Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
BÁO CÁO TÌNH HÌNH XK NLTS SANG THỊ TRƯỜNG TRUNG QUỐC THÁNG 7/2021
13 | 08 | 2021

Nguồn: Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT (IPSARD)

TỔNG QUAN TÌNH HÌNH THỊ TRƯỜNG

Xuất khẩu nông lâm thủy sản (NLTS) chính của Việt Nam sang Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt 4,75 tỷ USD, tăng 30,55% so với cùng kỳ năm 2020; kim ngạch nhập khẩu NLTS từ Trung Quốc đạt 1,78 tỷ USD, tăng 31,26%. Tính riêng tháng 6/2021, kim ngạch xuất khẩu NLTS chính đạt 833,96 triệu USD, tăng 3,5% so với tháng trước và tăng 35,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Trung Quốc trong tháng 6 là cao su (chiếm 22,7%), rau quả (chiếm 19,1%), gỗ và sản phẩm gỗ (chiếm 16,5%), thủy sản (chiếm 10,8%), sắn và sản phẩm từ sắn (chiếm 9,2%), hạt điều (chiếm 7,5%), gạo (chiếm 6,7%). So với tháng 5/2021, xuất khẩu một số mặt hàng NLTS tăng cao là: cao su (tăng 119,1%), thịt và sản phẩm từ thịt (tăng 83,0%), chè (tăng 11,0%); trong khi đó một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm là thức ăn gia súc và nguyên liệu (giảm 33,6%), rau quả (giảm 14,8%), hạt điều (giảm 12,4%). So với cùng kỳ, hầu hết các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng, nhiều nhất là thịt và sản phẩm thịt (tăng 491,3%), gạo (tăng 208,9%), cà phê (tăng 89,0%), sắn và sản phẩm từ sắn (tăng 59,5%); mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm là thủy sản (giảm 21,0%), chè (giảm 2,7%). (Chi tiết tại phụ lục đính kèm)

Theo số liệu của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý II/2021 của quốc gia này đạt 7,9% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn so với ước tính. Mặc dù tốc độ đó vẫn mạnh hơn so với nhiều quốc gia khác, nhưng lại giảm rõ rệt so với mức tăng 18,3% mà nền kinh tế đạt được trong quý I năm nay. Nền kinh tế Trung Quốc duy trì sự phục hồi ổn định, tuy nhiên vẫn còn những lo ngại về sự lây lan của đại dịch Covid-19 trong nước và trên toàn cầu; sự phục hồi không đồng đều giữa các ngành, các khu vực trong nước.

Doanh số bán lẻ tại Trung Quốc trong tháng 6 đạt mức tăng 12,1% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức dự báo 11% được Reuters đưa ra. Tăng trưởng doanh số bán lẻ của Trung Quốc vẫn tụt hậu so với tăng trưởng của nền kinh tế nói chung và thấp hơn kỳ vọng của các nhà phân tích trong hai tháng đầu tiên của quý II. Trong khi đó, sản xuất công nghiệp của Trung Quốc ghi nhận mức tăng 8,3%, cao hơn ước tăng 7,8% trước đó. Ngoài ra, theo công bố của Cơ quan hải quan Trung Quốc, xuất khẩu của nước này trong tháng 6 đã tăng cao hơn dự kiến lên mức 32,2%.

Chỉ số giá sản xuất của Trung Quốc cũng có những dấu hiệu tích cực, khi công cụ theo dõi giá của Bloomberg phản ánh sự sụt giảm trong tháng 7/2021 từ mức cao nhất được ghi nhận trong tháng 6/2021. Điều này cho thấy các biện pháp của chính phủ nhằm thúc đẩy nguồn cung một số mặt hàng và việc bình ổn giá bắt đầu có hiệu quả.

Theo số liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, thị trường bất động sản đã hạ nhiệt vào tháng 7/2021 sau khi chính phủ nỗ lực kiềm chế giá tăng cao, trong khi doanh số bán xe hơi vẫn ảm đạm. Tăng trưởng lợi nhuận tại các công ty công nghiệp của Trung Quốc tháng 6 đã chậm lại trong tháng thứ tư liên tiếp do giá nguyên liệu thô cao gây áp lực lên biên lợi nhuận của các nhà máy, cho thấy sự phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có một số điểm yếu. Lợi nhuận của các công ty công nghiệp trong tháng 6 đã tăng 20% so với cùng kỳ lên 791,8 tỷ CNY (tương đương 122,27 tỷ USD), sau khi tăng 36,4% trong tháng 5.

