Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
COVID-19 khiến xuất khẩu rau quả lỡ hẹn 4 tỷ USD, kỳ vọng được dời sang năm 2021
11 | 01 | 2021
Rau quả là một trong những mặt hàng xuất khẩu sụt giảm vì tác động của đại dịch COVID-19, khiến kế hoạch đầu năm 2020 không hoàn thành nhưng triển vọng cho năm sau lại được dự báo tích cực hơn để hoàn thành mục tiêu 4 tỷ USD.

Nguồn: Vietnambiz.vn

COVID-19 khiến xuất khẩu rau quả lỡ hẹn 4 tỷ USD, kỳ vọng được dời sang năm 2021 - Ảnh 1.

Năm 2020, ngành hàng rau quả của Việt Nam đối mặt với đại dịch COVID-19 tác động trực tiếp tới đời sống, kinh tế, xã hội, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu và gây ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất và hoạt động xuất, nhập khẩu, tiêu thụ tại nhiều thị trường.

Chia sẻ với người viết, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty Vina T&T, cho biết 2020 là năm có nhiều khó khăn, không chỉ dịch bệnh, mà còn xảy ra tình trạng ngập mặn và một số thiên tai đã cùng tác động dẫn đến tình trạng xuất khẩu sụt giảm so với mọi năm.

"Dịch COVID-19 đã khiến chúng ta phải giãn cách xã hội mất 3 tuần rồi đến các nước nhập khẩu cũng giãn cách xã hội nên chúng ta đã mất một tháng rưỡi không hoạt động, lượng xuất khẩu trái cây của công ty giảm từ 20 - 30% so thời điểm trước dịch bệnh, chỉ đạt từ 100 - 150 tấn/tuần.

Tuy nhiên sau đó ngành rau quả đã phục hồi nhanh chóng. Với Vina T&T, công ty đã phục hồi 90-95% sau dịch, kết thúc năm 2020 mặc dù giảm 7% so với chỉ tiêu đề ra nhưng vẫn có sự tăng trưởng so với năm ngoái", ông Tùng cho hay.

Bộ Công Thương ước tính xuất khẩu hàng rau quả tháng 12/2020 đạt 260 triệu USD, tăng 1,3% so với tháng 11/2020, nhưng giảm 20,7% so với tháng 12/2019. Tính chung cả năm 2020, xuất khẩu hàng rau quả Việt Nam ước đạt 3,26 tỷ USD, giảm 13% so với năm 2019.

Đánh giá về kết quả này, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư Ký Hiệp hội rau quả Việt Nam, cho rằng: "Mức giảm này của ngành rau quả không nhiều so với các ngành hàng khác cũng chịu tác động từ dịch COVID-19. Đây là một điểm sáng khi nhiều mặt hàng khác bị sụt giảm rất mạnh".

Số liệu thống kê cũng cho thấy tháng 11/2020 là tháng thứ 2 liên tiếp xuất khẩu hàng rau quả tăng trong năm 2020. 

COVID-19 khiến xuất khẩu rau quả lỡ hẹn 4 tỷ USD, kỳ vọng được dời sang năm 2021 - Ảnh 2.

Trị giá xuất khẩu hàng rau quả tới thị trường Trung Quốc vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất nhưng giảm mạnh gần 26% trong 11 tháng năm 2020, đạt gần 1,7 tỷ USD. Nguyên nhân xuất khẩu hàng rau quả sang Trung Quốc giảm mạnh là do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19. 

Đáng chú ý, mặc dù trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam sang các thị trường như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ, nhưng đều tăng trưởng khá trong 11 tháng năm 2020.

Cục Xuất nhập khẩu cho rằng điều này khẳng định chất lượng hàng rau quả của Việt Nam đã đáp ứng được các yêu cầu cao tại các thị trường. 

COVID-19 khiến xuất khẩu rau quả lỡ hẹn 4 tỷ USD, kỳ vọng được dời sang năm 2021 - Ảnh 3.

Trong đó, trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam sang thị trường Australia tăng rất mạnh trong 11 tháng năm 2020, đạt 57,9 triệu USD, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm 2019. Đây được coi là thị trường xuất khẩu tiềm năng lớn đối với ngành hàng rau quả. 

Bên cạnh đó, mặc dù chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam tới thị trường Thái Lan vẫn tăng mạnh trong 11 tháng năm 2020, đạt 148,96 triệu USD, tăng 141,5% so với cùng kỳ năm 2019. 

COVID-19 khiến xuất khẩu rau quả lỡ hẹn 4 tỷ USD, kỳ vọng được dời sang năm 2021 - Ảnh 3.

Theo ông Đặng Phúc Nguyên, rau quả vẫn là mặt hàng thiết yếu cho sức khỏe của người tiêu dùng, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh. Chính vì vậy, sản phẩm rau quả vẫn có nhu cầu cao trong năm 2021.

"Mục tiêu xuất khẩu của ngành rau quả trong năm 2021 là 4 tỷ USD, con số mà đáng lẽ ngành hàng đã đạt được trong năm 2020 nếu không có COVID-19", ông Nguyên dự báo và cho biết thêm nếu tình hình khó khăn thì có thể sẽ đạt mức trước dịch là khoảng 3,7 tỷ USD, bằng với năm 2019. 

Đây cũng là nhận định của ông Nguyên Đình Tùng khi cho rằng dư địa của ngành rau quả tại thị trường thế giới vẫn còn rất lớn, triển vọng xuất khẩu hàng rau quả năm 2021 được kỳ vọng sẽ khả quan hơn nhất là khi Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do như EVFTA, UKVFTA, RCEP.

