Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Hàng thủy sản đông lạnh đã được Bộ NN&PTNT xác nhận là sản phẩm chế biến
02 | 11 | 2020
Tại công văn số 7365/BNN-CBTTNS (CV 7365) gửi Bộ Tài chính mới đây, Bộ NN&PTNT cho biết ba hoạt động là: Chế biến từ sản phẩm tươi sống đã qua đông lạnh đến -180C; chế biến từ sản phẩm tươi sống thành sản phẩm chín và chế biến từ nguyên liệu có pha trộn gia vị phụ liệu để ra hàng GTGT đều là hoạt động chế biến thủy sản và được phân vào nhóm ngành 102-1020: chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản.

Theo VASEP.COM.VN

Trước đó, ngày 22/9/2020, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng đã gửi ý kiến đồng nhất với Bộ NN&PTNT dựa theo căn cứ Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam (VSIC) ban hành kèm theo Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 6/7/2018. Hiện nay, các DN chế biến XK thủy sản tiếp tục ngóng chờ ý kiến từ phía Bộ Tài chính về vấn đề này.

CV7365 của Bộ NN&PTNT gửi Bộ Tài chính cũng đã nêu rõ, tại Mục II, Phụ lục II Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg 6/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về Ban hành Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam quy định về nội dung hệ thống ngành kinh tế Việt Nam như sau: “C: CÔNG NGHIỆP CHẾ BIẾN, CHẾ TẠO: Chế biến, chế tạo gồm các hoạt động làm biến đổi về mặt vật lý, hoá học của vật liệu, chất liệu hoặc làm biến đổi các thành phần cấu thành của nó, để tạo ra sản phẩm mới, mặc dù không phải là tiêu chí duy nhất để định nghĩa chế biến. Vật liệu, chất liệu, hoặc các thành phần biến đổi là nguyên liệu thô từ các sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, khai thác mỏ hoặc quặng cũng như các sản phẩm khác của hoạt động chế biến. Những thay đổi, đổi mới hoặc khôi phục lại hàng hóa cũng được xem là hoạt động chế biến. Các đơn vị trong ngành chế biến này bao gồm nhà xưởng, nhà máy hoặc xưởng sản xuất sử dụng máy và thiết bị thủ công. Các đơn vị chế biến sản phẩm bằng thủ công tại nhà bán ra thị trường các sản phẩm làm ra như may mặc, làm bánh cũng bao gồm trong nhóm ngành này. Các đơn vị chế biến ở đây còn bao gồm các hoạt động xử lý vật liệu hoặc ký kết với các đơn vị chế biến khác về vật liệu của họ. Cả hai loại hình của các đơn vị này đều là hoạt động chế biến”.

Đồng thời Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 6/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định mã ngành Cấp 4 C-10-102-1020: Chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản, bao gồm:

- Chế biến và bảo quản cá, tôm, cua và loài thân mềm; làm lạnh, sấy khô, hun khói, ướp muối, ngâm trong nước muối, đóng gói...

- Sản xuất các sản phẩm cá, tôm cua và các loài động vật thân mềm; cá nấu chín, cá khúc, cá rán, trứng cá muối, phụ phẩm trứng cá muối,...

- Sản xuất các thức ăn cho người hoặc súc vật từ cá;

- Sản xuất các thức ăn từ cá và các động vật sống dưới nước khác không dùng cho người;

- Hoạt động của các tàu tham gia việc chế biến, bảo quản cá;

- Chế biến rong biển.

Căn cứ vào các quy định nêu trên thì các hoạt động: (1) chế biến từ sản phẩm tươi sống đã qua đông lạnh đến -180C; (2) chế biến từ sản phẩm tươi sống thành sản phẩm chín; (3) chế biến từ nguyên liệu có pha trộn gia vị phụ liệu để ra hàng GTGT đều là hoạt động chế biến thủy sản và được phân vào nhóm ngành 102-1020: chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản.

Trước đó, ngày 30/7/2020, VASEP đã gửi Công văn số 104/2020/CV-VASEP (CV104) tới Tổng cục Thuế nêu vướng mắc về chính sách thuế TNDN đối với hoạt động chế biến thủy sản và đề xuất nội dung sửa đổi Thông tư 26/2015/TT-BTC sau khi nhận được liên tiếp các phản ánh của DN thủy sản Hội viên VASEP về thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) cho ngành chế biến thủy sản liên quan đến quy định và việc thực thi Thông tư 26/2015/TT-BTC ngày 27/2/2015 và Thông tư 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015. Theo những văn bản này, hầu hết mặt hàng thủy sản chế biến XK bị áp sang là hàng “sơ chế” thay vì là “chế biến” khiến các DN không được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TNDN và gây nhiều bức xúc cho cộng đồng DN thủy sản.

Ngày 16/6/2020, VASEP đã gửi Công văn số 85/2020/CV-VASEP tới Cục Thuế tỉnh Cà Mau có ý kiến về chính sách thuế TNDN đối với hoạt động chế biến thủy sản.

Sau khi nhận được Công văn số 109/CV-CTY ngày 12/6/2020 của Công ty Cổ phần thủy sản Cà Mau; Công văn 1057/TB-CT ngày 05/6/2020 của Cục Thuế tỉnh Cà Mau; Công văn số 89/2019/CV-VASEP của VASEP ngày 19/9/2019, Bộ NN&PTNT đã có Công văn số 4476/BNN-TCTS gửi Bộ Tài chính đề nghị Bộ này xem xét, giải quyết và hướng dẫn về kiến nghị của VASEP theo hướng đồng thuận với Hiệp hội về vấn đề này.



Theo Vasep
Báo cáo phân tích thị trường