Theo Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PboC) thông báo cơ quan này sẽ hạ 50 điểm cơ bản tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) đối với tất cả các ngân hàng. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 15/7/2021. Động thái của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc được kỳ vọng "giải phóng" khoảng 1.000 tỷ CNY (tương đương 154 tỷ USD) thanh khoản dài hạn cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Tuy nhiên, các chuyên gia từ Ngân hàng đầu tư đa quốc gia UBS đánh giá, việc cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc ở một mức độ nào đó đã làm tăng thêm lo ngại của các nhà đầu tư chứng khoán rằng sự phục hồi kinh tế trong quý II và quý III/2021 có thể không tốt như thị trường mong đợi.

Theo tờ The Economic Times, Trung Quốc đã từ chối nhập khẩu tôm đông lạnh của Ấn Độ do cáo buộc bao bì có virus SARS-CoV-2, nhưng không chia sẻ chi tiết về quá trình kiểm nghiệm. Ấn Độ là nước xuất khẩu tôm lớn nhất thế giới và Trung Quốc là nước nhập khẩu thủy sản lớn thứ hai của Ấn Độ, trong đó hơn 46% là tôm đông lạnh. Tuy nhiên, bất đồng thương mại giữa hai nước bắt đầu từ tháng 11/2020, khi Trung Quốc đặt ra các hạn chế kiểm dịch thực vật đối với tôm của Ấn Độ. Căng thẳng leo thang khi vào giữa tháng 7/2021, Trung Quốc giữ lại 1.000 container tôm của Ấn Độ, vì cho rằng đã phát hiện có virus trên bao bì.

Theo thông tin từ Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC), vào cuối tháng 7/2021, các doanh nghiệp sản xuất phân bón lớn của Trung Quốc đồng loạt nhận được lệnh, tạm ngừng xuất khẩu để đảm bảo nguồn cung cho thị trường nội địa. Việc tạm ngừng xuất khẩu phân bón của Trung Quốc chưa biết sẽ kéo dài bao lâu. Theo Reuters, đây là động thái mới nhất của Bắc Kinh nhằm giải quyết bài toán giá nguyên liệu thô tăng vọt. Giá phân bón ở Trung Quốc đã đạt mức kỷ lục trong năm nay trong bối cảnh nhu cầu từ nước ngoài tăng mạnh hơn, trong khi sản xuất trong nước giảm và chi phí nhiên liệu tăng cao. Hiện giá urê giao kỳ hạn trên Sở giao dịch hàng hóa Trịnh Châu đã tăng hơn 30% so với hồi đầu năm và đạt mức cao kỷ lục 2.616 CNY (tương đương 405,19 USD)/tấn vào thứ Năm (29/7/2021) trước khi giảm 2,7% vào thứ Sáu (30/7). Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, giá urê giao ngay hiện ở mức 2.814 CNY (tương đương 435,85 USD)/tấn so với mức 2.674 CNY(tương đương 414,17 USD)/tấn trong tháng 6.

Theo báo cáo của Hãng cà phê Starbucks, doanh thu thuần hợp nhất cho quý tài chính thứ ba kết thúc vào ngày 27/6/2021 là 75 tỷ USD, tăng 78% so với năm trước, chủ yếu nhờ gia tăng 73% doanh số bán hàng tại các cửa hàng trên toàn cầu. Các cửa hàng đặt tại Hoa Kỳ và Trung Quốc chiếm 62% danh mục đầu tư toàn cầu của Starbucks tính đến cuối quý 3 năm 2021, trong đó Hoa Kỳ có 15.348 cửa hàng,Trung Quốc hiện có 5135 cửa hàng. Tại Trung Quốc, doanh số bán hàng tại các cửa hàng tăng 19% nhờ lượng giao dịch tăng 30%, bù đắp một phần do giá trung bình giảm 9%, doanh số cửa hàng của Trung Quốc có tác động bất lợi là 6%. Theo Starbucks, điều này là do việc miễn thuế giá trị gia tăng của năm trước ở Trung Quốc.

Báo cáo chi tiết xem tại đây.



Báo cáo phân tích thị trường