Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Ai sẽ lên ngôi 'vua' trong cuộc đại chiến cà phê tỉ đô?
08 | 06 | 2021

Tuoitre.vn_ Masan chi 15 triệu USD mua 20% cổ phần của Phúc Long, PhinDeli về đội Novaland… cùng cạnh tranh với những Starbucks, Highlands, Trung Nguyên... Sự tham gia của các đại gia khiến cho cuộc đại chiến cà phê ngày càng khốc liệt.

15 triệu USD cho 20%, như vậy, chuỗi trà - cà phê Phúc Long được định giá 75 triệu USD, tức hơn 1.700 tỉ đồng, một con số khiến không ít người ngỡ ngàng.

Thành lập từ 1968 ở Bảo Lộc, mở cửa hàng đầu tiên tại Sài Gòn vào những năm 1980, nhưng phải đến khi đại gia Starbucks từ Mỹ vào Việt Nam năm 2013, thì Phúc Long mới thực sự bùng nổ.

Những tiệm trà - cà phê Phúc Long ở đối diện với Starbucks tại ngã sáu Phù Đổng hay Mạc Thị Bưởi và Ngô Đức Kế, những vị trí đắc địa ở trung tâm Sài Gòn, luôn chứng kiến cảnh "hết chỗ giữ xe", "hết chỗ ngồi"…

Không gian trẻ trung, hiện đại, và điều quan trọng một ly trà - cà phê Phúc Long chỉ có giá từ 30.000 đến 50.000 đồng, bằng một nửa so với Starbucks, nhanh chóng lôi cuốn giới trẻ Sài Gòn và cả du khách.

Phúc Long đã phải đóng cửa tiệm ở vòng xoay ngã sáu Phù Đổng vào năm 2019, nhưng 4 kiosk trong các cửa hàng Vinmart+ tại thành phố Thủ Đức góp phần đưa các tiệm Phúc Long lên con số xấp xỉ 80 trên toàn quốc, chủ yếu ở TP.HCM (59 tiệm), và Hà Nội (9 tiệm). 

Con số này sẽ thay đổi nhanh chóng khi Masan và Phúc Long dự tính mở rộng mô hình này ra hàng ngàn điểm bán ở TP.HCM và cả nước. Masan có khoảng 2.200 cửa hàng Vinmart+ trên toàn quốc, và đó sẽ một thế lực đáng gờm.

Trong khi tại vị trí này, "đối thủ" Starbucks vẫn đang ăn nên làm ra, và con số cửa hàng của tiệm cà phê Mỹ này đã lên đến 70.

Dĩ nhiên, hai chuỗi Starbucks và Phúc Long ở hai phân khúc khác nhau, một cao cấp, một trung bình, nhưng điều đó không làm cho cuộc chiến cà phê vì thế mà kém hấp dẫn.

 

Mô hình kiosk của Phúc Long trong siêu thị Vinmart tại thành phố Thủ Đức - Ảnh: N.BÌNH

Gia nhập thị trường Việt Nam từ năm 2013 cho tới thời điểm này, Starbucks có 70 cửa hàng trên khắp Việt Nam. Nếu so với những chuỗi trong nước thì con số này không đáng kể nhưng khả năng sẵn sàng chi trả, khách hàng trung thành mới là điều chuỗi cà phê này để tâm.

"Hiện người Việt đã sẵn sàng chi trả 90.000 đồng cho mỗi ly cà phê, tâm lý này thay đổi rõ so với vài năm trước, khi Starbucks vừa vào thị trường Việt Nam", bà Patricia Marques, CEO Stacrbuck Việt Nam, nói về thời gian sau hơn 7 năm có mặt ở thị trường Việt Nam.

Trên một thị trường cà phê và trà trị giá khoảng 2,3 tỉ USD tại Việt Nam, Starbucks được coi là định vị ở phân khúc cao cấp bên cạnh The Coffee Bean and Tea Leaf…

Ở phân khúc thấp hơn một chút, bên cạnh Phúc Long đang là cuộc cạnh tranh hết sức khốc liệt với sự tham gia của các tên tuổi cả mới lẫn cũ. Highlands Coffee, về tay Jollibee của Philippines từ lâu, nhưng vẫn rất được người Việt ưa chuộng và đã có 300 quán.

