Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
BÁO CÁO TÌNH HÌNH XNK NLTS SANG THỊ TRƯỜNG ASEAN THÁNG 6/2021
12 | 07 | 2021

Nguồn: Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT (IPSARD)

TÌNH HÌNH CHUNG

TỔNG QUAN TÌNH HÌNH THỊ TRƯỜNG

Xuất khẩu nông lâm thủy sản (NLTS) của Việt Nam sang thị trường ASEAN chiếm khoảng 10% tổng xuất khẩu NLTS của Việt Nam. Xuất khẩu NLTS của Việt Nam sang các nước ASEAN trong 5 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm 2020 giảm 7,4%,  trong khi kim ngạch nhập khẩu NLTS tăng 143,7%. Tính riêng tháng 5/2021, kim ngạch xuất khẩu NLTS đạt 351 triệu USD, giảm 11,3% so với tháng trước và giảm 8,28% so với cùng kỳ năm 2020.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang ASEAN trong tháng 5/2021 là gạo (chiếm 41%), thủy sản (chiếm 14%), cà phê (chiếm 11%), phân bón các loại (chiếm 8%), thức ăn gia súc và nguyên liệu (chiếm 7%). So với tháng 4/2021, xuất khẩu một số mặt hàng NLTS tăng cao, đặc biệt là sắn và các sản phẩm sắn tăng 300%,  cà phê tăng 21%, hạt tiêu, sản phẩm từ cao su tăng 19% trong khi đó một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm là thịt và sản phẩm thịt giảm 74%, gạo giảm 24%, rau quả giảm 20%. Tuy nhiên, so với cùng kỳ, thịt và các sản phẩm từ thịt tăng 183%, sản phẩm từ cao su, hạt điều tăng 140%, cao su tăng 111%, hạt tiêu tăng 89%, gỗ và sản phẩm gỗ tăng 98% trong khi sắn và các sản phẩm sắn giảm 55%, gạo giảm 37%, chè giảo 30% (Chi tiết tại phụ lục đính kèm).

Tại Philippin, trong khi dịch COVID-19 và dịch tả lợn Châu Phi tiếp tục hạn chế nhu cầu thức ăn chăn nuôi, ngô và gạo đã đạt sản lượng cao kỷ lục trong quý III của niên vụ 2020/21. USDA đã nâng sản lượng lúa niên vụ 2021/22 lên 12,4 triệu tấn do nước này đã áp dụng nhiều hơn các giống cải tiến thông qua Chương trình Lúa lai. Thương mại ngô và lúa mì dự kiến sẽ chậm lại trong nửa cuối của niên vụ 2020/21, nhập khẩu ngô dự kiến giảm 100.000 tấn và lúa mì giảm 300.000 tấn. Nguyên nhân là do giảm nhu cầu tiêu thụ, chi phí hậu cần cũng đang tăng lên. Niên vụ 2021/2, dự báo nhập khẩu lúa mì sẽ giảm 400.000 tấn xuống còn 6,4 triệu tấn do giá lúa mì tăng và tăng trưởng kinh tế dự kiến thấp hơn vào năm 2021.

Hàn Quốc vừa công bố "Dự án phát triển hợp tác công nghệ Hàn Quốc - ASEAN", theo đó hỗ trợ phát triển công nghệ chung giữa các doanh nghiệp Hàn Quốc và ASEAN trong 12 lĩnh vực công nghệ bao gồm chăn nuôi thông minh dựa trên nền tảng Trí tuệ nhân tạo (AI). Doanh nghiệp được chọn tham gia dự án sẽ được hỗ trợ vốn phát triển công nghệ tối đa 1 tỷ won (884.300 USD) trong vòng 3 năm. Dự án sẽ được xúc tiến thí điểm trong năm nay, bắt đầu tiếp nhận hồ sơ tham gia từ ngày 11/8.

Tờ Laotian Times đưa tin các doanh nghiệp Trung Quốc vừa ký một thỏa thuận mua 9 sản phẩm nông nghiệp trị giá 1,5 tỷ USD của Lào trong giai đoạn 2021-2025. Các sản phẩm mà doanh nghiệp Trung Quốc mua từ Lào lần này gồm có 100.000 tấn lạc, 100.000 tấn tinh bột sắn, 100.000 thịt bò đông lạnh, 200.000 tấn hạt điều, 100.000 tấn xoài, 50.000 tấn sầu riêng, 200.000 tấn đậu tương, 100.000 tấn chuối và 500.000 tấn đường. Hiện nước này đang xuất khẩu 7 sản phẩm nông nghiệp sang Trung Quốc, gồm có ngô, sắn, chuối, gạo, dưa hấu, khoai lang và đậu. Các công ty Trung Quốc đang đầu tư tại Lào đã bắt đầu trồng nhiều loại cây trái khác nhau để xuất khẩu về Trung Quốc. Tính tới năm 2020, đã có tổng cộng 239 công ty của Trung Quốc đầu tư 590 triệu USD vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp tại Lào, đưa nước này trở thành nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp lớn nhất tại Lào.