COVID-19 khiến xuất khẩu rau quả lỡ hẹn 4 tỷ USD, kỳ vọng được dời sang năm 2021 - Ảnh 5.

"Ngành rau quả có thể khai thác lợi thế từ các hiệp định này trong năm 2021 khi mà chúng ta đã xây dựng được nền tảng nông nghiệp vững chắc, đáp ứng các nhu cầu và hàng rào kỹ thuật của các nước. Theo đó, sản lượng xuất khẩu rau quả trong năm 2021 có thể sẽ tốt hơn năm 2020", đại diện Vina T&T dự báo.

Tuy nhiên theo ông Tùng trong bối cảnh dịch bệnh người tiêu dùng các nước sẽ quan tâm nhiều hơn đến vấn đề sức khỏe nên họ sẽ tăng cường hàng rào kỹ thuật, kể cả Trung Quốc, thị trường vốn được xem là dễ tính, nay cũng dần khó tính hơn.

COVID-19 khiến xuất khẩu rau quả vuột mục tiêu 4 tỷ USD, kỳ vọng được dời sang năm 2021 - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty Vina T&T. (Ảnh: Như Huỳnh).

"Doanh nghiệp phải có sự đầu tư bài bản như vùng trồng phải đạt Global GAP, nhà máy phải có chứng nhận ISO, HACCAP, chứng nhận xã hội, môi trường...Đây là những cái cần phải có trước khi đàm phán với đối tác.

Và khi có khách hàng, chúng ta cũng phải duy trì các điều kiện này vì nếu không kiểm soát chặt chẽ nguy cơ các lô hàng bị hủy hàng hoặc bị liệt vào danh sách đen sẽ càng lớn", ông Nguyễn Đình Tùng chia sẻ.

 

 

Bên cạnh việc đầu tư, doanh nghiệp này cho rằng việc am hiểu yêu cầu, quy định của các nước nhập khẩu là rất quan trọng.

Đơn cử như tại Mỹ, thị trường này yêu cầu phải có mã số vùng trồng do Mỹ cấp, rau quả tươi phải được chiếu xạ, nhà máy đóng gói phải đạt chuẩn do Mỹ cấp. Còn tại EU thì đòi hỏi các chứng chỉ như Global GAP, HACCAP, ISO...hay Nhật Bản, Hàn Quốc cũng có những quy định riêng do đó khi thâm nhập vào thị trường nào cũng cần phải nắm kỹ các quy định.

Còn theo Cục Xuất nhập khẩu để đẩy mạnh xuất khẩu hàng rau quả trong năm 2021, doanh nghiệp xuất khẩu nên tăng cường đầu tư vào sản phẩm chế biến, bảo quản hàng rau quả đáp ứng các yêu cầu về xuất khẩu trong bối cảnh dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát, thiên tai dự báo vẫn diễn biến phức tạp trong năm 2021.

Bên cạnh đó, Cục Xuất nhập khẩu cho rằng với mức sống của người dân Trung Quốc được nâng cao, người tiêu dùng ngày càng đề cao chất lượng, tính an toàn của nông sản, thực phẩm. Trung Quốc vẫn là thị trường có sức mua lớn và là điểm đến lớn nhất đối với hàng rau quả của Việt Nam.

Để đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này, các doanh nghiệp cần phải nâng cao chất lượng sản phẩm hàng rau quả và đáp ứng đúng các tiêu chuẩn mà phía Trung Quốc yêu cầu.

COVID-19 khiến xuất khẩu rau quả vuột mục tiêu 4 tỷ USD, kỳ vọng được dời sang năm 2021 - Ảnh 2.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư Ký Hiệp hội rau quả Việt Nam. (Ảnh: Như Huỳnh)

Tuy nhiên, cũng phải lưu ý đến những quy định kiểm soát từ các thị trường. Điển hình, với thị trường Trung Quốc, theo ông Đặng Phúc Nguyên, việc tăng cường kiểm soát dịch COVID-19 tại các cửa khẩu của thị trường như thời gian kiểm tra container tăng từ 1 giờ lên khoảng 1 - 2 ngày đang khiến cho hoạt động xuất khẩu rau quả bị trở ngại do bị đội chi phí và ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa.

Ngoài ra Thái Lan đang ngày càng siết chặt các tiêu chí đối với sản phẩm nhập khẩu. Cụ thể, mới đây, Thái Lan đã ban hành tiêu chuẩn mới về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với nông sản nhập khẩu. 

Và tới nay, Thái Lan chỉ mới chính thức cấp giấy phép cho 4 loại trái cây của Việt Nam vào thị trường này là thanh long ruột đỏ và ruột trắng, xoài, nhãn, vải.

Đáng chú ý, theo Hiệp hội rau quả Việt Nam một khó khăn khác mà ngành hàng đang phải đối diện từ cuối năm 2020 và có thể sẽ tiếp diễn trong năm sau đó là khó khăn về logictis.

COVID-19 khiến xuất khẩu rau quả lỡ hẹn 4 tỷ USD, kỳ vọng được dời sang năm 2021 - Ảnh 8.

"Nhu cầu hàng hóa của các nước đang tích cực nhưng việc vận chuyển của chúng ta bị thiếu ở cả đường biển, đường hàng không nên giá cước bị đẩy lên cao, làm ảnh hưởng đến việc tiêu thụ. 

Trong khi cuối năm, và đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán là thời điểm thị trường Trung Quốc tiêu thụ mạnh các loại trái cây phục vụ việc cúng kiếng nhưng mình lại không có phương tiện để vận chuyển", ông Nguyên cho hay và dự báo khả năng tình trạng này sẽ kéo dài đến hết quý I/2021.

 
 

 



Báo cáo phân tích thị trường