Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Doanh nhân Đỗ Ngọc Hòa, Giám đốc điều hành Rain Coffee: Sóng sánh theo ly cà phê mộc
09 | 06 | 2021

baodautu.vn_Gắn bó với hạt cà phê như cái duyên trời định, doanh nhân Đỗ Ngọc Hòa đã khiến người tiêu dùng “mở lòng, mở hầu bao” với cà phê mộc, còn người nông dân ngày càng sung túc hơn.

1.Không khí dịch bệnh ảm đạm, cộng với tiết trời nóng oi bức với nhiệt độ ngoài trời lên hơn 40 độ C khiến căn hộ 2 tầng ở ngay đầu ngõ 10 phố Láng Hạ, Hà Nội vắng lặng, chỉ văng vẳng tiếng máy xay nghiền cà phê lạo xạo trên căn gác già nua như mang cái hồn của Hà Nội.

Khách đến mua cà phê mang đi phải đứng chờ một lúc mới thấy người đàn ông chạc tuổi trung niên thấp bé chạy xuống, mồ hôi nhễ nhại mà không quên giải thích về độ chậm trễ của mình: “Đang rang dở mẻ cà phê cho khách kịp lấy. Giai đoạn này, trung bình mỗi ngày, tôi chỉ rang 15 mẻ, mỗi mẻ 10 kg. Trước dịch, bình thường tôi rang 20 - 25 mẻ/ngày”.

 Mỗi sáng thức dậy, hãy tin rằng, tất cả những việc mình làm đều có ý nghĩa. Điều này nghe thật nhàm tai nhưng để bảo vệ những thứ mình yêu mến, tôi sẽ sẵn sàng làm bất cứ điều gì.

Mùi thơm nồng phảng phất chút hơi khét tỏa ra từ những mẻ rang xay đã đủ để người nghiện cà phê, hay những ai đang căng thẳng về công việc thấy đầu óc tỉnh táo, nhẹ bẫng và thư thái. Người đàn ông đó chính là Đỗ Ngọc Hòa, sáng lập chuỗi 22 quán nhượng quyền Rain Coffee ở Hà Nội và một số tỉnh, thành phố phía Bắc, miền Trung. Trong tương lai không xa, con số này sẽ tăng theo cấp số nhân.

Căn nhà chật chội nằm thu mình sau vẻ hào nhoáng, xa hoa của những ngôi nhà tầng cao tít. Dù thời gian có chuyển biến vội vã đến thế nào, những bức tường vàng san sát kề bên nhau, sơn tróc vàng, khung sắt hoen rỉ đến bạc màu như ghi dấu từng giai đoạn thay đổi của phố thị. Giờ đây, căn nhà nhỏ đó sẽ chứng kiến thêm quá trình biến giấc mơ của Đỗ Ngọc Hòa thành hiện thực.

Trước đó, anh quyết định rời trụ sở Rain Coffee từ toà nhà cao tầng hiện đại hào nhoáng ở phố Đào Tấn về đây. “Văn phòng nhỏ, chật chội không quan trọng bằng việc chúng tôi dành thời gian, công sức, chi phí phục vụ cho nỗ lực đưa đến cho khách hàng những hạt cà phê rang xay hữu cơ chuẩn nhất”, Đỗ Ngọc Hòa nói.

Nơi đây không phải quán cà phê sang chảnh để giới trẻ lui tới check-in, mà dành cho những tín đồ cà phê, với thói quen uống cà phê rang xay mộc, hay còn gọi là nguyên chất. Họ đến để tìm sự thư thả, tĩnh lặng, nhâm nhi ly cà phê đậm, đắng, thơm và đôi khi là cả mùi khét rất đặc trưng với sự hoài niệm về quá khứ…

Phân khúc cà phê mộc không phổ biến trên thị trường, vì đây là thứ cà phê được rang xay chỉ bằng nhiệt độ. Vậy nên, Đỗ Ngọc Hòa phải sử dụng máy rang cà phê, canh chuẩn về màu sắc, sau đó đem xay và đưa vào sử dụng, chứ không thêm bất cứ một loại hương liệu nào khác trong khi rang. Dân trong nghề gọi nó là mộc, mang ý nghĩa mộc mạc để đặt tên cho loại cà phê này.

Các hạt cà phê phổ biến trên thị trường hiện nay thường được tẩm ướp thêm một ít hương liệu như bơ nhằm làm tăng hương vị thơm ngon của các hạt cà phê. Nếu người kinh doanh sử dụng những hương liệu không sạch, sẽ khiến cà phê mất đi giá trị của mình.

