Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Gu uống cà phê thay đổi, người Việt chi tiền tỉ mua máy pha cà phê
23 | 11 | 2020

(NLĐO) – Thị trường cà phê nội địa đang rất sôi động với nhiều cách uống mới, người Việt đã mạnh tay chi tiền mua máy pha cà phê hiện đại.

Ngày 12 và 13-11 tại TP HCM, Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam (Vicofa) phối hợp cùng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức chương trình đào tạo "Nâng cao năng lực xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường xuất khẩu cho ngành cà phê Việt Nam".

Theo ông Nguyễn Tấn Vinh, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu K-Pan (chuyên gia có 20 năm kinh nghiệm về rang xay và pha chế cà phê), cách thưởng thức cà phê của người Việt đã thay đổi rất nhiều trong những năm gần đây.

"10 năm trước, Việt Nam rất lạ lẫm với cà phê Espresso, bản thân tôi cũng cảm thấy cà phê này rất khó uống. Nhưng bây giờ, nhiều quầy cà phê nhỏ xíu chuyên bán mang đi (take away) cũng đầu tư máy để có ly cà phê Espresso. Người dùng bây giờ cần sự tiện ích và yêu cầu ly cà phê ngon lành hơn là để giải quyết nhu cầu cafein như trước đây. Xu hướng cà phê nguyên chất cũng đang thay thế dần cho cà phê hương liệu, tạp chất. Có rất nhiều quán và chuỗi cà phê mới được mở ra với quy mô lớn và được đầu tư mạnh. Vừa qua, có một dòng máy pha cà phê mới giá hơn 1 tỉ đồng/máy với phiên bản giới hạn, chỉ 99 cái trên toàn thế giới nhưng Việt Nam cũng có người mua. Rất nhiều doanh nghiệp mua máy pha cà phê 300 – 400 triệu đồng để phục vụ gu thức thưởng thức cà phê đang thay đổi của người Việt" – ông Vinh nhìn nhận.

Gu uống cà phê thay đổi, người Việt chi tiền tỉ mua máy pha cà phê - Ảnh 1.
Gu uống cà phê thay đổi, người Việt chi tiền tỉ mua máy pha cà phê - Ảnh 2.

Chuyên gia rang xay và pha chế cà phê Nguyễn Tấn Vinh hướng dẫn cách pha chế cà phê theo xu hướng mới

Chia sẻ thêm với phóng viên bên lề sự kiện, ông Vinh cho hay cà phê pha phin là đặc sản của Việt Nam, chỉ cần 10.000 – 15.000 đồng, người Việt đã có một bộ dụng cụ pha cà phê thực thụ nhưng đó là cách uống kiểu cũ. "Bên cạnh cách uống truyền thống, thị trường Việt Nam đang rất sôi động với những cách uống cà phê mới. Đây là câu chuyện về ẩm thực, cũng như trước đây, người Việt chủ yếu ăn gà luộc, gà luộc chỉ cần nồi luộc còn nay thêm món gà nướng thì cần phải đầu tư lò nướng, làm cho con gà ngon hơn theo tiêu chuẩn khác" – ông Vinh ví von.

Gu uống cà phê thay đổi, người Việt chi tiền tỉ mua máy pha cà phê - Ảnh 3.

Một máy pha cà phê hiện đại được đặt tại sự kiện để phục vụ cà phê cho các khách tham dự

Ông Thái Như Hiệp, Chủ tịch HĐTV, Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp (tỉnh Gia Lai), cho rằng để có ly cà phê ngon, vai trò của rang xay và pha chế rất quan trọng bên cạnh quá trình sản xuất trước đó phải đạt tiêu chuẩn. "Nếu không chi tiền tỉ, thậm chí là nhiều tỉ để đầu tư những máy pha chế cà phê tân tiến, chúng ta sẽ không thể biết được chất lượng cà phê Việt Nam hiện đang ở đâu. Việt Nam có lợi thế sản xuất cà phê Robusta nên cần có sự đầu tư chế biến để nâng chất lượng làm sao có thể thay thế được cà phê Arabica, giảm lượng nhập khẩu" – ông Hiệp giải thích.

 

 

Tỉ lệ tiêu thụ nội địa tăng

Ông Nguyễn Nam Hải, Phó chủ tịch thường trực Vicofa, cho hay cách đây 10 năm, tỉ lệ cà phê tiêu thụ nội địa của Việt Nam chỉ 6%-7% tổng lượng sản xuất thì nay đã đạt 13% nhờ sự đầu tư của các doanh nghiệp cũng như các hoạt động kích cầu nội địa của Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Sau 10 năm, bình quân cà phê tiêu thụ nội địa của Việt Nam đã tăng từ 0,5 lên 2 kg/người/năm cho thấy sự tăng trưởng của thị trường nội địa nhưng so với các nước vẫn còn thấp (như Mỹ 4,2 kg/người/năm, Brasil 5,8 kg/người/năm, Phần Lan 12 kg/người/năm). Mục tiêu của Việt Nam là nâng tỉ lệ cà phê nội địa lên 25%-30%, tương đương với các nước sản xuất cà phê lớn trên thế giới như Brasil, Indonesia.

Bài, ảnh: Ngọc Ánh

 
 


Báo cáo phân tích thị trường