Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Sản lượng cá tra giảm mạnh do chịu tác động của COVID-19 và xâm nhập mặn
13 | 08 | 2020
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP) cho biết theo số liệu thống kê của Tổng cục Thủy sản, tính đến hết tháng 6, diện tích thả nuôi cá tra của cả nước ước đạt 4.530 ha (bằng 95,7% so với cùng kì 2019). Diện tích thu hoạch là 1.536 ha (bằng 78% so với cùng kì 2019).

Theo kinh tế và tiêu dùng

Sản lượng cá tra đến hết tháng 6 ước đạt 587,3 nghìn tấn, bằng 86,5% so với cùng kì, đạt 36% kế hoạch năm 2020. Trong đó, diện tích nuôi và sản lượng thu hoạch tập trung ở 5 tỉnh trọng điểm là: Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Bến Tre và Vĩnh Long.

Sản xuất giống cá tra 6 tháng đầu năm 2020 tại các địa phương vùng ĐBSCL ổn định.

Toàn vùng ĐBSCL có khoảng hơn 200 cơ sở sản xuất giống cá tra (cơ sở có nuôi giữ đàn cá tra bố mẹ), gần 3.000 ha ương dưỡng cá tra giống; sản xuất được khoảng 0,9 tỉ cá tra giống (bằng 100% so với cùng kì năm 2019); đã thay thế 45.000 con cá bố mẹ chọn giống, do đó chất lượng con giống cá tra đã từng bước được cải thiện.

Theo Tổng cục Thủy sản, các tháng đầu năm 2020, hoạt động sản xuất, chế biến, xuất khẩu cá tra có xu hướng giảm sút do tác động kép của đại dịch COVID-19 và xâm nhập mặn kéo dài.

Trong khi đó, sản lượng cá tra năm 2019 đạt mức 1,42 triệu tấn dẫn đến nguồn cung dư thừa, tiêu thụ sản phẩm khó khăn.

Sự phụ thuộc vào xuất khẩu đã khiến ngành hàng gặp nhiều khó khăn khi các đơn hàng bị đối tác hủy hoặc hoãn giao hàng do lệnh giãn cách xã hội ở hầu hết các quốc gia nhập khẩu.

Trong quí 1/2020, giá cá tra nguyên liệu đã rơi xuống mức 19.000 – 21.000 đồng/kg. Ở mức giá này, cả người nuôi và DN xuất khẩu đều mệt mỏi.

Bước sang quí 2, giá cá nguyên liệu lại tiếp tục giảm thêm, tới tháng 6, giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL liên tục đứng ở mức thấp, dao động trong khoảng 17.200 – 19.000 đồng/kg đối với loại 700-800 g/con, trong khi giá thành sản xuất từ 21.000 - 22.000 đồng/kg, giảm 40% so với cùng thời điểm năm 2019.

Theo Bộ NN&PTNT, nhu cầu bắt cá nguyên liệu ngoài của các công ty hiện vẫn yếu. Thị trường vẫn diễn biến chậm do tình hình xuất khẩu vẫn ảm đạm với lượng đặt hàng mới yếu, lượng tồn kho cao cùng với giá xuất khẩu thấp. 

Tiến độ thả nuôi cá thịt hiện đang chững, các hộ nuôi sau khi thu hoạch cá thịt tạm thời treo ao chờ tín hiệu mới từ thị trường rồi mới cân nhắc việc bắt giống thả lại. Nhìn chung, giá cá giống mẫu 30 con/kg ổn định quanh mức 14.000-15.000 đồng/kg.

Giá cá giống cũng đang ở mức rất thấp, chỉ khoảng 20.000 đồng/kg. Với mức giá này, người nuôi cá giống chịu lỗ từ 3.000-4.000 đồng/kg so với giá thành sản xuất.

Sau khi giá cá tra xuất khẩu trung bình giảm xuống mức 2,15 – 2,25 USD (tháng 10-12/2019) từ giá tốt 2,75 USD vào tháng 3/2019. Giá cá tra phile đông lạnh xuất khẩu đã tăng lên mức 2,25 – 2,35 USD/kg trong tháng 1/2020.

Tuy nhiên, trong tháng 2 và 3/2020, giá cá tra phile đông lạnh xuất khẩu lại giảm xuống mức dưới 2,2 USD/kg và mức giá này tiếp tục được duy trì cho tới hết quí 2.

Dự báo trong thời gian tới, giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL tiếp tục duy trì ở mức như hiện nay do tác động từ biến động của thị trường thế giới.

VASEP cho biết hiện tại, COVID-19 vẫn còn ảnh hưởng mạnh tới hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp chế biến cá tra trong nước.



Theo H Mĩ
Báo cáo phân tích thị trường