Theo Bộ trưởng Nông, Lâm và Ngư nghiệp Campuchia nước này đã xuất khẩu 132.174 tấn cao su tự nhiên, đạt giá trị 221,67 triệu USD trong nửa đầu năm 2021, tăng 7,18% về khối lượng và 38,12% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái, giá bán cao su trung bình trong nửa đầu năm 2021 ở mức 1.677 USD/tấn, tăng 374 USD (tương đương 28,72%) so với hồi đầu năm ngoái. Cao su Campuchia hiện xuất khẩu sang Việt Nam, Malaysia, Trung Quốc, Singapore, Nhật Bản và một số ít sang thị trường Liên minh châu Âu (EU). Diện tích trồng cao su của Campuchia hiện đạt 404.160 ha, trong đó 292.500 ha (72%) là cây cao su trưởng thành có thể khai thác mủ, việc trồng cao su tại Campuchia cũng được đẩy mạnh, nhiều dự án nhà máy sản xuất lốp xe đang chờ cấp phép khi thấy nguồn cung cao su nội địa của Campuchia tăng.

Vào ngày 18/6/2021, Malaysia và Thái Lan đã khởi động liên kết thanh toán phản hồi nhanh (QR) xuyên biên giới để cho phép các doanh nghiệp và người tiêu dùng từ cả hai quốc gia nhận thanh toán bằng mã QR ngay lập tức. Liên kết DuitNow-PromptPay hiện là một phần của mạng lưới thanh toán đang được thiết lập ở ASEAN. Trước đó vào tháng 4/2021, Thái Lan và Singapore đã ra mắt hệ thống thanh toán ngay đầu tiên trên thế giới, người dùng chỉ cần sử dụng số điện thoại di động PayNow của Singapore đã được kết nối với hệ thống PromptPay tương tự của Thái Lan. 

Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BOT) bổ sung các biện pháp tái cơ cấu nợ cho các doanh nghiệp SME bao gồm cả những doanh nghiệp ngừng kinh doanh do tác động của làn sóng thứ 3 dịch Covid-19. Ngày 16/6/2021, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha công bố mục tiêu mở cửa đất nước trong 120 ngày tới. Theo đó, toàn bộ lĩnh vực kinh doanh sẽ hoạt động bình thường trở lại, du khách được du lịch tự do trên toàn lãnh thổ Thái Lan.

Các công ty công nghệ nông nghiệp của Israel đang tìm kiếm cơ hội kinh doanh ở Đông Nam Á. Trong khi đó, các nước như Việt Nam, Thái Lan và Philippin lại hướng đến Trung Đông để tìm cách thúc đẩy sản xuất lương thực. Dự kiến trong năm nay, Việt Nam sẽ ký kết Hiệp định Hợp tác lao động với Israel. Trước đó, Việt Nam cũng đã được Israel hỗ trợ xây dựng các nông trường nhà kính ở tỉnh Vĩnh Phúc, nơi nông dân đã trồng thành công một số loại cây bằng kỹ thuật thuỷ canh. Tương tự, Israel cũng hợp tác với Thái Lan trong lĩnh vực công nghệ nông nghiệp. Tháng 10 tới đây, hai nước sẽ khai trương nông trường nhà kinh thứ hai tại tỉnh Petchburi.

Theo dự báo mới nhất của World Bank vào tháng 6/2021, tăng trưởng khu vực ASEAN -5 đã có những tín hiệu phục hồi lạc quan. Tăng trưởng kinh tế của Indonesia dự báo tăng từ mức -2,1% trong năm 2020 lên mức 4,4% trong năm 2021, Malaysia tăng từ mức -5,6% trong năm 2020 lên mức 6,0% trong năm 2021, Thái Lan tăng từ mức -6,1% trong năm 2020 lên mức 2,2% trong năm 2021, Philippin mức tăng từ mức -9,6% trong năm 2020 lên mức 4,7% trong năm 2021. Trong tháng 6, Trung Quốc đã tổ chức một cuộc họp trực tuyến với các bộ trưởng những quốc gia đối tác trong sáng kiến “Vành đai, Con đường”, cho biết sẽ tăng cường đầu tư và hợp tác với các nước ASEAN như hỗ trợ cơ sở hạ tầng cho Jakarta và nhập khẩu các sản phẩm của Indonesia, hợp tác để cải thiện mạng lưới giao thông tại Campuchia, xây dựng đường cao tốc tại Lào... Tương tự, các cơ hội về xuất khẩu hàng hóa sẽ tăng cao khi Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) đang xem xét thực hiện cơ chế thương mại ưu đãi không chỉ với từng quốc gia thành viên của ASEAN mà còn với toàn khối ASEAN.

Báo cáo chi tiết xem tại đây.



Báo cáo phân tích thị trường