Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thủ phủ cà phê Đắk Lắk điêu đứng vì dịch 07 | 07 | 2021
07 | 07 | 2021

laodong.vn_Dịch COVID-19 kéo dài, rất nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cà phê ở Đắk Lắk nói riêng và cả nước nói chung đang gặp khó khăn vì hàng hóa tồn đọng, không thể xuất khẩu, phân phối ra các thị trường. Nếu chính quyền địa phương không đồng hành, cùng gỡ khó cho doanh nghiệp, rất có thể sẽ tiếp tục có thêm nhiều đơn vị phá sản trong tương lai gần nếu như tình hình dịch bệnh không tiến triển khả quan...

Điêu đứng vì dịch

Hiện, Đắk Lắk có trên 200.000ha cà phê, trong đó diện tích cho sản phẩm là 187.940ha. Ngành sản xuất cà phê đã tạo công ăn việc làm ổn định cho trên 300.000 người trực tiếp sản xuất và gần 200.000 người có liên quan đến cây cà phê.

Theo số liệu của Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương công bố tại Hội nghị Tổng kết niên vụ cà phê 2018-2019 tại Đắk Lắk mới đây cho thấy, cà phê là ngành hàng quan trọng, chiếm 3% GDP cả nước, kim ngạch xuất khẩu nhiều năm liền đều trên 3 tỉ USD. Trong những năm qua, dù kinh tế thế giới có nhiều thời điểm gặp khó khăn dẫn đến sức mua sụt giảm, xuất khẩu cà phê của Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng rất đáng khích lệ.

Đắk Lắk vốn được mệnh danh là “thủ phủ” cà phê của cả nước, nhưng trước diện biến dịch COVID-19 kéo dài, rất nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cà phê đang đứng trên bờ vực phá sản do thua lỗ kéo dài, hàng hóa tồn đọng, không xuất đi được.

Anh Nguyễn Đình Viên - Giám đốc Công ty TNHH PM Coffee, nhiều cơ sở sản xuất thức uống từ cà phê của đơn vị tại các thành phố lớn đang sụt giảm doanh số nghiêm trọng. Đối với việc xuất khẩu các mặt hàng làm từ cà phê như rượu, trà dù đã được thỏa thuận với đối tác nước ngoài nhưng hiện vẫn chưa thể xuất/nhập cảnh được phải đợi đến khi tình hình tạm ổn định mới có thể ký kết. Riêng ở thị trường trong nước thì các chi nhánh cơ sở của doanh nghiệp đang còn tồn đọng hàng hóa khá nhiều, chưa bán được. Nếu tính luôn cả vốn vận hành thì hiện nay công ty chúng tôi đang thua lỗ từ 500-600 triệu đồng/tháng.

Cùng chung tâm trạng, anh Phạm Hoài Nguyên Anh - Giám đốc Công ty TNHH MTV Anh Coffee cho hay, trước thời điểm dịch bệnh bùng phát, đơn vị vừa tổ chức hoạt động dịch vụ và sản xuất cà phê. Các dịch vụ các lữ hành, hướng dẫn viên đưa khách đến tham quan quy trình sản xuất cà phê ở địa phương đã không có doanh thu dù trước đây thu lợi nhuận khá tốt. Ngoài ra, hoạt động phân phối, mở các đại lý khác một số các tỉnh thành trên cả nước cũng ngưng trệ, khó hoạt động tốt trở lại nếu như tình hình không khả quan hơn. Hiện, doanh nghiệp hàng tháng đang phải bù lỗ nhiều khoản chi phí để “cầm hơi” qua giai đoạn khó khăn này.

Tìm hướng đi mới

Theo Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk, sản lượng cà phê có chất lượng cao đạt khoảng 160 nghìn tấn, chiếm khoảng 28,77% tổng sản lượng cà phê toàn tỉnh. Nhu cầu của thị trường về sản phẩm cà phê đặc sản, cà phê hữu có có xu hướng tăng. Do đó, toàn ngành đang tham mưu chính sách cải thiện môi trường đầu tư để thu hút thêm được nhiều nhà đầu tư mới tham gia vào chuỗi sản xuất cà phê chất lượng cao.

Các sản phẩm cà phê chất lượng cao là cà phê có chứng nhận UTZ, 4C, Rainforest Alliance, Fairtrade, cà phê đặc sản, cà phê có chứng nhận hữu cơ hoặc sản xuất theo hướng hữu cơ nhưng chưa được chứng nhận. Theo thống kê, quy mô sản xuất cà phê có chất lượng cao như cà phê đặc sản, cà phê có chứng nhận hữu cơ đã được mở rộng thêm tuy nhiên quy mô còn nhỏ. Sản lượng cà phê đặc sản năm 2021 chỉ tăng thêm 15 tấn, diện tích sản xuất theo hướng hữu cơ tăng 10ha.

Ông Huỳnh Ngọc Dương - Phó Giám đốc Sở Công Thương Đắk Lắk cho hay, để sản xuất cà phê chất lượng cao phát triển bền vững, ngành Công Thương đang tham mưu cải thiện môi trường đầu tư để thu hút thêm được nhiều nhà đầu tư mới tham gia liên kết với nông hộ để sản xuất các sản phẩm cà phê có chất lượng cao, gồm cả nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài; xây dựng và thực hiện các chính sách ưu đãi để khuyến khích hình thành và phát triển các chuỗi giá trị cà phê chất lượng cao như hỗ trợ tiếp cận thị trường, xây dựng thương hiệu, hỗ trợ máy móc chế biến, hỗ trợ cấp chứng nhận… Khuyến khích sự hình thành và phát triển các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất cà phê trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng hướng đến thu hút nhà đầu tư hình thành các nhà máy chế biến, gắn chế biến sâu với vùng nguyên liệu; ưu tiên nguồn vốn cho các doanh nghiệp đầu tư đầu tư máy móc thiết bị chế biến, hỗ trợ lãi suất đối với vốn vay cho những doanh nghiệp đầu tư nhằm đổi mới trang thiết bị công nghệ. Hỗ trợ nguồn kinh phí xúc tiến thương mại để đẩy mạnh công tác xúc tiến, tìm kiếm thị trường, quảng bá sản phẩm cà phê chất lượng cao; hỗ trợ cho các doanh nghiệp cà phê của tỉnh đưa sản phẩm cà phê vào bán tại các siêu thị trong nước, ông Dương cho hay.

 



Báo cáo phân tích thị trường