Phúc Long ra đời vào năm 1968 tại tại Bảo Lộc, Lâm Đồng. Doanh nghiệp này mới chuyển sang kinh doanh đồ uống vào năm 2012 từ 3 cửa hàng truyền thống tại Tp.HCM vào những năm 1980. Phúc Long hiện có trong tay khoảng 60 cửa hàng tại Tp.HCM và 7 địa phương khác.
Sau khi việc mua cổ phần hoàn tất, một công ty thành viên khác của Masan là VinCommerce sẽ cùng Phúc Long lập ra mô hình kinh doanh ki-ốt tại VinMart+ mà đơn vị này sở hữu.
Masan của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang gia nhập thị trường cà phê tỷ USD (ảnh: IT)
Trước đó không lâu, Nova Group của ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch tập đoàn Novaland cũng bất ngờ "chào sân" một thành viên mới trong hệ sinh thái là Nova Consumer, để phát triển mảng thực phẩm, thức uống, dinh dưỡng, hiện thực hóa mô hình 3F - chuỗi sản xuất thực phẩm khép kín từ trang trại đến bàn ăn.
CEO Nova Consumer cho biết, trong mấy năm qua đã đầu tư hơn 200 triệu USD để quy tụ nhiều thương hiệu tiêu dùng nổi tiếng về hệ sinh thái của mình.
Một trong số các thương hiệu đình đám là cafe PhinDeli của doanh nhân Phạm Đình Nguyên.
Năm ngoái, người Việt chi khoảng 53.000 tỷ đồng uống trà và cà phê, mỗi năm tốc độ tăng trưởng khoảng 10%, là một con số cực kỳ hấp dẫn.
Điều này khiến cho cả bầu Đức (Đoàn Nguyên Đức) cũng không thể đứng ngoài cuộc chơi. Đại gia ngành sữa Vinamilk cũng nuôi mộng quay lại thị trường cà phê sau hai lần thất bại.
Hay như Trung Nguyên, bên cạnh thương hiệu Legend, đang muốn khuếch trương chuỗi nhượng quyền E-Coffee.
Và mới đây nhất, thị trường tiếp tục được hâm nóng khi Kido của ông Trần Kim Thành cũng sắp tham gia vào thị trường cà phê.
Kido cho biết đã lập kế hoạch nghiên cứu thị trường nhanh chóng tham gia vào thị trường cà phê đầy tiềm năng. Đây là lĩnh vực có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lớn - nhỏ và có sự cạnh tranh khá gay gắt trên thị trường hiện nay.
Tuy nhiên, tham gia phân khúc cà phê nào hiện Kido chưa tiết lộ, nhưng cho biết sẽ có sản phẩm trong năm nay. Các lĩnh vực mới trong lĩnh vực thực phẩm thiết yếu này được kỳ vọng sẽ đóng góp vào doanh thu và lợi nhuận hợp nhất của tập đoàn trong năm 2021 cũng như những năm tiếp theo.
Không dừng lại ở đó, các thương hiệu ngoại cũng bày tỏ "hứng thú" với với thị trường chuỗi cà phê tỷ USD tại Việt Nam.
Sau những cái tên như Starbucks hay The Coffee Bean and Tea Leaf, cà phê Amazon - thương hiệu chuỗi cà phê đa quốc gia được đánh giá là lớn nhất thị trường Thái Lan vừa công bố kế hoạch phủ rộng cửa hàng tại Việt Nam.
Theo chủ quản Cà phê Amazon, Việt Nam là một trong 10 thị trường ngoài Thái Lan mà công ty mẹ dự kiến sẽ chi đến 2,5 tỷ USD để mở rộng độ phủ trong 5 năm tới.
Thị trường tỷ USD, miếng bánh ngon không "dễ xơi"
Theo Euromonitor, thị trường chuỗi cà phê tại Việt Nam có quy mô lên tới tỷ USD hằng năm, nhưng vẫn chưa có đơn vị nào giành thị phần áp đảo. Đây là miếng bánh ngon nhưng lại không "dễ xơi" bởi trên thực tế, nhiều thương hiệu tiếng tăm đã phải chấp nhận bỏ cuộc tại Việt Nam chỉ sau vài năm chịu lỗ cho thấy tính đào thải khắc nghiệt của ngành này.
Vậy, ai dẫn đầu trong cuộc chiến chuỗi cà phê tỷ USD?
Trong cuộc chiến chuỗi cà phê ở Việt Nam, Highlands từ lâu đã giữ vị trí số một về quy mô doanh thu, lợi nhuận, với gần 340 quán phủ khắp các tỉnh thành trên cả nước.
Bản thân Highlands dù được tính là một cái tên nội, nhưng đứng sau lại là một công ty ngoại – Jollibee Group, ông lớn của mô hình kinh doanh nhà hàng chuỗi tại Philippines.
Theo số liệu năm 2019, Higlands Coffee tiếp tục là quán quân về doanh thu và bỏ xa các chuỗi còn lại với hơn 2.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 84 tỷ đồng. Giai đoạn 2017 – 2018, lợi nhuận ròng của Highlands Coffee đạt mức cao nhất khoảng 130 tỷ đồng.