(danviet.vn)_Huyện Kbang, tỉnh Gia Lai có diện tích gần 1.000 ha cây mắc ca, là địa phương có diện tích mắc ca lớn nhất tỉnh; trong đó, có 250 ha đang trong thời gian thu hoạch, ước sản lượng gần 180 tấn trong năm 2021.
Diện tích mắc ca này hiện đang được trồng xen canh, cho hiệu quả sử dụng diện tích đất nông nghiệp ổn định hơn so với trước.
Đây cũng là định hướng phát triển kinh tế cho người dân tại huyện Kbang, đặc biệt là người dân tộc Bahnar trên địa bàn.
Ông Mã Xuân Tình, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) cho biết, trong những năm tới, sản lượng mắc ca tại K'bang sẽ tăng nhanh do nhiều diện tích mắc ca sẽ cho thu hoạch, tăng cao về năng suất.
Cây mắc ca thích nghi tốt với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại huyện Kbang, đặc biệt mắc ca có thể trồng xen canh với diện tích cây cà phê nhằm nâng cao hệ số sử dụng đất, cho hiệu quả kinh tế cao mà ít tốn công chăm sóc.
Ngoài ra, đối với các hộ người dân tộc Bahnar đang canh tác nương rẫy, có thể trồng xen canh mắc ca với mật độ cây cách cây, hàng cách hàng từ 10m trở lên.
Các hộ dân có thể canh tác các loại cây trồng hàng năm giữa hàng mắc ca, không gây sức ép về đất sản xuất, mắc ca lại tận dụng được nguồn phân bón, nước tưới của các cây ngắn ngày.
Nghiên cứu về việc phát triển diện tích mắc ca, năm 2016, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã ban hành quyết định, phê duyệt dự án "Quy hoạch phát triển cây mắc ca vùng Tây Bắc và Tây Nguyên đến năm 2020 và tiềm năng phát triển đến năm 2030", ngành chuyên môn đã chọn Kbang là khu vực phát triển diện tích mắc ca của tỉnh Gia Lai.
Một số diện tích mắc ca trồng giai đoạn đầu tại Kbang đã cho hiệu quả khả quan, một mặt mắc ca trồng xen canh có thể đáp ứng nhu cầu sử dụng đất của người dân trong phát triển diện tích cây nông nghiệp, mặt khác sản lượng hạt mắc ca sau khi sơ chế, chế biến đã thành sản phẩm OCOP của địa phương.
Chị Phan Thị Ngọc Diễm, chủ cơ sở chế biến Macca phố núi Damia, tại Kbang cho biết, gia đình đầu tư máy sấy, máy chẻ hạt, máy hút chân không để thu mua hạt mắc ca về sơ chế, chế biến.
Mỗi năm cơ sở của chị thu mua khoảng 10 tấn hạt mắc ca để chế biến ra các sản phẩm như mắc ca sấy, tinh dầu mắc ca, mắc ca tẩm mật ong. Trừ chi phí, các sản phẩm bán ra thị trường có lãi khoảng 20% so với chi phí mua vào.
Cơ sở chế biến mắc ca của chị Diễm còn tạo việc làm thường xuyên cho 5 người, việc thời vụ cho hàng chục lao động địa phương.
Cuối năm 2020, huyện Kbang có 3 sản phẩm mắc ca được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh (3 sao), 9 cơ sở sơ chế hạt mắc ca sau thu hoạch cho ra các sản phẩm đảm bảo chất lượng, 3 cơ sở chế biến tinh dầu mắc ca với công suất gần 100 lít tinh dầu/năm.
Với giá tiêu thụ hạt tươi khoảng 80.000 đồng/kg, giá hạt mắc ca sau khi chế biến doa động từ 220 - 260.000 đồng/kg, thu nhập từ cây mắc ca trồng xen trong vườn cà phê (124 cây/ha) bình quân từ 50 - 60 triệu đồng/ha, chưa kể thu nhập từ cây cà phê.
Ông Phạm Văn Xây, xã Đăk Rong, huyện Kbang cho biết, ông trồng 3 ha xen canh cà phê, năm ngoái cho thu bói được khoảng 2 tấn quả tươi, năm nay ước lượng thu hoạch gấp đôi năm ngoái.
Việc trồng xen canh cây mắc ca và cà phê cho hiệu quả rất cao bởi lượng nước tưới, phân bón từ gốc cà phê sẽ lan ra bổ sung dinh dưỡng cho cây mắc ca. Cây mắc ca phát triển lớn sẽ che gió, tạo điều kiện trổ bông, đậu quả cho cây cà phê ở vùng đồi cao như diện tích nhà ông.
Ông Xây cũng đang mở rộng thêm diện tích 5 ha cây mắc ca trồng thuần. Diện tích cây mắc ca trồng thuần mới và cả việc thu hoạch trái mắc ca ở vườn xen canh tạo việc làm cho hàng chục lao động thường xuyên ở vườn rẫy nhà ông Xây.
Các sản phẩm từ mắc ca tại huyện Kbang hiện có gồm: hạt mắc ca ép nứt sấy khô, đóng gói hút chân không; tinh dầu mắc ca; sữa mắc ca; nhân mắc ca ngào mật ong... có chất lượng uy tín, được khách hàng trong và ngoài tỉnh lựa chọn.
Tuy nhiên, hiện tại Kbang vẫn chưa có nhà máy chế biến, việc chế biến mắc ca chủ yếu thực hiện ở quy mô hộ gia đình, bằng lò sấy điện công suất nhỏ là một trong những khó khăn, vướng mắc cho sự phát triển, quản bá sản phẩm OCOP của Kbang.
Ông Lê Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang cho biết, trong thời gian tới, nếu có doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến liên kết đầu tư phát triển vùng nguyên liệu cây mắc ca trên địa bàn, huyện Kbang sẽ mở rộng diện tích dự kiến lên 2.000 ha trong năm 2025 và 3.000 ha đến năm 2045.
Tuy nhiên, do khả năng tiêu thụ của các cơ sở chế biến quy mô hộ gia đình còn hạn chế, đồng thời, cả nước cũng chưa có nhà máy chế biến sâu về sản phẩm hạt mắc ca, chưa có doanh nghiệp liên kết đầu tư, tiêu thụ sản phẩm ổn định nên người dân cũng chưa yên tâm đầu tư.
Trước thực trạng trên, huyện Kbang cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có ý kiến với Hiệp hội mắc ca Việt Nam quan tâm, phối hợp với các doanh nghiệp thành viên tiếp tục đầu tư, phát triển cây mắc ca trên địa bàn huyện.
Đặc biệt là doanh nghiệp cần thực hiện hợp đồng, liên kết đầu tư và tiêu thụ sản phẩm với hộ dân và các hợp tác xã; đầu tư nhà máy chế biến hạt mắc ca trên địa bàn, khi Gia Lai đã đảm bảo cung ứng đủ nguồn nguyên liệu.
Đồng thời, huyện Kbang cũng kiến nghị nhà nước có chính sách hỗ trợ phát triển trồng cây mắc ca theo các chương trình, dự án lâm nghiệp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.