Nguồn: Bộ Nông nghiệp và PTNT
Trong tháng 10 năm 2020, xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn ước đạt 215 nghìn tấn, tương đương 80 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu 10 tháng đầu năm 2020 ước đạt 2,14 triệu tấn với giá trị 758 triệu USD; tăng 12,3% về khối lượng và 1,9% về giá trị so với cùng kì năm 2019. Giá xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn bình quân 10 tháng đầu năm 2020 ước đạt 353,8 USD/tấn, giảm 9,3% so với cùng kì năm ngoái, đây cũng là tháng Trung Quốc nghỉ lễ Quốc khánh nên giao dịch xuất khẩu tinh bột sắn tại Móng Cái và Lạng Sơn đang tạm thời bị ngưng trệ. Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu chủ lực trong 9 tháng đầu năm 2020 khi chiếm 90,6% trong thị phần xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn của Việt Nam. Cụ thể, tổng sản lượng xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn sang Trung Quốc 9 tháng đầu năm 2020 đạt 1,75 triệu tấn, tương tương với 614 triệu USD, tăng 13,5% về sản lượng và tăng 1,6% về giá trị so với cùng kì năm 2019. Đài Loan, Malaysia cũng là 2 thị trường tăng trưởng mạnh nhập khẩu sắn và sản phẩm sắn của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2020, với mức tăng trưởng về giá trị xuất khẩu lần lượt là 29,2% và 15,4% so với cùng kì năm ngoái. Giá xuất khẩu sắn lát sang Trung Quốc bình quân tháng 9 đạt 228 USD/tấn tăng 4% so với tháng 8 năm 2020, nhưng giảm 11% so với cùng kì năm ngoái.
Về cơ cấu sản phẩm: (i) Mặt hàng sắn lát, xuất khẩu 10 tháng đầu năm 2020 tăng mạnh ước đạt 547 nghìn tấn, tương đương 126 triệu USD, tăng 104% về lượng và 117% về giá trị so với cùng kì năm trước. Mức tăng trưởng này đạt được là nhờ Trung Quốc thu mua một lượng lớn sắt lát của Việt Nam trong nửa đầu năm 2020 để phục vụ cho ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi và sản xuất ethanol. Giá xuất khẩu sắn lát bình quân 10 tháng ở mức 230 USD/tấn, tăng 7% so với mức giá 216 USD/tấn của cùng kì năm trước. (ii) Mặt hàng tinh bột sắn, xuất khẩu 10 tháng đầu năm 2020 ước đạt 1,59 triệu tấn với giá trị 632 triệu USD, giảm 3% về lượng và giảm 8% về giá trị so với cùng kì năm 2019. Giá xuất khẩu bình quân tinh bột sắn đạt 396 USD/tấn, giảm 5% so với cùng kì năm trước.
Tại thị trường trong nước, giá sắn củ tươi vụ mới tính đến ngày 20/10 khu vực Tây Ninh/Bình Phước tăng nhẹ, giao động ở mức 2.670 – 2.700 đồng/kg do lượng sắn đưa về nhà máy giảm và tỷ giá CNY/VND tiếp tục tăng. Trong khi đó, nhiều nhà máy tại Tây Ninh và miền Trung cũng phải tạm ngừng hoạt động do thiếu nguyên liệu. Nguồn sắn lát tồn kho vụ 2019-2020 của Việt Nam gần như cạn kiệt. Trong khi đó, mùa vụ 2020-2021 tại khu vực Tây Ninh tiếp tục gặp khó khăn do lượng sắn từ Campuchia về ít hơn với giá cao hơn các năm trước. Điều này đã tạo áp lực lớn lên nguồn cung sắn lát của Việt Nam.
Dự báo giao dịch xuất khẩu sắn lát và tinh bột sắn trong thời gian tới sẽ sôi động hơn khi nhu cầu mua từ Trung Quốc tăng lên và Việt Nam đang bước vào vụ thu hoạch. Tuy nhiên áp lực nguồn cung vẫn sẽ là mối đe dọa đối với các nhà máy chế biến khi tồn kho nội địa cạn kiệt, dịch bệnh khảm lá tiếp tục lan rộng với mức độ nặng hơn năm trước và lượng sắn từ thị trường Campuchia xuất khẩu sang ít do đang phải đối phó với tình trạng lũ lụt nghiêm trọng xảy ra hầu hết ở các tỉnh khi mưa lớn kéo dài từ đầu tháng 9.