 

Trung Nguyên, bên cạnh thương hiệu Legend, đang muốn khuếch trương chuỗi nhượng quyền E-Coffee. The Coffee House, một tên tuổi mới, trẻ, cũng đang làm mưa làm gió với 150 quán…

Hàng loạt những cái tên trong ngành cà phê từ mới lẫn cũ cũng đang chuyển mình. Chuỗi Katinat mới nổi đang án ngữ những vị trí đắc địa ở Sài Gòn, bên cạnh những tiệm Passio Coffee, Guta… cũng đang mở rộng và làm mới mình. Cà phê Ông Bầu của ông bầu Đức - Đoàn Nguyên Đức, chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai, cũng tham gia cuộc chơi. Đại gia ngành sữa Vinamilk cũng nuôi mộng quay lại thị trường cà phê sau hai lần thất bại…

Năm ngoái, người Việt chi khoảng 53.000 tỉ đồng uống trà và cà phê, mỗi năm tốc độ tăng trưởng khoảng 10%, là một con số cực kỳ hấp dẫn. Điều này khiến cho cả tập đoàn về bất động sản Novaland cũng không đành đoạn đứng ngoài cuộc chơi. 

Ai sẽ lên ngôi vua trong cuộc đại chiến cà phê tỉ đô? - Ảnh 3.

King Coffee của bà Lê Hoàng Diệp Thảo mới khai trương quán cà phê đầu tiên tại California, Mỹ, điều mà ông Đặng Lê Nguyên Vũ, chủ tịch Trung Nguyên Legend, từng nói nhiều nhưng vẫn chưa làm được

Cũng năm ngoái, Nova F&B, công ty con của Nova Group, công bố chiến lược mở rộng thêm nhiều chuỗi cà phê với hàng loạt cái tên Saigon Casa cafe, Gloria Jean’s Coffees; Mojo Coffee, Soho Café & Lounge, Cà phê Cô Ba…

Mới nhất, Nova Consumer đã mua lại PhinDeli, thương hiệu cà phê xuất hiện với sự kiện đình đám người Việt mua thị trấn Bufort tại Mỹ. Từ 5 điểm bán cà phê take-away đầu tiên năm 2015, đến nay con số này đã hơn 1.000 điểm bán PhinDeli tại các cửa hàng tiện lợi, trạm dừng chân, trường học…

Giới thạo tin cho rằng Nova muốn đưa các tiệm cà phê làm điểm "dẫn dụ" khách đến mua nhà ở các khu đô thị mới của họ, còn người trong cuộc là tập đoàn này thì khẳng định họ không xem đây là bước đi ngang mà cả tham vọng làm chủ cả hệ thống logistics của ngành cà phê đằng sau đó.

Ông Bùi Đức Tuệ - giám đốc One IBC Việt Nam, tập đoàn chuyên cung cấp các dịch vụ cho doanh nghiệp đầu tư trong và ngoài nước - cho biết, tính đến cuối tháng 3-2021, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đạt 10,13 tỉ USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong khi đó, ở chiều ngược lại, trong 4 tháng đầu năm 2021, tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài cấp mới và tăng thêm đạt 545,9 triệu USD, tăng 7,9 lần so với cùng kỳ năm 2020.

Điều này cho thấy bức tranh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, thị trường Việt Nam không còn là "sân chơi" riêng của các nhà đầu tư nước ngoài. Doanh nghiệp Việt Nam hiện đang rất có thực lực, cạnh tranh sòng phẳng với các thương hiệu quốc tế, thậm chí còn đầu tư mạnh mẽ ra nước ngoài, chiếm lĩnh thị phần tại một số quốc gia. Ông Tuệ nhận định.

Có rất nhiều vấn đề đặt ra phía sau câu chuyện bắt tay với đại gia và mở chuỗi ào ạt, từ quản trị logistics đến chất lượng sản phẩm, hay thị hiếu tiêu dùng… Cuộc chiến cà phê, vì thế sẽ còn khốc liệt hơn trong thời gian tới, và ngôi vị "vua cà phê" hẳn sẽ là một cuộc long tranh hổ đấu giữa không chỉ giữa những người khổng lồ mà còn giữa trường phái truyền thống và hiện đại.



Báo cáo phân tích thị trường