Hương vị đậm đà nguyên chất, nhưng do giá thành khá cao, nên các loại cà phê mộc thường không được sử dụng nhiều. Phần lớn người dùng cà phê hàng ngày vẫn chọn cà phê dựa vào mùi hương của nó. Cà phê 100% nguyên chất không tẩm ướp sẽ không có quá nhiều mùi thơm, mà chỉ có hương nhẹ nhàng.

Tuy nhiên, vài năm qua, thị trường cà phê rất “sóng sánh” khi vướng phải nhiều thông tin về các loại cà phê bẩn, tẩm ướp hương liệu. Người tiêu dùng đã có ý thức hơn trong việc thưởng thức cà phê, bảo vệ sức khoẻ, nên đã “mở lòng, mở hầu bao” với cà phê sạch như cà phê rang xay mộc. Đó là thời điểm Đỗ Ngọc Hòa nhảy vào cuộc chơi với thị trường.

2.

Trước khi bước chân vào kinh doanh ngành F&B và chọn gắn bó với cà phê mộc, Đỗ Ngọc Hòa là dân nghiện cà phê và chỉ thích uống cà phê dạo. Một phần vì anh trải nghiệm nhiều nghề: xây dựng, kinh doanh vật liệu xây dựng; kinh doanh vận tải; xuất nhập khẩu; kinh doanh nhà hàng… Nhưng một phần là anh muốn đọc nhiều gu thưởng thức cà phê của nhiều người.

“Thưởng thức cà phê có nhiều cách lắm. Đối với khách hàng thì chỉ có một gu thôi. Với tôi, bạn bè hoặc khách VIP có thể uống theo sở thích hoặc trải nghiệm các cách pha khác nhau. Nếu đã là dân nghiện, sẽ bị thứ cà phê mộc này thôi miên luôn”, Hòa nói.

Đó là quá trình anh tích lũy kinh nghiệm để bước chân vào kinh doanh. Nhưng nó không đủ để anh “say” với món cà phê mộc này. “Khi tôi xác định đây là cuộc chơi, tôi phải thiết lập mô hình kinh doanh và đương nhiên chấp nhận đi học hỏi”, anh cho biết.

Rain Coffee phát triển theo hai hướng: phát triển hệ thống nhượng quyền thương hiệu và sản xuất, cung cấp các sản phẩm cà phê hạt rang xay nguyên chất ra thị trường. Những chủ quán mà Đỗ Ngọc Hoà đi tiếp cận chào hàng sản phẩm lần đầu đã giúp anh có được khái niệm xoay quanh hạt cà phê và hiểu rằng cà phê rang xay khác cà phê phối trộn truyền thống thế nào. Rồi anh đọc thêm tài liệu để hiểu cấu trúc phân tử của hạt cà phê.

Khi đã nắm chắc lý thuyết, Đỗ Ngọc Hòa bắt đầu lặn lội vào các vùng nguyên liệu Đắk Lắk, Lâm Đồng…, ăn nằm cùng nông dân. Được chứng kiến tận mắt quá trình thu hoạch hạt cà phê, từ lúc cây cà phê ra hoa đến lúc thu mua hạt…, anh hiểu được yếu tố tác động đến chất lượng hạt như quả xanh, quả chín, giống cũ và mới sẽ đưa ra chất lượng cà phê thế nào.

Năm 2015 là thời điểm thị trường đang thiếu cà phê chuẩn, vẫn là thời hoàng kim của cà phê truyền thống sánh đậm, đen óng. Việc nhảy vào phân khúc thị trường với dòng cà phê mộc được coi là quyết định “khó nuốt” với nhiều người, bởi đa phần người tiêu dùng chỉ có thói quen uống cà phê sánh đậm, pha bơ...

“Tôi không chắc cung cấp cho người tiêu dùng cà phê ngon, vì ngon hay không tùy vào khẩu vị của người dùng. Nhưng tôi chắc chắn cà phê nguyên liệu của tôi chuẩn”, Đỗ Ngọc Hòa nói và thừa nhận, khi sản phẩm phối trộn vẫn phủ sóng thị trường, thì cà phê mộc nỗ lực lắm cũng chỉ chiếm khoảng 20% thị phần. Lý do là, những người chủ kinh doanh ở độ tuổi 50-70 bán cà phê kiếm sống sợ phải thay đổi, họ vẫn thích cà phê bột tẩm hương vị.

