Liên quan đến quy định xe kinh doanh vận tải phải chuyển đổi sang biển số màu vàng, PNVN đã trao đổi với ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội:
+ Thưa ông, Bộ Công an đã ban hành Thông tư 58/2020 có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, trong đó có quy định ô tô kinh doanh vận tải bao gồm xe taxi, xe công nghệ, xe khách, xe tải phải có biển số nền màu vàng, chữ và số màu đen (điểm đ, khoản 6, Điều 25). Như thế, các loại xe đang kinh doanh vận tải sẽ phải đổi từ biển trắng hiện nay sang biển vàng. Quan điểm của ông như thế nào?
Ông Bùi Danh Liên: Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội chúng tôi không đồng tình quy định này. Chúng tôi cho rằng, việc ban hành Thông tư 58 tuy đúng trình tự, nhưng mục tiêu của quy định trên chưa rõ. Bởi, Bộ Công an là đơn vị đảm bảo về an toàn giao thông, còn xe kinh doanh vận tải thì đã quy định là Bộ Giao thông vận tải và Thuế (để thu thuế). Nhưng giờ, Bộ Công an lại nhảy sang quản lý xe kinh doanh vận tải.
+ Nói như vậy là Bộ Công an lấn sân, thưa ông?
Ông Bùi Danh Liên: Đúng vậy. Với quy định trên thì Bộ Công an đã lấn sân. Thực tế, lĩnh vực an toàn giao thông đã có rất nhiều văn bản quy định, nhưng Bộ Công an chưa thực hiện tốt và còn nhiều vấn đề chưa minh bạch. Vì thế, người dân và doanh nghiệp vận tải thiếu tin tưởng về những giải pháp của Bộ Công an đưa ra. Tôi cho rằng, trước mắt Bộ Công an cần phải làm những gì mà pháp luật quy định.
+ Liệu việc đổi biển như quy định trên có giúp Cơ quan công an quản lý tốt hơn không, thưa ông?
Ông Bùi Danh Liên: Lý do Bộ Công an đưa ra là việc đổi biển sẽ giúp nhận diện xe kinh doanh vận tải để xử lý khi có vi phạm. Tuy nhiên, tôi cho rằng, chế tài xử lý phương tiện giao thông vi phạm đã có. Nếu xe nào vi phạm, không kể là xe cá nhân hay xe kinh doanh đều bị xử lý. Hơn nữa, Bộ Công an cũng có nhiều công cụ để quản lý phương tiện vận tải, ví như ghi hình, phạt nguội các phương tiện vi phạm.
Hiện nay thế giới cũng như Việt Nam đã bước vào kỷ nguyên công nghệ 4.0. Cơ quan chức năng phải áp dụng công nghệ để quản lý, chứ đâu có nhận dạng bằng mắt thường. Nếu nhận dạng bằng mắt thường, chúng ta lại quay trở lại vài chục năm trước.
Hơn nữa, việc nhận diện xe kinh doanh vận tải hiện nay cũng không phải quá khó. Ví như, với các xe 16 chỗ hay 29, 45 chỗ thì chỉ cần nhìn qua ai cũng biết. Còn các xe dưới 9 chỗ, nếu kinh doanh vận tải thì đã có tem, phù hiệu riêng từ trước và đã được cơ quan nhà nước xác nhận. Vì thế, không thể đưa ra lý do này để biện minh được.
+ Liệu quy định này có gây lãng phí xã hội hay không?
Ông Bùi Danh Liên: Quy định này lợi chưa thấy đâu, nhưng chúng tôi tạm tính ít nhất gây thiệt hại khoảng 16.000 tỷ đồng chi phí của xã hội. Cụ thể, để đổi biển, chủ xe phải chuẩn bị 11 loại giấy tờ như đăng ký biển số xe cũ, phù hiệu, đăng kiểm. Nếu chủ xe vay ngân hàng thì còn phải đề nghị lấy giấy tờ xe, cam kết, rồi ký lại hợp đồng vay vốn… Tôi tính, để hoàn thành 11 loại giấy tờ trên cũng phải mất thời gian 10 ngày. Với dự kiến 1,6 triệu chiếc xe ô tô kinh doanh vận tải sẽ phải đổi biển, chi phí xã hội đã tốn ít nhất 16.000 tỷ đồng, trong khi chưa thấy lợi ích gì.
+ Nhưng một số nước đã thực hiện, thưa ông?
Ông Bùi Danh Liên: Dù giải pháp trên phù hợp với một số nước, nhưng trong thời điểm hiện nay thì không phù hợp với Việt Nam. Bởi trình độ quản lý Việt Nam còn thấp, thu nhập người dân còn thấp. Hơn nữa, Việt Nam vừa qua dịch COVID-19, kinh tế chưa hồi phục. Doanh nghiệp vận tải đang lao đao vì ít khách, lãi ngân hàng đè nặng. Từ đầu năm đến nay, hơn 50% doanh nghiệp kinh doanh vận tải phải ngừng hoạt động hoặc phá sản. Bây giờ, họ còn phải thêm khoản phí không đáng có khiến họ càng nặng gánh hơn.
Về giải pháp, tôi cho rằng Chính phủ cần lùi thời gian thực hiện quy đổi biển đối với xe kinh doanh vận tải thêm vài năm. Hoặc trước mắt, nên thực hiện đổi biến thí điểm với xe taxi truyền thống. Nếu việc thí điểm có hiệu quả thì chúng ta sẽ mở rộng sang các loại xe khác.
Xin cảm ơn ông!