã tìm hiểu thị trường này cần những tiêu chuẩn gì, từ đó xác định thứ nhất là chất lượng, thứ hai là đạo đức xã hội - chuyện tất nhiên của một doanh nghiệp", bà Hậu nói.
Công ty liên kết với người dân xây dựng chương trình hồ tiêu bền vững, tạo cầu nối giữa doanh nghiệp và nông hộ trên vùng nguyên liệu 1.000 ha. Công ty cung cấp người nông dân kỹ thuật, có một đội ngũ sẵn sàng xuống nông hộ hỗ trợ người dân khi cần. Đơn vị còn xây dựng trường học cho các em ở vùng dân tộc thiểu số, chú trọng quyền phụ nữ, quan tâm đến các nông hộ có chủ là phụ nữ.
Nhiều tổ chức châu Âu sẵn sàng giới thiệu về trách nhiệm xã hội của các nhà xuất khẩu Việt Nam, có riêng một tổ chức cử cán bộ tới kiểm tra, giám sát xem doanh nghiệp theo đúng tiêu chuẩn.
Sau thời điểm EVFTA có hiệu lực, một tín hiệu tốt là các doanh nghiệp tăng xuất khẩu sang thị trường EU. Điều này cho thấy hiệp định đã tạo cơ hội thuận lợi để đi ra thị trường lớn, giàu có.
Thị trường EU như "chợ lớn" có 511 triệu dân, thu nhập bình quân đầu người trên 35 triệu USD, nhập khẩu 160 tỷ USD hàng nông lâm thuỷ sản mỗi năm. Trong đó, Việt Nam mới xuất sang 4 tỷ USD mỗi năm, đạt 2,5% so với yêu cầu từ thị trường này.
"Người tiêu dùng châu Âu sẵn sàng mua hàng với mức giá cao hơn một chút nếu thương hiệu tốt, chất lượng đảm bảo. Tuy nhiên đây là cuộc chơi lâu dài, không thể ngày một, ngày hai mà hoá rồng ngay được", ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn nói.