Hơn 4 năm học hỏi, Đỗ Ngọc Hòa đã tạo ra những sản phẩm ngon hơn và vẫn giữ được vị cà phê nguyên chất, tạo sự lựa chọn đa dạng cho khách hàng. Theo anh, người tiêu dùng cần sản phẩm cà phê an toàn được pha chuẩn với công thức. Đây không phải là cuộc chơi ngắn hạn, bất cứ nhà đầu tư, chủ quán nào muốn nhận nhượng quyền kinh doanh Rain Coffee đều phải cam kết kinh doanh lâu dài, tối thiểu 4 năm.

Rain Coffee tự chủ nguồn cà phê tốt, chọn đối tác thu gom trực tiếp từ những tên tuổi lớn, lâu năm trên thị trường. Và quan trọng, ngay từ đầu, Đỗ Ngọc Hòa đã chọn mô hình kinh doanh nhượng quyền thương hiệu (franchise). Việc này giúp Rain Coffee đánh chiếm thị trường nhanh. Thời gian đầu, anh chấp nhận franchise không thu phí. Giờ đây khi đã ổn, anh bắt đầu thu phí khoảng 100 triệu đồng mỗi cửa hàng, với diện tích tối thiểu 40 m2.

“Nếu chủ cửa hàng chỉ có tiền đầu tư, quan tâm đến tỷ suất lợi nhuận, mà không quan tâm đến chất lượng đồ uống, nguyên liệu, thì chúng tôi sẽ không bắt tay để franchise”, Đỗ Ngọc Hòa cho biết.

Không có công thức hay công nghệ bí mật nào cả, bất cứ ai cũng có thể mở một quán cà phê. Nhưng ở Rain Coffee, chất lượng nguyên liệu hạt cà phê ổn định phải là đầu tiên. Số lần xảy ra sự cố liên quan đến chất lượng nguyên liệu chỉ đếm trên đầu ngón tay.

3.

Ngành F&B đang cố thủ vì đại dịch, Rain Coffee cũng không phải ngoại lệ. Năm 2020, Công ty bước vào giai đoạn II của mô hình kinh doanh, đóng gói được mô hình để tạo đà lên tầm cao mới. Cùng với đó là mở rộng thêm mảng đào tạo nhân sự F&B vì ngành du lịch Việt Nam còn rất tiềm năng và thị trường vẫn tăng trưởng tốt.

Công ty cũng bắt đầu kế hoạch gọi vốn, theo nhóm các nhà đầu tư (từ 3-5 nhà đầu tư) có chung đam mê ngành cà phê. Rain Coffee từng xuất hiện trong tập cuối cùng của Shark Tank Việt Nam mùa 1 (năm 2018), với mục đích kêu gọi 2 tỷ đồng đổi lấy 20% cổ phần của Công ty. Tuy nhiên, mô hình này không thuyết phục được các nhà đầu tư rót vốn.

“Thất bại đó giúp chúng tôi tỉnh táo hơn. Nhà đầu tư giúp tôi nhìn thấy và tối ưu lại con đường. Sau đó không lâu, chúng tôi bứt tốc, có thêm nhiều khách hàng. Nhưng có lẽ mọi người không nhìn vào đó, mà nhìn vào câu chuyện nguyên liệu, giữ chân khách hàng và chất lượng sản phẩm ổn định quanh năm của chúng tôi”, Đỗ Ngọc Hòa cho biết.

Chàng kỹ sư xây dựng năm nào giờ là doanh nhân, nhưng “chất” bụi phủi chưa phai mờ. Anh vẫn mạnh mẽ chiến đấu cho sự sống còn, cho sự tôn trọng của đối tác, bạn bè, khách hàng. Những ai biết và theo dõi từng bước đi của anh đều cho rằng, anh rời bỏ con đường kỹ sư theo kinh doanh là đúng.

Với anh, đây là hành trình hạnh phúc, đưa cà phê nguyên chất 100% cho người dùng Việt Nam và thay đổi thói quen canh tác tại các vùng trồng cà phê nguyên liệu. Mệt thì có, nhưng anh chưa bao giờ mất động lực khi đeo đuổi “mảnh đất” khó nuốt này. “Tôi làm bất kỳ cái gì cũng tìm hiểu và có kế hoạch cụ thể, nên chỉ có tiến lên thôi, không bao giờ nghi ngờ và hoài nghi lựa chọn”, anh khẳng định.



Báo cáo phân tích thị trường